65 năm phong trào Đồng Khởi: Động lực thôi thúc chúng ta vượt lên mọi khó khăn
VOV.VN - Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi cách đây 65 năm đó là nền tảng, động lực thôi thúc chúng ta vượt lên mọi khó khăn để tạo nên những cuộc đồng khởi mới, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Cách đây 65 năm ((17/01/1960 - 17/01/2025), từ Bến Tre, Phong trào Đồng Khởi đã bùng nổ và nhanh chóng lan rộng ra toàn miền Nam. Phong trào đã lôi cuốn hàng vạn, hàng triệu người, không phân biệt già trẻ, gái trai, không phân biệt dân tộc, tôn giáo cùng tham gia. Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, các chi bộ Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa, tạo nên một phong trào cách mạng rộng khắp, san phẳng đồn bốt địch, xóa bỏ ách kìm kẹp của chính quyền Mỹ - Diệm.
Sau năm 1954, đất nước tạm thời chia cắt làm 2 miền. Miền Bắc được hòa bình nhưng miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn thi hành đạo luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam, thực hiện phương châm giết nhầm hơn bỏ sót. Chúng đã gây ra nhiều vụ thảm sát kinh hoàng, tàn sát đồng bào và chiến sĩ cách mạng. Trong 4 năm thực hiện đạo luật chết chóc này, hàng vạn cán bộ, đảng viên và đồng bào ta bị giết hại, cách mạng miền Nam bị tổn thất nặng nề. Đêm trước Đồng Khởi là một cảnh tượng tang tóc, đau thương.
Nhận rõ âm mưu và bản chất của kẻ thù, muốn phá hoại Hiệp định Geneva, chia cắt lâu dài đất nước ta, trước cảnh đồng bào và cách mạng miền Nam liên tục bị đánh phá, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 năm 1959 đã chính thức thông qua một Nghị quyết quan trọng, cho phép đồng bào và chiến sĩ miền Nam sử dụng khởi nghĩa vũ trang để chống lại những cuộc càn quét, áp bức của quân thù.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trường, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) cho rằng, Nghị quyết 15 chính là ngọn lửa châm ngòi cho phong trào “Đồng Khởi” trên quy mô lớn. Sự ra đời của Nghị quyết đã cho thấy sự hội tụ giữa ý Đảng và lòng dân trong thời điểm cam go của cách mạng.
“Khi phong trào đứng trước những thử thách hiểm nghèo, cán bộ và quần chúng bị khủng bố rất dã man, đông đảo nhân dân rất mong muốn Đảng cho đấu tranh bằng bạo lực với kẻ thù. Nhân dân Bến Tre vẫn tâm niệm, còn cán bộ là còn Đảng, đảng viên là người thân, là máu thịt của dân. Nghị quyết 15 đã cho phép quần chúng đấu tranh bằng vũ trang, vì vậy chủ trương này được Nhân dân đón đợi và nhanh chóng đi vào cuộc sống, bằng một phong trào cách mạng rất tiêu biểu. Ở đây, thực sự ý Đảng đã gặp lòng dân” - Đại tá Nguyễn Văn Trường cho hay.
Đồng Khởi Bến Tre đã gây một cơn chấn động lớn. Đích thân Ngô Đình Diệm khẩn cấp đi Bến Tre thị sát và quyết định sử dụng lực lượng đàn áp phong trào. Ngày 25 tháng 3 năm 1960, chúng huy động 13.000 quân phản kích đánh vào huyện Mỏ Cày. Tỉnh uỷ Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ huy hàng vạn quần chúng đấu tranh suốt 12 ngày đêm, phản đối chính quyền Sài Gòn đàn áp nhân dân. Cuộc biểu tình đã làm cho trật tự an ninh của địch rối loạn, tên quận trưởng Mỏ Cày phải đứng ra nhận đơn giải quyết. Tình thế đó, Ngô Đình Diệm buộc phải rút quân. Quân và dân Bến Tre đã đánh đuổi kẻ thù và bảo toàn lực lượng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Mỹ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có được thắng lợi đó là do Đảng đã biết phát huy cao độ sức mạnh của quần chúng nhân dân.
