600 Phó Chủ tịch xã trẻ đi đâu, về đâu khi kết thúc dự án?
VOV.VN - Việc cần làm là phải đánh giá 600 Phó chủ tịch xã trẻ đóng góp gì cho địa phương khi kết thúc dự án.
Đề án tăng cường 600 Phó Chủ tịch xã về 64 huyện nghèo trong cả nước do Bộ Nội vụ chủ trì còn 1 năm nữa sẽ kết thúc. Tuy nhiên, khi đề án sắp kết thúc, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc bố trí, sắp xếp việc làm cho các Phó Chủ tịch xã.
Trong khi 94% đội viên dự án được đánh giá là hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao nhưng tại Đại hội Đảng bộ các xã nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ có chưa tới 25% Phó Chủ tịch xã được bầu vào cấp ủy. Câu chuyện “đầu ra” cho các Phó Chủ tịch xã tình nguyện đang là một thực tế đáng quan tâm ở nhiều địa phương hiện nay.
Các trí thức trẻ trao đổi kinh nghiệm làm Phó Chủ tịch xã |
Xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai từ khi được tăng cường Phó Chủ tịch xã Tráng Seo Pao đã có nhiều thay đổi. Ngay từ ngày về nhận nhiệm vụ, Phó Chủ tịch xã Tráng Seo Pao đã tự mình đo đạc, tính toán, lập dự toán, làm tờ trình xin tài trợ... để bê tông hóa những con đường gập ghềnh, cheo leo, dốc đứng trên địa bàn xã. Chỉ sau 2 ngày thực hiện, bà con có thể đi xe máy trên con đường bê tông rộng 1m mà trước đây là những lối mòn ngoằn ngoèo bám vào vách núi, chỉ có thể đi bộ.
Từ việc làm nhỏ nhưng có ích như vậy đã huy động được sức dân trong việc bê tông hóa những con đường giữa các thôn bản. Đến nay, Tráng Seo Pao đã vận động bà con trong xã làm được 13 km đường liên gia, ngõ xóm của 9/12 thôn, 5 km đường liên thôn, đổ bê tông được 200 nền nhà, hoàn thành 400 nhà vệ sinh tự hoại và 220 chuồng nuôi gia súc cho dân bản...
Trả lời về dự định trong tương lai khi không trúng cử vào cấp ủy, Tráng Seo Pao tâm sự, nguyện vọng của anh là muốn gắn với xã nghèo, bởi còn rất nhiều việc dang dở cần phải làm.
"Mong muốn được Đảng, Nhà nước quy hoạch cấp ủy, chính quyền, sau khi hoàn thành được vào biên chế để những người có năng lực trình độ đóng góp xây dựng quê hương. Trước khi tham gia vào dự án, tôi cùng một số người đã làm ở một số công ty, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học vì mục tiêu xây dựng tổ quốc cùng bà con xóa đói giảm nghèo tham gia dự án. Kết thúc dự án các bạn đội viên nói chung mong được bố trí công việc để tiếp tục cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc”, Tráng Seo Pao tâm sự.
Còn Phó Chủ tịch xã Nguyễn Thị Thanh Lam, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái thì sau 4 năm gắn bó với đất nghèo, chị đã quen với công việc tham mưu, trực tiếp giúp UBND xã chuẩn bị các văn bản, hệ thống giấy tờ hành chính trong quá trình làm việc của xã, đặc biệt có chương trình hành động cụ thể, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của xã.
Là người trực tiếp giúp đỡ, kèm cặp Phó Chủ tịch xã Nguyễn Thị Thanh Lam từ ngày mới trở về, nguyên Bí Thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn, ông Giàng Chí Ly khẳng định: Phó Chủ tịch xã Nguyễn Thị Thanh Lam là người hết sức tâm huyết với công việc và hoàn thành suất sắc nhiệm vụ trong 4 năm qua. Với những đổi thay trên quê hương từ khi có Phó Chủ tịch xã là trí thức trẻ, ông Giàng Chí Ly cho rằng: Trung ương tiếp tục chỉ đạo, chính quyền địa phương tạo điều kiện giới thiệu trí thức trẻ vào chức danh công chức để trí thức trẻ tiếp tục làm việc theo chuyên môn.
