10 cán bộ có trên 50% phiếu "tín nhiệm thấp" ở HĐND được xử lý ra sao?
VOV.VN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có 1.700 người được lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp tỉnh; 12.028 người được lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp huyện. 10 trường hợp có trên 50% tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" đã và đang được xử lý.
Ngày 25/3 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với những kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.
Thực tiễn hoạt động của HĐND năm 2023 đã khẳng định HĐND các tỉnh, thành phố đã luôn chủ động thực thi chương trình, kế hoạch nhiệm vụ toàn khóa trên địa bàn, bên cạnh đó luôn kịp thời giải quyết các nội dung phát sinh hoặc những công việc đột xuất trong điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều rào cản phải tháo gỡ hoặc triển khai thực hiện tốt các chủ trương mới của Trung ương.
Gần 14 nghìn người được lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp tỉnh, huyện
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tính đến ngày 10/3/2024, cơ cấu tổ chức của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có sự thay đổi, trong đó kiện toàn bầu 03 Chủ tịch HĐND (Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương), 9 Phó Chủ tịch HĐND, 7 Trưởng Ban HĐND và 4 Phó Trưởng Ban HĐND.
Trong số 61 Chủ tịch HĐND các tỉnh, thành phố có 19 người là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 18 Bí thư tỉnh, thành ủy, 34 Phó Bí thư tỉnh, thành ủy, 10 Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy. Hiện nay, cả nước có 54 Phó Chủ tịch HĐND là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh, Thành ủy và 58 Phó Chủ tịch HĐND là Tỉnh ủy viên, Thành ủy viên.
Đồng thời, HĐND một số tỉnh, thành phố đã miễn nhiệm 2 Chủ tịch HĐND (Đà Nẵng, Quảng Nam) và 8 Phó Chủ tịch HĐND do đã chuyển công tác, miễn nhiệm 1 Phó Chủ tịch HĐND do xử lý kỷ luật (Phú Yên) và bãi nhiệm 1 Chủ tịch HĐND (Hải Dương), khởi tố, bắt tạm giam 2 Chủ tịch HĐND (Lâm Đồng, Vĩnh Phúc) và 1 Phó Chủ tịch HĐND (Bắc Ninh).
Hiện nay còn một số tỉnh, thành phố chưa kiện toàn Chủ tịch HĐND (Đà Nẵng, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng), Phó Chủ tịch HĐND theo Luật định (Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Ninh Bình, Long An, Hòa Bình, Bắc Ninh)”, báo cáo nêu rõ.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, các địa phương thực hiện bảo đảm thực chất, khách quan theo đúng quy định của pháp luật.
Ở cấp tỉnh có tổng số 1.700 người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. HĐND không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 208 người.
Kết quả số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm cao" là 1.546/1.700 người, chiếm tỷ lệ 90,94%. Có 1 trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" là Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, trường hợp này đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ở cấp huyện có tổng số 12.028 người được lấy phiếu tín nhiệm. HĐND không lấy phiếu tín nhiệm đối với 1.624 người.
Kết quả số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm cao" là 10.968/12.028 người, chiếm tỷ lệ 91,19%. Có 8 trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp"; có 1 trường hợp có trên 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp”.
Liên quan đến xử lý với 8 trường hợp trên, báo cáo cho biết, 1 trường hợp ở Bình Phước đã xin từ chức và được chấp thuận. Tại Hậu Giang, HĐND cấp huyện đã họp bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ đối với 1 người. Tại Nghệ An, HĐND cấp huyện đã tổ chức kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm và đã miễn nhiệm đối với 2 người.
Tại thành phố Hải Phòng, Ban Thường vụ Thành ủy đã có quyết định bố trí, luân chuyển công tác khác. Còn tại Hòa Bình, HĐND đã tổ chức họp bỏ phiếu tín nhiệm nhưng kết quả bỏ phiếu không đạt quá nửa tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” nên vẫn được giữ nguyên chức vụ.
“Hiện nay, còn tỉnh Kiên Giang và Quảng Nam đang tiến hành các thủ tục, quy trình để sớm trình HĐND xem xét, quyết định theo quy định pháp luật” – báo cáo nêu rõ.
Quyết sách kịp thời vấn đề cấp bách, sáng tạo trong giám sát
Năm 2023, HĐND các tỉnh, thành phố cả nước đã tổ chức tổng số 357 kỳ họp, trong đó có 130 kỳ họp thường lệ, 154 kỳ họp chuyên đề và 73 kỳ họp đột xuất nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, gặp nhiều rào cản phải tháo gỡ hoặc công việc phát sinh đột xuất bảo đảm điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hoặc cần triển khai thực hiện các chủ trương mới của trung ương, bảo đảm kịp thời, thực chất và hiệu quả cao hướng tới mục tiêu cao nhất là lợi ích của cử tri và nhân dân địa phương.
Tổng số nghị quyết được HĐND ban hành tại các kỳ họp trong năm qua là 6.377 nghị quyết (trong đó có 1.681 nghị quyết quy phạm pháp luật, 4.696 nghị quyết cá biệt). Thành phố Hà Nội, Vĩnh Long lần đầu tiên ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp hoặc tỉnh Hải Dương có số lượng nghị quyết được ban hành nhiều nhất từ trước đến nay (126 nghị quyết, trong đó 100 nghị quyết là văn bản cá biệt).
Công tác thẩm tra đảm bảo kỹ lưỡng, tính phản biện cao, kết hợp với hoạt động giám sát, khảo sát, chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề, tiếp xúc cử tri, do đó chất lượng các nghị quyết được ban hành ngày càng được nâng lên, bảo đảm về hình thức, nội dung nghị quyết.
Công tác tổ chức thực hiện nghị quyết tiếp tục được quan tâm từ việc tuyên truyền, phổ biến, đến việc kiểm tra, giám sát và tự rà soát thực hiện nghị quyết, góp phần phát huy hiệu quả trong thực tiễn, từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của HĐND các tỉnh, thành phố tại các kỳ họp hầu hết được thực hiện đúng quy định của luật và hướng dẫn tại Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH. Một số địa phương đã sáng tạo, xây dựng đề án đề ra tiêu chí, số lượng làm căn cứ, cơ sở định hướng cho hoạt động giám sát của HĐND.
Hầu hết HĐND các địa phương đã tổ chức tốt các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thường lệ hoặc kỳ họp chuyên đề và có nhiều đổi mới như: “hỏi nhanh đáp gọn”, nội dung rộng khắp, theo đến cùng vấn đề và đã tạo hiệu quả rõ nét trong thực hiện các vấn đề bức xúc trên địa bàn; bố trí thời gian thỏa đáng, đơn giản hóa hình thức, tạo sự tương tác tối đa giữa đại biểu và người trả lời chất vấn, không gửi câu hỏi trước đến các cơ quan mà thực hiện chất vấn trực tiếp tại hội trường...