“Số phận” 600 Phó Chủ tịch xã trẻ đang chờ Thủ tướng
“Số phận” gần 600 đội viên tham gia Dự án “600 Phó Chủ tịch xã trẻ” chưa biết sẽ ra sao khi địa phương cho rằng không có chỉ tiêu biên chế.
Mục tiêu của Dự án “600 Phó Chủ tịch xã trẻ” là tăng cường đội ngũ trí thức trẻ có trình độ đại học về các xã thuộc 64 huyện nghèo cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ trẻ cho các địa phương.
Lãnh đạo UBND tỉnh trao đổi với các Phó Chủ tịch xã trẻ về công tác vận động bà con nhân dân tham gia thực hiện các dự án phát triển kinh tế |
Địa phương lo không có biên chế
Trước đó, khi bắt đầu triển khai Đề án, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, các Phó Chủ tịch xã trẻ nằm trong dự án, thuộc biên chế Nhà nước. Do đó việc bố trí theo các chức danh cán bộ, công chức, viên chức sau này tùy thuộc vào mức độ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ năng lực của từng trí thức trẻ.
Khi triển khai dự án, Bộ Nội vụ đã có các hội nghị tập huấn cũng như văn bản thống nhất với 20 tỉnh về trách nhiệm của các tỉnh trong việc “đào tạo, bố trí sử dụng những Phó Chủ tịch xã này”. Nên về nguyên tắc, các đội viên hoàn thành nhiệm vụ đều được bố trí công việc từ cấp xã trở lên, phù hợp với trình độ, năng lực và phẩm chất.
Báo cáo nghiên cứu tổng hợp kết quả phân loại đội viên thuộc Dự án “600 Phó Chủ tịch xã trẻ” cho thấy, có tới 31,65% đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ có 62,43%, hoàn thành nhiệm vụ có 5,57% và không hoàn thành nhiệm vụ là 0,35%. Đây là kết quả cơ sở để các địa phương bố trí công việc cho các trí thức trẻ sau khi kết thúc dự án.
Dù vậy, thực tế việc tiếp nhận và bố trí công việc cho các Phó Chủ tịch xã này sau khi kết thúc dự án lại không phải việc dễ dàng đối với các địa phương. Bà Đỗ Thị Minh Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, vấn đề khó nhất là không có biên chế để tiếp nhận các Phó Chủ tịch xã vào hệ thống cơ quan của địa phương vì khi triển khai dự án, “đây là biên chế tăng thêm chứ không nằm trong biên chế cấp xã của các huyện này”.
Trung ương khẳng định: chuyển về địa phương
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Dĩnh – Thứ trưởng Bộ Nội vụ quả quyết: “Nếu chính quyền địa phương chủ động trong quy hoạch thì có thể giải quyết được vấn đề này”.
Lý giải rõ vấn đề, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh: “Tại Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ ghi rằng số đội viên dự án này thuộc biên chế nhà nước và nằm ngoài số định biên – số lượng công chức cấp xã theo Nghị định 92 đã quy định. Như vậy, theo quy định của Chính phủ, dù địa phương đủ hay chưa đủ nhân lực thì đều sẽ có thêm cán bộ xã trẻ”.
Hơn nữa, “Mục tiêu của dự án sau 5 năm không phải là chúng ta bố trí công chức đó đi chỗ khác mà phải tiếp tục để cán bộ trẻ làm việc tại cơ sở. Ở thời điểm bước đầu triển khai dự án, có tư tưởng cho rằng những đội viên này mới tốt nghiệp đại học, chưa trải qua công tác mà đã về bố trí sử dụng làm Phó Chủ tịch UBND xã trong khi đó nhiều cán bộ trải qua nhiều năm lại không được lên.
Tuy nhiên, qua lần này, chúng ta phải khẳng định các em được đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đã chứng minh được bản thân mình. Với kết quả đó, chúng ta hoàn toàn có thể bố trí các em tiếp tục làm việc tại địa phương.” – ông Dĩnh nhận định.
Do đó, Bộ Nội vụ đang soạn thảo báo cáo chính thức về kết quả thực hiện nhiệm vụ của các Phó Chủ tịch xã cho đến thời điểm này gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh. Bộ Nội vụ sẽ xin ý kiến Thủ tướng về việc chuyển các Phó Chủ tịch xã về các địa phương theo hướng yêu cầu các địa phương bổ sung quy hoạch đối với các đội viên dự án có thành tích xuất sắc, có những sáng kiến mang lại hiệu quả thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Hiện có 575 Phó Chủ tịch xã là đội viên của dự án. Theo Bộ Nội vụ, các Phó Chủ tịch xã này khi được tăng cường về địa phương (cấp xã) sẽ được bổ sung thêm một chức danh, không làm ảnh hưởng đến biên chế của các địa phương./.