17 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân đầu tư công dưới 10%
VOV.VN - Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng (hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch), chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ủy ban Kinh tế cho biết điều này khi thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Ước đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ước cả năm có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát; nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm; thanh khoản thị trường chứng khoán có xu hướng cải thiện; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh.
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân; lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng cao.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp.
Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.
”Một số ý kiến cho rằng cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn” – ông Vũ Hồng Thanh nói.
Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả
Cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022.
Lạm phát đã có dấu hiệu đảo chiều tăng trong 3 tháng gần đây, tỷ giá cũng có những biến động mạnh trong tháng 8, tháng 9. Lạm phát cơ bản 9 tháng là 4,49%, cao hơn nhiều so với lạm phát tổng thể sẽ ảnh hưởng đến không gian chính sách tiền tệ, hạn chế việc tăng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng.
Cạnh đó, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp của các thành phần kinh tế lỏng lẻo, thiếu gắn kết.
Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với hơn 135 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; doanh nghiệp mới thành lập giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động; tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ.
Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng (hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch), chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Cùng một hệ thống pháp luật nhưng một số cơ quan trung ương, địa phương giải ngân vốn còn thấp so với mặt bằng chung (có 17 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%)” – ông Vũ Hồng Thanh thông tin.
Các vướng mắc được phản ánh nhiều nhất là về thủ tục pháp lý liên quan tới đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất nông nghiệp, thủ tục hành chính chậm trễ do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Thu ngân sách nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ. Thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7 đã vượt mức 3% (3,56%). Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, rất nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai.
Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, theo Ủy ban Kinh tế là do tác động, ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm, nhất là trong bối cảnh thế giới biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ.
Trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Công tác dự báo chưa sát, vai trò quản lý nhà nước, tham mưu, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số bộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, quyết liệt, có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao; hiệu quả chính sách có độ trễ.
“Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu. Một bộ cán bộ thực thi còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong triển khai công vụ; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế” – báo cáo nêu rõ.