143 vụ khiếu kiện không còn cách để giải quyết
(VOV) -Số vụ việc này đã được xem xét giải quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý nhưng dân vẫn tiếp khiếu.
Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Báo cáo trước Quốc hội chiều 7/11, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: “Đến cuối năm 2011, có 8 tỉnh, thành không còn tồn đọng những khiếu kiện phức tạp kéo dài”.
Khiếu kiện về đất đai chiếm 79,9%...
Thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 3 và Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khiếu kiện tồn đọng, phức tạp kéo dài, từ tháng 6/2011-10/2012, Thanh tra Chính phủ cùng các Bộ, ngành thành lập 28 tổ công tác làm việc với 53 tỉnh, thành. Trên cơ sở rà soát 528 vụ việc tồn đọng kéo dài, trong đó có 509 vụ khiếu nại, 19 vụ tố cáo. Riêng khiếu nại về đất đai 422 vụ việc, chiếm 79,9%...
Ông Huỳnh Phong Tranh |
Cũng theo số liệu được Tổng thanh tra Chính phủ báo cáo, có 143 vụ việc đã được xem xét giải quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý rồi nhưng dân vẫn tiếp khiếu. “Trường hợp này, chúng tôi cũng đã xin ý kiến Chính phủ và bàn với các địa phương tiến hành chấm dứt thụ lý. Nếu nhận thụ lý thì cũng không còn cách nào để giải quyết nữa”.
Như vậy, tính đến thời điểm này, số vụ việc có thể chấm dứt được là 374, chiếm khoảng 72%. Còn 173 vụ việc phải xem xét giải quyết lại theo đúng trình tự thẩm quyền theo hướng có lợi cho dân. Vì thời gian qua, trình tự, thẩm quyền có một số trường hợp là không đúng. Cá biệt có những trường hợp phải hỗ trợ chính sách xã hội để chấm dứt vụ việc do người dân quá khó khăn. Còn lại 151 vụ việc khác tiếp tục giải quyết có thẩm quyền và có khoảng 40 vụ việc Thủ tướng Chính phủ có ý kiến nhưng dân tiếp khiếu cho nên phải tiến hành xem xét lại.
Theo ông Huỳnh Phong Tranh, đạt được kết quả này là do nhận được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo các địa phương, Bộ, ngành và sự hưởng ứng của xã hội, nhất là người khiếu nại. Bên cạnh đó, sự quyết tâm hơn và sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành. Khiếu kiện đông người hiện nay diễn ra trên địa bàn HN, TP HCM và một số tỉnh nhưng phần lớn vụ việc người dân đang chờ đợi kết quả giải quyết.
Về khó khăn khi giải quyết 528 vụ việc tồn đọng, theo ông Huỳnh Phong Tranh, những vụ việc này nằm trong tổng số hơn 2000 vụ việc từ năm 2009 giải quyết còn tồn lại. Số vụ này, tính chất, mức độ rất khó khăn, nhiều vụ việc kéo dài, phức tạp, chồng chéo và phải giải quyết đi, giải quyết lại nhiều lần.
Cán bộ còn đùn đẩy, tránh né
Nghiêm túc nhìn nhận lại nguyên nhân gây nên tình trạng khiếu kiện tồn đọng, ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng: Phải xem lại trách nhiệm phục vụ một số nơi, nhiều nơi có hiện tượng đùn đẩy, tránh né, giải quyết không đến nơi, đến chốn, kéo dài gây bức xúc cho người khiếu nại và xã hội.
Ngoài ra, các vụ việc này do lịch sử để lại nên hồ sơ pháp lý không đầy đủ. Bà con để rất dài, mấy chục năm nay (từ thời xây dựng hợp tác xã) rồi xảy ra tranh chấp đất đai; Nhiều vụ việc giải quyết đã hết thẩm quyền nhưng dân vẫn khiếu kiện (hầu hết những vụ này đã có 3-4 quyết định). Mặt khác, việc bồi hoàn thu hồi đất thời gian sau đảm bảo quyền lợi tốt hơn thời gian trước đây nên người dân thấy thiệt thòi nên tiếp khiếu. Một số bà con bị kích động, lại hiểu pháp luật chưa nhiều nên dẫn đến tiếp khiếu và khiếu kiện vượt cấp.
Thời gian tới, Thanh tra sẽ tiếp tục tổ chức triển khai công việc theo hướng tập trung thực hiện các biện pháp chấm dứt khiếu nại công dân trên tinh thần bảo đảm về chất lượng và ổn định được tình hình. Phấn đấu từ nay đến cuối năm hoàn thành cơ bản theo tiến độ Quốc hội đề ra nhưng đảm bảo chất lượng, làm sao hạn chế tiếp khiếu đối đa.
“Hạn chế tiếp khiếu có hai hình thức, khi đối thoại làm rõ thì người dân tự nguyện chấm dứt khiếu kiện; thứ hai, khi đã xem xét đúng pháp luật, thấu lý đạt tình rồi thì công bố công khai chấm dứt khiếu kiện” – ông Huỳnh Phong Tranh nói.
Nên đối thoại công khai với người dân
Về biện pháp thực hiện, thời gian tới, ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng, giữa TƯ và địa phương cần tạo tiếng nói chung; phối hợp chặt chẽ theo thẩm quyền, luật định. Muốn chấm dứt khiếu kiện thì trước mắt phải tổ chức họp liên ngành, kể cả hệ thống cơ quan Nhà nước, đoàn thể, MTTQ các cấp và Hội luật gia cùng đoàn ĐBQH địa phương để tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị; đối thoại công khai với người dân (mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho người khiếu nại). Khi đã có quyết định có hiệu lực thì triển khai thực hiện và thông báo trên thông tin đại chúng để chấm dứt khiếu nại. Đồng thời, xây dựng CSDL về khiếu nại tố cáo. Hiện nay, ngoài 528 vụ việc kéo dài thì phát sinh mới nhiều.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị: Đoàn ĐBQH cần tích cực tham gia giải quyết để tạo đồng thuận tại địa phương; Song song đó, đề nghị Hội đồng dân tộc và các UB thường xuyên hoặc giao một UB giám sát chuyên đề thường xuyên về nội dung này để góp phần giải quyết triệt để, hiệu quả hơn.
“Sau kỳ họp này, đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết chuyên về giải pháp chung và cụ thể. Ví dụ, vấn đề chuyển đơn lòng vòng, phải đưa ra các qui định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước; sự phối hợp giữa các cơ quan (hiện nay phối hợp không chặt, không có tiếng nói chung); trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết KNTC; công tác đào tạo, đãi ngộ cán bộ làm công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại” – ông Tranh kết thúc phát biểu của mình bằng kiến nghị này./.