Trần Đăng Khoa: Mong Hà Nội là Thủ đô trong sạch

VOV.VN -Cần đưa đời sống văn minh trở lại nề nếp. Cùng với nó là những chế tài phải đủ mạnh để duy trì nền nếp này.

Bàn về môi trường không còn mới nữa. Bởi chúng ta bàn đã nhiều rồi. Ngày nào trên báo chí, chúng ta cũng nói về môi trường. Đây không chỉ là một việc cấp bách của Hà Nội mà của cả nước. Đây cũng là vấn đề lớn, mang tính toàn cầu.

Phải công nhận những năm gần đây, nhờ công cuộc đổi mới đất nước, Hà Nội biến đổi rất nhanh và đổi mới đến từng ngày. Đi về phía Tây, khu vực Mỹ Đình, hay phía Đông Long Biên nơi tôi đang ở, nhiều khu phố mới mọc lên, đẹp và rất sang trọng. Đi trên những con phố đó, ta ngỡ mình đang ở một nước phương Tây phát triển nào đó.

 

Thành phố thì văn minh. Nhưng công dân của thành phố thì không ít người lại lạc hậu, nếu không nói là rất mông muội, đã làm cho thành phố nhếch nhác đi. Đây cũng là điều được nhiều người quan tâm, không phải chỉ lãnh đạo Hà Nội, người dân chân chính của Hà Nội, mà đồng bào cả nước. Bởi Hà Nội đâu phải của riêng người Hà Nội. Hà Nội là Thủ Đô, là gương mặt tiêu biểu của cả một đất nước đang phát triển. Lãnh đạo Hà Nội cũng luôn đau đáu về vấn đề này. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải từng nói trên báo chí rằng: “Chúng ta phải biết xấu hổ khi để phố phường Hà Nội bẩn thỉu, nhếch nhác”.

Đây là cũng một vấn đề vô cùng nhức nhối. Không thể tưởng tượng được ở giữa đường phố văn minh, lại có một quý ông lại “đi tè” vào giải phân cách ngay trong giờ cao điểm, người và xe đông nghịt cả hai làn đường. Đoạn video ấy đã gây sốt trong cộng đồng mạng.

Nhà tôi ở phố Bồ Đề, quận Long Biên, hàng ngày tôi vẫn đi về trên đường Trần Nhật Duật. Ở đó có bức tranh tường bằng gốm sứ dài 5km dọc đê Sông Hồng. Nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc, nhiều danh thắng nổi tiếng của cả nước đã được các họa sĩ kỳ công tái hiện bằng nghệ thuật gốm sứ. Đây cũng có thể được xem như một “cảnh quan” của Thủ Đô.

Vậy mà hầu như ngày nào, nhất là khi đi làm về muộn, khoảng 7- 8 giờ tối, tôi thường xuyên gặp những quý ông cứ dựng xe máy ở vệ đường rồi ngang nhiên phóng thẳng những luồng khai mò vào đó. Họ đã biến bức tranh tường thành cái toa lét khổng lồ. Đấy là tuyến phố chính đi Hải Phòng, Hạ Long rồi ra Sân bay. Có bao nhiêu khách quốc tế qua lại. Người ta sẽ thấy kinh hoàng và không còn hiểu chúng ta ra làm sao cả.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Bài tiết là nhu cầu tối thiểu của con người. Cả tuyến phố dài như thế, chẳng có cái nhà vệ sinh nào, thì người ta biết “trút nỗi buồn nhân thế” vào đâu? Nếu việc làm của họ đáng trách thì chúng ta cũng rất đáng trách…

Con đường gốm sứ ở Hà Nội.

Ở các nước, không bao giờ có chuyện như vậy. Đường phố của họ luôn đẹp và sạch. Vì thế quần áo không bao giờ bẩn. Lúc nào muốn giặt thì giặt thôi. Còn ở ta mồ hôi cộng với bụi đường, chỉ sau mấy tiếng, cổ áo đã vàng khè. Ngoài đường thì bụi và rác ngập ngụa. Người Việt mình chỉ có thói quen giữ vệ sinh ở trong căn nhà riêng của mình thôi. Còn ngoài cửa sổ là đường phố. Mà đường phố thì không phải nhà mình. Và thế là họ cứ xả rác bừa bãi. Chẳng ai nhắc nhở.

Vào ngày rằm, mồng một, hay ngày Tết cúng ông Công, ông Táo, những người thả cá còn xả rác xuống Sông Hồng. Hai bên đường dành cho xe máy ở cầu Chương Dương, ngập ngụa túi ni lông và rác thải. Gần đây, người ta còn dùng cả xà lan khủng xả hàng chục tấn rác thải công nghiệp xuống Sông Hồng. Đó là cách bức tử Sông Hồng nhanh nhất, khủng khiếp nhất.

