Khiếu nại, tố cáo về đất đai phức tạp do đâu?
(VOV) -Khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp.
Việc ra quyết định hành chính còn thiếu sót
Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày trước Quốc hội sáng 7/11 cho biết: Từ năm 2003-2011 các cấp, các ngành đã giải quyết được số lượng lớn đơn thư khiếu nại, tố cáo; trong đó đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, xử lý kịp thời những điểm nóng phát sinh và những vụ việc khiếu nại đông người.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước được chấn chỉnh và đi vào nề nếp, góp phần ổn định xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Báo cáo kết quả giám sát cho rằng, về cơ bản, các quyết định hành chính về đất đai được các cấp, các ngành ban hành theo đúng thẩm quyền, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về nội dung, hình thức, trình tự và thủ tục. Tuy nhiên còn một số quyết định hành chính về đất đai bị khiếu nại, tố cáo là do chưa đảm bảo trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo luật định; một số nội dung chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người dân.
Trong tổng số đơn khiếu nại, tố cáo hàng năm các cơ quan hành chính nhà nước nhận được có khoảng 70% là đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài, phức tạp xuất hiện ngày càng nhiều.
Qua số liệu tổng hợp của nhiều địa phương cho thấy tỷ lệ các quyết định hành chính về đất đai bị khiếu nại, tố cáo chiếm khoảng 3% so với tổng số quyết định hành chính được ban hành trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong tổng số quyết định hành chính về đất đai bị khiếu nại, tố cáo thì tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và có đúng, có sai chiếm 47,8%, có địa phương tỷ lệ này rất cao. Trong số các vụ được đưa ra xét xử tại Tòa án thì tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần chiếm 19,5%.
“Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót”, báo cáo khẳng định.
Nguyên nhân do đâu?
Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ: Khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp. Tính phức tạp của tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo không chỉ bắt nguồn từ những nguyên nhân có tính lịch sử trong quản lý và sử dụng đất đai qua các thời kỳ, những xung đột gay gắt về lợi ích kinh tế mà còn từ hệ quả của sự quản lý thiếu hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước, sự bất hợp lý và thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật đất đai, sự thiếu trách nhiệm, không công tâm, khách quan của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu trong quá trình thực thi công vụ.
Theo Báo cáo kết quả giám sát, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập. Chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, có những quy định chưa sát thực tế, thiếu cụ thể. Các chính sách liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất qua các năm thay đổi theo hướng có lợi cho người dân gây so bì về quyền lợi giữa những người dân có đất bị thu hồi tại thời điểm trước và sau khi có chính sách mới. Giá đất đền bù tại nhiều nơi chưa sát giá thị trường; có sự chênh lệch lớn, có một số nơi chênh lệch quá lớn.
Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn có những tồn tại và việc thực hiện quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch chưa nghiêm, dẫn tới tình trạng thu hồi đất để hoang, triển khai dự án chậm, lãng phí nguồn tài nguyên đất, trong khi đó người dân ở vùng dự án không còn đất sản xuất, không có việc làm dẫn đến bức xúc, khiếu kiện.
Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ, một số quyết định hành chính thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai bị sai sót như: áp giá bồi thường, xác định vị trí đất, diện tích đất chưa đúng, chưa đủ. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số địa phương chưa tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, sai về nội dung ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn sai sót về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử phạt; xử phạt sai căn cứ, mức phạt hoặc hình thức phạt chưa phù hợp.
Ngoài ra, sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức; sự hiểu biết và ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo của một bộ phận người dân còn hạn chế và việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan có trách nhiệm chưa tốt, chưa thường xuyên, liên tục cũng là những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn cao./.