Ấm áp ngày gặp lại của những nữ chiến sỹ cách mạng bị tù đày
VOV.VN - Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ, hôm nay (21/7) hơn 200 nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày trong kháng chiến chống Mỹ hiện đang sinh sống tại TP.HCM mới có dịp được gặp nhau.
Các nữ chiến sĩ cách mạng cùng nhau ôn lại kỉ niệm những tháng ngày chiến đấu gian khổ, nhớ về những đòng đội đã hy sinh, sẻ chia những hạnh phúc hôm nay trong cuộc sống đời thường.
Nhìn những tấm ảnh của đồng đội, bà Nguyễn Thị Hương vẫn còn nhớ như in khi nhắc lại khoảng thời gian mình và mọi người trước đây bị tra tấn trong tù. 3 đồng đội của bà bị bắt và đã hy sinh trong nhà giam vì những trận tra tấn dã man của kẻ thù: Đó là Năm Thái bị bắt tại Quận 3, ba ngày sau thì hy sinh, Mười Tho cũng bị bắt ở Quận 1 và hy sinh sau đó...
Tham gia cách mạng năm 1960, đến năm 1962 bà Hương công tác tại Thành đoàn TP.HCM làm công việc giao liên và bị bắt giam tận 5 lần. Trong những lần đó, có không ít lần bà bị tra tấn dã man như: châm kim vào mười đầu ngón tay, điện chích vào người. Bà còn nhớ mình được các nữ tù đưa cho những nhánh tỏi ăn để hồi sức. Dù bị đánh đập tra tấn là vậy nhưng chưa lần nào bà Hương khai ra bất cứ thông tin nào.
Bà Hương chỉ vào hình ảnh đen trắng của người Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Thắng và nói: “Nụ cười này không thể nào quên được, cô nói rằng tôi sợ chế độ của các ông, không đủ tồn tại tới 20 năm để mà giam cầm tôi. Cho nên bức ảnh này cũng là động lực rất lớn cho tôi dù 5 lần vào tù nhưng không lần nào tôi khai báo”.
Còn bà Bùi Thị Son – nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - từng là nữ tù Côn Đảo, nhiều lần bị địch bắt tù đày, hôm nay tay bắt mặt mừng khi gặp lại người bạn cũ lâu năm. Bà bị giam từ nhà lao Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp. Năm Bác Hồ mất, bà cùng chị em để tang Bác nên bị đày ra Côn Đảo nhốt vào trong chuồng cọp. Dù bị địch bắt, tra tấn, tù đày gian khổ nhưng bà và đồng đội vẫn giữ được khí tiết, tin tưởng vào cách mạng.
Trở lại thời bình, bà Son tham gia các hoạt động của đoàn, hội, thậm chí ngay cả khi đã về hưu bà vẫn thường tích cực đóng góp vào những hoạt động của địa phương ngay khi có thể.
“Mấy dì rất vui lòng và thấy ấm lòng lắm. Tiếc là muốn họp cho đủ 600 người nhưng mỗi năm mười mấy người ra đi, mà bây giờ già rồi không có điều kiện thăm nhau. Có một cuộc họp như thế này tay bắt mặt mừng thương nhớ, biết bao nhiêu là chuyện để tâm sự. Mấy dì thấy rất mừng” - bà Son chia sẻ.
Cũng tại buổi gặp mặt các cựu nữ tù thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, có một cựu tù chính trị đặc biệt, đó là nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Bà từng có thời gian bị giam tại nhà tù Côn Đảo.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cho rằng, mỗi nữ chiến sĩ đều là nhân chứng sống, là tấm gương sáng cho các thế hệ sau này. Thời kỳ chiến đấu trong tù ngục đã cho bà cũng như những nữ tù khác rất nhiều bài học lớn trong đó có sự đoàn kết, rèn luyện ý chí phấn đấu để vượt qua thử thách, chống lại kẻ thù, trở thành một người cách mạng chân chính. Bản thân đã là cựu tù chính trị thì dù xưa hay nay đều phải luôn luôn gìn giữ bản thân, giáo dục gia đình, con cháu sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước và truyền lửa cho các thế hệ sau.
“Tôi nghĩ rằng ở thời kỳ nào cũng vậy, sự đoàn kết gắn kết san sẻ, yêu thương chăm sóc thương yêu lẫn nhau nó vẫn là bài học lớn cho đến bất kỳ thời đại nào cũng cũng vẫn rất cần bài học đó” - nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nói.
Dù trong thời kỳ nào, các nữ chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày luôn là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho các thế hệ, đặc biệt là cán bộ, hội viên phụ nữ… Họ là những nhân chứng sống giúp thế hệ trẻ có thể hiểu sâu sắc về truyền thống cách mạng của cha ông, từ đó nhận thức được trách nhiệm đối với quê hương, đất nước hôm nay,/.