“Qua những kết quả đạt được, chúng tôi cho rằng đưa các tri thức trẻ lên vùng cao đặc biệt khó khăn là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Nên tiếp tục có chương trình trí thức trẻ tình nguyện, không những làm phó chủ tịch mà làm những chức danh khác để giúp địa phương khó khăn làm tốt hơn”, ông Giàng Chí Ly đề nghị.
Đánh giá năng lực của đội viên Đề án 600 Phó Chủ tịch xã, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Dự án cho rằng: Điều đáng mừng là 94% đội viên của Đề án được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ và có những người hoàn thành ở mức xuất sắc. Tất cả các Phó Chủ tịch xã trẻ rất quyết tâm trụ lại những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, một thực tế đang phát sinh, nhiều địa phương vẫn coi những Phó Chủ tịch xã này là người của Đề án. Sau khi kết thúc, họ sẽ rời địa phương và không đảm đương tốt nhiệm vụ này. Thậm chí, có những địa phương như tỉnh Sơn La chủ trương không bố trí quy hoạch những cán bộ trẻ này trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho rằng, một trong những mục tiêu của đề án là tạo nguồn cán bộ tại chỗ. Bởi vậy, sau khi kết quả của các em được khẳng định, đánh giá thì cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh, huyện, xã phải quy hoạch, bồi dưỡng đào tạo và bố trí sử dụng trong thời gian tới.
“Có nhiều nguyên nhân, tôi cho rằng cốt lõi là quan điểm và nhận thức sử dụng đội ngũ này, nếu chúng ta thực sự quan tâm thì chúng ta chủ động trong quy hoạch và bố trí sử dụng. Không phải là vấn đề biên chế mà biên chế thì xu hướng ngày càng giảm, mà trong 5 năm có sự biến động nếu chúng ta chủ động quy hoạch thì vẫn bố trí sử dụng tốt”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh nói.
Ông Vũ Đăng Minh (Ảnh: Minh Hòa) |
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ khẳng định: Phó Chủ tịch xã không được vào cấp ủy nhiệm kỳ tới là thực tế tại 64 huyện nghèo. Hiện, Bộ Nội vụ đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Sẽ có giải pháp cụ thể lo “đầu ra” cho các Phó Chủ tịch xã.
Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các tỉnh rà soát, đánh giá chất lượng của các Phó Chủ tịch xã trẻ sau 5 năm công tác. Nếu các Phó Chủ tịch xã được đánh giá tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, địa phương phải bố trí sử dụng các em ở vị trí tương đương hoặc chức danh cao hơn.
Đối với Phó Chủ tịch xã được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ sẽ được bố trí làm công chức chuyên môn của các phòng, ban của cấp huyện. Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phân nguồn biên chế các trí thức trẻ cho các tỉnh.
Các trí thức trẻ được lựa chọn qua quá trình thi tuyển của Đề án được thực hiện theo quyết định tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo, họ đã thuộc biên chế Nhà nước, nên không nằm trong số lượng tổng biên chế cán bộ công chức cấp xã theo quy định.
“Khi triển khai dự án, xác định đây là nguồn nhân lực quan trọng của địa phương. Do vậy, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương là sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này. Đồng thời trong quá trình thực hiện dự án có tiến hành theo dõi, phát hiện, đào tạo bồi dưỡng để bố trí chức danh lãnh đạo quản lý cho phù hợp với trình độ, năng lực và phẩm chất của từng trí thức trẻ”, ông Vũ Đăng Minh nói.
Còn hơn 1 năm nữa sẽ kết thúc Dự án 5 năm đưa trí thức trẻ về các xã nghèo. Việc cần làm là phải đánh giá 600 trí thức trẻ này đóng góp gì cho địa phương. Thành công của Đề án không chỉ là đưa các cán bộ trẻ về bố trí vào đâu, có đưa vào cấp ủy, chính quyền hay không, mà mục tiêu của đề án là tăng cường trí thức trẻ về giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân các huyện nghèo của 20 tỉnh phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Sau đó mới đến mục tiêu tạo nguồn cán bộ trẻ để bổ sung chức danh cán bộ quản lý trong cơ quan Đảng, Nhà nước./.