“Địch đã có tới 10.000 quân, tức là 1 vạn quân nhưng mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó cũng nói thế này, nhân dân là bức trường thành, sức mạnh của dân như nước thì dù kẻ thù có súng ống mạnh đến đâu cũng không thể nào phá vỡ nổi. Ngày 17/01/1960, đồng bào nổi dậy, vũ khí đơn giản, chưa có gì, chủ yếu là gậy gộc, vũ khí thô sơ, chủ yếu là sức dân, mà chủ yếu là đội quân tóc dài, hàng nghìn người dân rầm rập xuống đường đấu tranh. Địch đông hơn nhưng mà nhân dân chúng ta như nước và cứ tiếp tục, đoàn quân cứ nối dài thêm, nối dài thêm, không thể có súng ông nào mà tiêu diệt được nhân dân” - TS Phạm Xuân Mỹ cho biết.
Trong sự phát triển của cao trào Đồng Khởi đã dẫn đến sự ra đời của “Đội quân tóc dài”. Tuy không có một tấc sắt trong tay, nhưng “Đội quân tóc dài” có sức mạnh phi thường, triển khai hiệu quả cả ba mũi giáp công chính trị, binh vận và vũ trang. Các mẹ, các chị đã đứng lên ngăn cản không cho xe địch cán lúa; bịt nòng súng không cho bắn vào xóm làng; níu kéo lính Mỹ khi chúng đốt nhà, phá làng; các đội đặc công, biệt động nữ cũng đã thực hiện nhiều trận đánh vào các cơ quan đầu não địch. Đây là một binh chủng đặc biệt, một sáng tạo độc đáo của đồng bào miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ. “Đội quân tóc dài” là biểu tượng sinh động của truyền thống kháng chiến toàn dân “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của dân tộc ta.
Bằng cao trào Đồng Khởi, nhân dân miền Nam đã đánh thẳng vào chính sách xâm lược thực dân kiểu mới Mỹ, đặt đế quốc Mỹ vào thế bị động ngay từ đầu. Đó là một trong những nét đặc sắc nổi bật, bước tiếp nối truyền thống quật cường, thể hiện bản lĩnh, tài năng sáng tạo của Đảng ta, nhân dân ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước ở thế kỷ 20.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho rằng, thắng lợi của phong trào Đồng Khởi cách đây 65 năm đó là nền tảng, động lực thôi thúc chúng ta vượt lên mọi khó khăn để tạo nên những cuộc đồng khởi mới, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay: "Ngày nay, để phát huy tinh thần đồng khởi, trước hết chúng tôi nghĩ là phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao lòng tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha ta cho mọi tầng lớp nhân dân. Đối với mỗi người dân thì cũng đều phải thực hiện cho tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân, có ý chí, có niềm tin, khát vọng vươn lên để cùng tạo nên một cuộc đồng khởi mới trên tất cả các lĩnh vực, để quyết tâm đưa đất nước chúng ta thoát khỏi bẫy của thu nhập trung bình và từng bước vươn lên sánh kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới".
Bằng sức mạnh của tinh thần đoàn kết, bằng ý chí chiến đấu ngoan cường, quật khởi, chúng ta đã làm nên một phong trào Đồng khởi triều dâng, thác đổ, phá tan xiềng xích thống trị của kẻ thù. Và ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đó là nguồn lực to lớn để chúng ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và nguồn lực lớn nhất của Tổ quốc chính là ý chí, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của 100 triệu đồng bào trong nước và ngoài nước. Truyền thống đại đoàn kết, trên dưới một lòng đã làm nên một sức mạnh vô bờ bến, không chỉ trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ gìn non sông, bờ cõi trước đây mà còn là cội nguồn sức mạnh để chúng ta vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập, xây dựng đất nước hùng cường, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.