75 năm CM Tháng 8: Ký ức những ngày Hà Nội sục sôi
VOV.VN - Mùa thu lịch sử 75 năm trước, Thành phố Hà Nội đang sục sôi khí thế cách mạng tiến lên giành chính quyền sau hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Mùa thu lịch sử 75 năm trước, Thành phố Hà Nội sục sôi khí thế cách mạng tiến lên giành chính quyền sau hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Để có ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong bình yên không đổ máu, Đảng ta đã có 15 năm gây dựng, chuẩn bị lực lượng, bí mật, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng.
Thời gian đó, đã có 4 lãnh tụ của Đảng cùng biết bao chiến sỹ cách mạng bị bắt, bị tra tấn, tù đày, hy sinh để dồn lực cho hơn 10 ngày toàn dân đứng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Đến nay, ký ức hào hùng về một mùa thu lịch sử, vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm của những người trong cuộc dù tuổi đã rất cao.
Ngày 19/8/1945, sau cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn, quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Ảnh: TTXVN |
Đã xấp xỉ 100 tuổi, nhưng Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô chưa khi nào quên câu chuyện 75 năm trước. Theo ông, để có được thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa mùa thu 1945, Đảng ta đã chuẩn bị lực lượng vũ trang từ rất sớm. Bản thân là người gia nhập Đội danh dự tiễu trừ gian của Việt Minh thành Hoàng Diệu từ những ngày đầu thành lập, ông đã nhiều lần thực hiện thành công nhiệm vụ tiễu trừ tay sai, thực dân nguy hiểm. Trong đó không thể không nhắc tới vụ tiễu trừ viên quan năm ác ôn của Nhật năm 1944.
Cùng với việc thành lập các lực lượng vũ trang cách mạng, năm 1944, Đảng ta đã thành lập đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Đội đã thu hút đông đảo thanh, thiếu niên Hà Nội tham gia. Dù phải hoạt động tuyên truyền bí mật, nhưng được nhân dân ủng hộ, bao bọc nên việc tuyên truyền, vận động có nhiều thuận lợi.
Vợ chồng Đại tá Nguyễn Trọng Hàm thời trẻ. Ảnh: Báo QĐND |
Cụ Nguyễn Thị Thành Nhân, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, cựu thành viên Đội thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu nhớ lại, lúc đó cụ được vào Đội tuyên truyền, đi phát tờ rơi, truyền đơn, vận động đồng bào.
“Tôi đến đưa đồng bào từ Phú Thượng sang sông, ra các vùng ngoài. Tối đến, cho truyền đơn vào trong chai, đục thủng đáy chai ra, ném vào chỗ tòa báo Nhân dân bây giờ chỗ Hàng Trống. Các chị lớn tuổi hơn thì bắc loa lên gác nói tiếng Pháp, vận động binh lính Pháp đầu hàng”- cụ Nguyễn Thị Thành Nhân nói.
Khí thế cách mạng giành chính quyền càng mạnh mẽ hơn lúc nào hết khi Nhật đầu hàng đồng minh, Ủy ban khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh nhanh chóng được thành lập giữa tháng Tám. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa, ngày 17 tháng 8, các đội viên Đội Tuyên truyền Giải phóng quân đã cướp diễn đàn cuộc mitting của Tổng hội viên chức tại Nhà hát lớn, hạ cờ Chính phủ bù nhìn, giơ cao cờ đỏ sao vàng và hô to khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh".
Nắm chắc thời cơ, ngay tối hôm đó, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội họp khẩn. Đại tướng Nguyễn Quyết khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội, ủy viên Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội kể lại, cuộc họp khẩn với những phân tích nảy lửa giữa một bên quan điểm làm cách mạng vũ trang, một bên quan điểm làm cách mạng chính trị. Với những phân tích khoa học, xác đáng về tình hình suy yếu và tinh thần rệu rã của địch, tới gần sáng ngày 19/8 cuộc họp mới đạt được sự nhất trí về biện pháp. Đó là tiến hành khởi nghĩa phi vũ trang, dùng lực lượng quần chúng hùng mạnh để đàn áp địch.
Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, làm cách mạng tháng 8 ở Hà Nội, cái khó nhất là đấu tranh nội bộ. Cả tối ngày 17/8, cuộc họp bàn rất căng thẳng, cách mạng có đường lối đúng, nhưng cách mạng phải có tổ chức thực hiện đúng.
“Theo Trung ương nói bây giờ phải đổi mới, sáng tạo phải táo bạo. Và Hà Nội thực hiện sáng tạo về xây dựng lực lượng, sáng tạo về hình thức đấu tranh, không theo phương thức cũ, phải theo phương thức chính trị, dùng chính trị dùng chính trị ngoại giao để giải quyết”- Đại tướng Nguyễn Quyết chia sẻ thêm.
Đại tướng Nguyễn Quyết. Ảnh: Báo Nhân Dân |
Với tinh thần khẩn trương, từ sáng sớm ngày 19/8 khắp các khu vực tại Hà Nội, các lực lượng cách mạng lãnh đạo nhân dân biểu dương lực lượng giành chính quyền. Hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận với cờ đỏ sao vàng theo các ngả đường đổ về Nhà hát Lớn.
Ông Vũ Gia Hanh, quận Thanh Xuân, Hà Nội khi đó được giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn biểu tình làng Giáp Nhất với khí thế cách mạng sục sôi bồi hồi nhớ lại: “Lúc bấy giờ dân chúng đã tụ họp đông đảo, hô khẩu hiệu vang trời: “đả đảo chính quyền tay sai”, “ủng hộ Việt Minh” , đi ra cướp chính quyền ở làng Quan Nhân, làng Chính Kinh, rồi ra đến Thượng đình thì họp lại với đoàn biểu tình ở làng Thượng Đình đến, kéo ra Ngã Tư Sở và đi ra để cướp chính quyền ở huyện Hoàn Long. Đi đường chúng tôi hát: “Anh em trong đoàn quân du kích cùng vác súng lên nào. Đi lên, xung phong, ta hiệp cùng dân chúng, cướp lấy phần chiến thắng giải phóng giống nòi.”
Các đoàn biểu tình hợp lại tại Nhà hát lớn và tại đây đã diễn ra cuộc Mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng và lệnh Tổng khởi nghĩa được phát đi từ đây. Ngay sau đó rừng cờ đỏ sao vàng cuộn sóng, đi tới đâu bộ máy chính quyền thực dân tay sai tan rã tới đó. Khởi nghĩa tháng 8 ở Hà Nội thành công đã mở đường cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra đồng loạt ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cách mạng tháng 8 thành công đã đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến thành một nước độc lập, đưa Đảng ta từ hoạt động bí mật ra hoạt động công khai, mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đánh đuổi đế quốc xâm lược giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Còn với những nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn lại, đây còn là những tháng ngày vinh quang, phá bỏ xiềng xích trong cả cuộc đời làm cách mạng đầy gian khó./.