Đặt dấu hỏi về cán bộ làm công tác quản lý đất đai

(VOV) -Đại biểu Quốc hội cho rằng, cán bộ quản lý về đất đai, giải quyết khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai yếu và thiếu.

Thảo luận tại Hội trường ngày 7/11, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo là kết quả hoạt động giám sát trực tiếp của nhiều đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là tổng hợp nhiều báo cáo của các bộ, ngành ở Trung ương và tỉnh, thành phố.
Các ý kiến đánh giá Báo cáo đã phân tích, đánh giá đầy đủ toàn diện kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế của quá trình thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, đưa ra nhiều kiến nghị sát với tình hình thực tế tại các địa phương.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần làm rõ hơn một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai còn phức tạp, có tính chất ngày càng phức tạp, trong đó có trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác liên quan vấn đề đất đai.

Sai sót nhiều, xử lý bao nhiêu?

Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, hàng năm đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm gần 70% tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo trên tất cả các lĩnh vực và có khoảng 70% khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên tổng số các khiếu nại, tố cáo về đất đai. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai cho thấy có 47,8% khiếu nại, tố cáo của công dân là đúng và có đúng có sai. Từ thực tế này Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định việc khiếu nại, tố cáo của nhân dân ở cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn thiếu sót.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) đặc câu hỏi: Vì sao khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm tỷ lệ cao? Vì sao việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót như vậy? Theo đại biểu, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu quản lý đất đai chưa được đặt ra rõ ràng.

Báo cáo giám sát nhận định một trong những nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo là do một bộ phận cán bộ, công chức cơ sở năng lực yếu, hạn chế về kiến thức pháp luật, một bộ phận sa sút phẩm chất đạo đức, tiêu cực, gian lận. Căn cứ vào các số liệu trong các báo cáo cho thấy số cán bộ làm sai, làm trái liên quan đến đất đai nhiều, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng kết quả xử lý, hình thức xử lý cán bộ vi phạm, mức độ xử lý thỏa đáng hay chưa vẫn chưa được làm rõ.

Đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị cần có sự rà soát, đánh giá thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ làm công tác rà soát, tham mưu, quản lý đất đai ở các cấp, các ngành từ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đến phẩm chất đạo đức, từ việc xem xét xử lý hành chính đến xử lý hình sự và trách nhiệm bồi thường vật chất đối với những quyết định sai sót về đất đai gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân. Qua đó để có biện pháp, giải pháp thuyết phục và cũng để thấy rõ tính nghiêm minh của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai.

Còn theo đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc), một nguyên nhân quan trọng dẫn đến khiếu kiện, nhất là khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người là do cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết về khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai vừa yếu vừa thiếu. Có nơi còn có thái độ vô cảm, bàng quan với những bức xúc của nhân dân.

Đất bỏ hoang, dân sao không xót!

Về thực trạng quản lý đất đai của các cấp chính quyền, theo đại biểu Nguyễn Thái Học, báo cáo giám sát có nêu một số trường hợp khiếu kiện vì người dân bức xúc cho rằng quy hoạch mục đích sử dụng đất không rõ ràng, xâm phạm lợi ích của người bị thu hồi đất. Một số dự án sau khi giải tỏa bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Báo cáo của Chính phủ về vấn đề này cũng đã nêu cụ thể 7 tỉnh có tình trạng chậm triển khai các dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất với tỉ lệ cao từ gần 40% đến trên 75% diện tích. Hoặc có 6 tỉnh thành phố đã thu hồi đất nhưng chậm triển khai thực hiện từ 800ha/1 tỉnh, thành phố đến trên 3.000ha.

“Thời gian vừa qua nhiều tỉnh, thành phố đã có những biện pháp chấn chỉnh thực tế này nhưng tình hình tồn tại vẫn còn khá phổ biến ở nhiều địa phương. Khi nhiều hộ dân không có đất sản xuất, nhưng hàng ngày, hàng giờ phải nhìn những diện tích đất bỏ hoang như vậy, làm sao không xót xa, bức xúc!”, đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị cần có sự đánh giá đầy đủ, đồng bộ thực trạng đất bị bỏ hoang trong phạm vi cả nước để thấy rõ sự lãng phí của quá trình quản lý sử dụng đất đai và để có giải pháp quản lý đất đai một cách chặt chẽ, hiệu quả, đúng pháp luật trong thời gian tới.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh, sự yếu kém trong việc tổ chức thi hành pháp luật về đất đai, sự thiếu gương mẫu, sự sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ công chức, việc triển khai một số dự án còn dài, một số dự án sau khi giải tỏa bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí tài nguyên đất trong khi người dân thiếu đất sản xuất cũng là nguyên nhân dẫn đến người dân bức xúc, khiếu nại, tố cáo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai
Đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai

(VOV) - VOV giới thiệu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai

Đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai

(VOV) - VOV giới thiệu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Dự thảo Luật đất đai sửa đổi: Chưa rõ quyền của người dân
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi: Chưa rõ quyền của người dân

(VOV) - Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường: Người dân cũng phải có quyền gì đấy đối với Nhà nước, phải tôn trọng lợi ích của người có đất...

Dự thảo Luật đất đai sửa đổi: Chưa rõ quyền của người dân

Dự thảo Luật đất đai sửa đổi: Chưa rõ quyền của người dân

(VOV) - Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường: Người dân cũng phải có quyền gì đấy đối với Nhà nước, phải tôn trọng lợi ích của người có đất...

Khiếu nại, tố cáo về đất đai phức tạp do đâu?
Khiếu nại, tố cáo về đất đai phức tạp do đâu?

(VOV) -Khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp.

Khiếu nại, tố cáo về đất đai phức tạp do đâu?

Khiếu nại, tố cáo về đất đai phức tạp do đâu?

(VOV) -Khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp.