AIPA 41: Phiên làm việc của Uỷ ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức
VOV.VN - Các đại biểu thống nhất, cuộc chiến phòng chống dịch ở các quốc gia không chỉ tập trung ở các biện pháp riêng lẻ của mỗi nước mà cần mở rộng hội nhập, hợp tác trên tinh thần đoàn kết.
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-41, chiều nay, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia diễn ra phiên họp trực tuyến của Ủy ban Xã hội với chủ đề "Nâng cao vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch Covid-19" và phiên họp của Ủy ban Tổ chức. Các đại biểu nghị viện các nước thành viên AIPA đã thảo luận nghiêm túc, trách nhiệm về những vấn đề chính như: các giải pháp liên quan đến vấn đề văn hóa, xã hội để ứng phó với đại dịch Covid và những thách thức, tình huống khẩn cấp hay mọi mối đe dọa khác có thể xảy đến trong tương lai; Quy trình đối thoại ASEAN - AIPA, các thủ tục kết nạp Quan sát viên, thành lập Hội nghị sĩ trẻ AIPA.
Phát biểu đề dẫn phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, xung đột sắc tộc, những hệ lụy trong quá trình phát triển, đô thị hóa tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, gây hại cho tài nguyên thiên nhiên và đời sống xã hội. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên qui mô toàn cầu từ cuối năm 2019 đến nay, đã gây ra những hậu quả nặng nề, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
"Tại Hội nghị này, tôi mong muốn các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các thách thức về dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực lao động, vấn đề việc làm, đến phúc lợi xã hội, văn hóa, giáo dục và dạy nghề, việc bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý chất thải, rác thải và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội..., từ đó đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, bảo vệ môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết.
Tại phiên họp của Ủy ban xã hội, các đại biểu chung nhận định: Đại dịch Covid đang đe dọa cuộc sống của người dân về an ninh, an toàn sức khỏe và nhiều lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, xã hội. Với những khó khăn và thách thức chung đó, cuộc chiến phòng chống dịch ở các quốc gia không chỉ tập trung ở các biện pháp riêng lẻ của mỗi nước mà cần mở rộng hội nhập, hợp tác trên tinh thần đoàn kết
Ông Asmak Husin, Đại diện Quốc hội Malaysia cho rằng, cần xây dựng cơ chế khu vực để hỗ trợ lẫn nhau, kiểm soát rủi ro, đảm bảo nguồn cung, các thuốc men và trang thiết bị vật tư y tế cần thiết: "Việc kiểm soát nghiên cứu rủi ro đóng vai trò quan trọng để đưa ra được các biện pháp phòng ngừa, cập nhật thông tin nhanh chóng, minh bạch để đảm bảo sức khỏe, mạng sống cho người dân. Tăng cường tính sẵn dàng của toàn khu vực đối với những tình huống khẩn cấp khác, tăng cường sự chống chịu của khu vực".
Ông Nin Saphon đại diện cho Quốc hội Campuchia nhấn mạnh đến việc các nước cần thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm, biện pháp mà từng nước đang triển khai; đồng thời kêu gọi, các nước coi vaccine là một hàng hóa mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận: "Cuộc chiến chống Covid của tất cả các quốc gia hiện chủ yếu giới hạn ở trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh tòn cầu hóa, cuộc chiến chống Covid cũng như qua trình phục hồi kinh tế hậu Covid không thể giải quyết ở cấp quốc gia đơn lẻ, đòi hỏi phải tang cường hợp tác quốc tế trên tinh thần đoàn kết. Campuchia muốn có một cách tiếp cận gắn kết và thống nhất".
Bên cạnh việc đề xuất những giải pháp về y tế, kiểm soát rủi ro, các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, các đại biểu chỉ ra thực tế, những thách thức của dịch bệnh, của các tình huống khẩn cấp hay các mối đe dọa khác có thể xảy đến trong tương lai.
Theo bà Jetn Sirathranont, đại diện Quốc hội Thái Lan, để phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh là giải pháp cần hướng tới cùng với việc kiểm soát các vấn đề về môi trường: "Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc xử lý rác thải ngày càng đóng vai trò quan trọng, vì nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang phải chứng kiến sự gia tang các nguồn rác thải như rác thải nhựa, rác thải y tế. AIPA cần tiếp tục thông tin và nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề rác thải trong bối cảnh dịch Covid-19, những tác động của rác thải đối với môi trường, thay đổi xu hướng tiêu dung như không sử dụng túi nilon, khuyến khích các chính phủ thông qua các khung hợp tác về môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, rác thải để hạn chế tác động của dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng có thể trong tương lai".
Cũng trong chiều nay, Ủy ban Tổ chức dưới sự điều khiển của ông Vũ Hải Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có phiên thảo luận và thông qua các Nghị quyết như: nhất trí kết nạp Morocco và Norway làm quan sát viên của AIPA. Thành lập Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA. Chuyển đổi Ban Thư ký AIPA. Mở rộng MoU nhằm tăng cường năng lực AIPA về các vấn đề liên quan đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hội nhập Kinh tế ASEAN trên nhiều lĩnh vực giữa ERIA và AIPA.
Nghị quyết ghi nhận những đóng góp lớn lao cho AIPA. Nghị quyết về ghi nhận những đóng góp của bà Nguyễn Thị Kim Ngân với tư cách là Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ từ tháng 10/2019 đến khi kết thúc Đại hội đồng AIPA 41. Phiên họp đã thống nhất thông qua Đại hội đồng AIPA-42 sẽ được tổ chức tại Brunei Darussalam vào năm 2021.
Phiên họp của Ủy ban Tổ chức đã kết thúc ngày làm việc thứ 2 của Đại hội đồng AIPA 41. Dự kiến ngày mai sẽ diễn ra phiên toàn thể thứ 2, lễ bế mạc Đại hội đồng AIPA 41, họp báo của nước chủ nhà kết thúc nhiệm kỳ làm Chủ tịch AIPA 41 của Quốc hội Việt Nam./.