Tôi rất ngượng và phải nói là vô cùng xấu hổ khi vào những ngày nghỉ Thứ bảy hoặc Chủ nhật, nhiều vị Đại sứ các nước, các du khách quốc tế thường lao động công ích bằng cách tham gia nhặt rác quanh Hồ Gươm. Đấy chính là lời “nhắc nhở” của họ về ý thức giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường đấy. Cán bộ của ta dường như không có thói quen “xuống đường” làm người văn minh như thế. Ở các nước khác không bao giờ có chuyện ném mẩu thuốc lá xuống đường chứ đừng nói đến chuyện xả rác.

Cầu Chương Dương.

Nhà văn nổi tiếng Cao Tiến Lê sau chuyến thăm Mỹ đầu tiên, đã viết đến mấy phóng sự. Trong đó có chi tiết ông nói rằng, đường phố Mỹ sạch đến mức, nếu có lấy khăn mùi xoa mà quệt xuống đường thì chiếc khăn ấy vẫn trắng bong và không hề nhuốm bụi. Tôi nhớ lúc ấy, có người còn tỏ ra bực bội, đã gay gắt phê phán nhà văn ăn phải bả của tư bản dãy chết, đã ca tụng đế quốc sài lang. Nhưng những ai đã từng qua Mỹ, sẽ thấy nhà văn dù có cường điệu, nói cũng chẳng có gì sai.

Đường phố Mỹ rất sạch là điều có thật. Và không phải chỉ ở Mỹ, đường phố ở bất cứ Thủ Đô nào cũng thế. Sạch đẹp và nề nếp. Nó sạch đến mức chỉ nghĩ đến việc vứt mẩu thuốc lá hay cái giấy gói kẹo xuống đường là đã thấy xấu hổ rồi. Và nếu như ai nỡ tay, vứt mẩu thuốc ra đường thì sẽ bị phạt đến 500 USD, tương đương với hơn 10 triệu đồng Việt Nam và hoặc còn nặng hơn nữa.

Nhưng để bảo đảm cho việc giữ vệ sinh môi trường như thế, trên đường phố của họ luôn có những thùng rác và nhà vệ sinh. Cứ mấy trăm mét lại có một thùng rác. Thùng rác mang hình con chim cánh cụt hay cái bình hoa. Nó thực sự là một vật trang trí của đường phố nên rất đẹp và trang nhã. Nhà vệ sinh cũng vậy. Khu vệ sinh thường nằm chìm dưới lòng đất, hoặc nếu có nhô lên thì cũng được trang trí rất đẹp như một cảnh quan để có thể dễ dàng hòa nhập vào môi trường xung quanh. Ở ta có khi cả một tuyến phố dài, chẳng có một thùng rác nào cả. Nhà vệ sinh cũng không. Mà như tôi đã nói, bài tiết là nhu cầu tối thiểu của mỗi con người. Cái nhu cầu tối thiểu ấy không được đáp ứng thì điều gì xảy ra tất sẽ xảy ra thôi....

Điều đáng mừng là kíp Lãnh đạo mới của Thủ đô hiện nay rất quan tâm đến vấn đề này, như lời nhắc nhở của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải mà tôi vừa dẫn ở trên. Mới đây, tình cờ gặp Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung, tôi cũng biết ông đang triển khai rốt ráo những việc làm trước mắt. Trong 8 vấn đề đang tiến hành, có việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải và vệ sinh môi trường.

Là một cử tri Thủ Đô, tôi mong các vị lãnh đạo, các nhà quản lý Thành phố hãy khẩn trương vào cuộc, không phải chỉ “quán triệt” chung chung, mà hãy làm những việc cụ thể: Đặt các thùng rác ở các tuyến phố. Rồi xây dựng các nhà vệ sinh công cộng. Chúng ta rất nên tham khảo các nước văn minh, đừng để các thùng rác quá lớn gây phản cảm, cũng không để lưu cữu gây hôi thối. Nhà vệ sinh cũng vậy. Phải xây dựng như một cảnh quan để hòa nhập với bối cảnh chung của phố phường. Rồi kết hợp cùng Bộ Công an, Bộ Giáo dục cùng giới truyền thông tuyên truyền, giáo dục để người dân có ý thức bảo vệ môi trường, ngay từ lúc mới lẫm chẫm bước chân vào lớp một.

Cha ông ta rất sâu sắc. Các cụ bảo: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Chẳng thanh lịch cũng là người Tràng An”. Và như thế, người Tràng An phải là người thanh lịch. Không chỉ người Hà Nội, mà người dân trong cả nước, ai cũng phải là người Tràng An. Bởi trong đời, ai chẳng một lần ghé qua Thủ Đô. Dù chỉ một chốc lát, ta cũng vẫn phải là người Hà Nội, người Tràng An. Nghĩa là ta phải đại diện cho gương mặt sáng láng của cả nước, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” để ứng xử những việc trước mắt, mà đơn giản nhất là việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Bởi Hà Nội là Thủ Đô của một đất nước văn hiến…

Vấn đề thứ hai tôi muốn bàn, là Hà Nội phải gấp rút xây dựng một nhà máy hiện đại để xử lý rác thải. Hiện nay chúng ta vẫn xử lý rác thải bằng phương pháp tệ hại, là chôn rác thẳng xuống đất ở khu vực Đông Anh, Mê Linh. Không có gì tàn phá môi trường và đầu độc chính chúng ta hiệu lực bằng việc làm rất mông muội này. Cảnh quan bị phá huỷ. Nguồn nước bị ô nhiễm. Hiện nay, các bãi rác đều đã quá tải.

Trong khi đó, một nhà đầu tư người Đức, ông Henrich Seul, người có dây chuyền xử lý rác thải rất hiện đại, từng đầu tư cho hơn 30 nước văn minh trên thế giới và đầu tư rất thành công, ông đã hơn chục lần sang Việt Nam khảo sát ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mà không làm sao vào được Việt Nam để đầu tư xử lý rác thải. Người cộng sự của ông là anh Nguyễn Văn Tính, một người Việt ở Đức rất được Đại sứ quán ta, cả người Đức, người Việt tin cậy. Anh Tính cũng là thành viên của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Tôi đã nhiều lần tiếp xúc với ông Henrich Seul, trong đó có một lần mời cơm ông và người cộng sự của ông ngay tại nhà riêng của mình. Ông bảo: “Các bãi rác của các anh đều đã quá tải rồi. Nguồn nước đã bị ô nhiễm. Các sông hồ ở hai thành phố, đặc biệt là Sông Hồng, Hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây rồi sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.

Nhà máy xử lý rác thải của ông Henrich Seul là nhà máy tự động, có thể xử lý hàng chục ngàn tấn rác mỗi ngày. Rác được đốt hết, đốt triệt để rồi chế biến thành phân hữu cơ, thành đồ tái chế, rồi thành điện dân dụng. Việc đầu tư nhà máy rác thải, nhà máy điện từ việc xử lý rác này, họ sẽ lo toàn bộ kinh phí.  Chúng ta không phải bỏ ra một đồng nào. Tôi thấy đây là một phương án hay, rất phù hợp với chúng ta, nhất là khi chúng ta đang rất khó khăn về kinh phí.

Anh Tính đã chuyển thư và cả đề án thiết kế, cơ cấu vận hành nhà máy dự án của ông Henrich cho Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo từ nhiều năm trước đây. Gần đây anh Tính cũng đã lại đến gặp Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. Hy vọng với kíp lãnh đạo mới này, một việc làm thiết thực như thế nhằm giải quyết vấn nạn môi trường của Thủ Đô sẽ sớm thành hiện thực. Rồi sắp tới sẽ đấu thầu. Tôi nghĩ chúng ta cần phải lấy dự án Đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông làm một bài học sâu sắc. Đừng để những sai lầm cay đắng ấy lại diễn ra trong những công trình mới của Thủ Đô.

Và chúng ta không thể chậm hơn được nữa bởi lời cảnh báo của ông Henrich Seul đã thành hiện thực. Ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều gia đình người dân đã phải bỏ nhà cửa ở khu chung cư vì mùi hôi thối không thể chịu được từ các bãi rác thải. Ở Hà Nội, nhiều người dân ở gần các bãi rác cũng không thể chịu nổi. Nhiều hồ nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó có cả Hồ Tây. Gần đây là chuyện cá chết. Hơn 200 tấn cá chết nổi trắng cả mặt hồ. Đây là một hiện trạng đáng sợ chưa từng có trong lịch sử. Nhiều cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc tìm nguyên nhân. Nhưng rồi loay hoay mãi vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Cần kiểm tra lại xem việc xả nước thải và các mạch nước ngầm dẫn đến các hồ nước của Thủ đô như thế nào. Đặc biệt là Hồ Tây. Và ngoài Hồ Tây, còn nhiều hồ khác nữa trong thành phố. Cần phải rà soát chặt chẽ. Rồi các khu chưng cư, các tuyến phố, chúng ta cũng cần kiểm tra hàng ngày.

Cần có những chế tài xử phạt thật nặng những người vi phạm luật môi trường. Việc kiểm tra, bảo vệ môi trường cần giao cho các Quận, các Phường. Nếu địa bàn nào để xảy ra sự cố về môi trường hay các sự cố khác thì cán bộ nơi đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Và chịu trách nhiệm không phải chỉ là rút kinh nghiệm chung chung mà phải rời ngay vị trí công tác để người khác thay.

Hiện nay người giỏi, người tài vẫn còn rất nhiều trong nhân dân. Chúng ta phải có những biện pháp thật mạnh, thật cụ thể và nghiêm khắc như thế mới hy vọng giải quyết được dứt điểm các vấn nạn vẫn đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ.

Đừng để sự cố xảy ra rồi như vụ cháy quán Karaoke ở Quận Cầu Giấy vừa rồi, hay Viện Thẩm mỹ Cát Tường trước đây, ta mới kiểm tra, mới phát hiện ra các cơ sở hành nghề không được cấp phép, không bảo đảm an toàn trong việc cháy nổ.

Cần đưa đời sống văn minh trở lại nề nếp. Cùng với nó là những chế tài phải đủ mạnh để duy trì nền nếp này. Chúng ta mong Hà Nội sẽ trở thành một thành phố xanh sạch đẹp. Một thành phố mẫu mực nhất của cả nước về tất cả mọi mặt, đặc biệt là môi trường…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trần Đăng Khoa: Làm sao để nước mình đuổi kịp Thái Lan?
Trần Đăng Khoa: Làm sao để nước mình đuổi kịp Thái Lan?

VOV.VN - Tại sao một đất nước hùng mạnh, từng đi trước Thái Lan 20 năm, giờ lại tụt hậu so với chính Thái Lan quá xa?

Trần Đăng Khoa: Làm sao để nước mình đuổi kịp Thái Lan?

Trần Đăng Khoa: Làm sao để nước mình đuổi kịp Thái Lan?

VOV.VN - Tại sao một đất nước hùng mạnh, từng đi trước Thái Lan 20 năm, giờ lại tụt hậu so với chính Thái Lan quá xa?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trò chuyện với thiếu nhi về Trung thu
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trò chuyện với thiếu nhi về Trung thu

VOV.VN -Tại Chương trình Trung thu “Rước trăng chơi phố” diễn ra ở Bảo tàng Hà Nội, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có buổi trò chuyện với các em thiếu nhi.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trò chuyện với thiếu nhi về Trung thu

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trò chuyện với thiếu nhi về Trung thu

VOV.VN -Tại Chương trình Trung thu “Rước trăng chơi phố” diễn ra ở Bảo tàng Hà Nội, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có buổi trò chuyện với các em thiếu nhi.

Trần Đăng Khoa: Chúng ta còn ăn bẩn đến bao giờ?
Trần Đăng Khoa: Chúng ta còn ăn bẩn đến bao giờ?

VOV.VN -Thực phẩm bẩn đang ngày một được bày bán tràn lan trong các hang cùng ngõ hẻm của cả nước, tuy nhiên vẫn chưa có một biện pháp mạnh tay nào để đẩy lùi.

Trần Đăng Khoa: Chúng ta còn ăn bẩn đến bao giờ?

Trần Đăng Khoa: Chúng ta còn ăn bẩn đến bao giờ?

VOV.VN -Thực phẩm bẩn đang ngày một được bày bán tràn lan trong các hang cùng ngõ hẻm của cả nước, tuy nhiên vẫn chưa có một biện pháp mạnh tay nào để đẩy lùi.

Trần Đăng Khoa: Hãy làm cho học sinh giỏi tiếng Anh trước đã
Trần Đăng Khoa: Hãy làm cho học sinh giỏi tiếng Anh trước đã

VOV.VN - Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ đưa việc học tiếng Nga, tiếng Trung vào các trường phổ thông.

Trần Đăng Khoa: Hãy làm cho học sinh giỏi tiếng Anh trước đã

Trần Đăng Khoa: Hãy làm cho học sinh giỏi tiếng Anh trước đã

VOV.VN - Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ đưa việc học tiếng Nga, tiếng Trung vào các trường phổ thông.

Trần Đăng Khoa: Thủy điện Sông Bung 2 lại là “sự cố” đáng tiếc?
Trần Đăng Khoa: Thủy điện Sông Bung 2 lại là “sự cố” đáng tiếc?

VOV.VN - Cái “sự cố” đáng tiếc ấy là chuyện vỡ đường ống dẫn nước từ đập về nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) do lũ thượng nguồn đổ về. 

Trần Đăng Khoa: Thủy điện Sông Bung 2 lại là “sự cố” đáng tiếc?

Trần Đăng Khoa: Thủy điện Sông Bung 2 lại là “sự cố” đáng tiếc?

VOV.VN - Cái “sự cố” đáng tiếc ấy là chuyện vỡ đường ống dẫn nước từ đập về nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) do lũ thượng nguồn đổ về.