Báo chí phải trả lời cho các vấn đề trên mạng xã hội
VOV.VN - Báo chí phải là câu trả lời cho các vấn đề trên mạng xã hội. Trả lời bằng tính chuyên nghiệp, bản lĩnh và đạo đức người làm báo.
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã ra mắt tác phẩm "Người trên đường đời". Tập bút ký gồm 50 chân dung nhân vật ấn tượng là thành quả từ 45 năm lao động miệt mài của tác giả và đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt trong buổi ra mắt.
Nhìn lại chặng đường 45 năm làm báo của bản thân và nhận diện thách thức của báo chí trong thời điểm hiện tại, nhà báo Hồ Quang Lợi đã có những chia sẻ với phóng viên VOV về trăn trở của người cầm bút trên con đường làm nghề.
Món nợ với cuộc đời của người cầm bút
PV: Xin chào nhà báo Hồ Quang Lợi, trong cuốn sách "Người trên đường đời" vừa ra mắt, ông nói rằng: Nhìn lại hành trình sự nghiệp, tôi hài lòng bởi mình đã làm đúng bổn phận của một người làm báo. Sự hài lòng ở đây có thể hiểu như thế nào, thưa ông?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Sự hài lòng về bổn phận ở đây là ngòi bút của mình luôn chính trực, hướng về con người, bảo vệ con người, tôn vinh phẩm giá con người.
Trong cuộc đời cầm bút, tôi không mắc bất kỳ món nợ nào vì ngòi bút sai lệch hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Thế nhưng, món nợ với cuộc đời thì những người cầm bút gần như không bao giờ có thể trả hết.
Vẫn còn những điều ngang trái và những con người chịu đau khổ. Họ cần ngòi bút của chúng ta tìm đến, chiếu rọi ánh sáng của công lý và lẽ phải, mang đến niềm tin vào cuộc sống. Đó là một con đường dài và chông gai, mà tôi và những người cầm bút vẫn luôn cảm thấy bổn phận, trách nhiệm, sứ mệnh phải hoàn thành.
PV: Ông từng nói rằng:“Sự hài lòng, nói thì ngắn gọn, nhưng đó chắc hẳn là những ngày tháng kiên trì và không ít gian lao”. Đây cũng là chiêm nghiệm rất sâu sắc của một nhà báo có nghề. Kiên trì và gian lao có phải là phẩm chất cần và đủ cho một người muốn dấn thân vào nghề báo?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tính đến nay, tôi đã có 45 năm cầm bút ở nhiều cương vị khác nhau, từ phóng viên, biên tập viên rồi đến công tác quản lý. Dù ở cương vị nào, thì nghề của tôi vẫn luôn là làm báo.
Khi mới vào nghề, tôi được phân công làm phóng viên thường trú ở mặt trận biên giới Lạng Sơn và viết bài trong chiến hào. Sau này, tôi làm bình luận quốc tế, viết về tình hình thế giới, viết về đối ngoại của Việt Nam.
Tôi đã viết bài ở nhiều trạng thái khác nhau. Có lúc mình phải đánh vật với bài báo như một cậu học trò nhỏ đứng trước bài toán khó. Có lúc mình phải hoàn thành bài viết chỉ trong 1-2 giờ đồng hồ để báo kịp thời ra nhà in. Trong mỗi hoàn cảnh, mình đều phải thích ứng. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, bền bỉ, cố gắng rèn luyện từng ngày, từng giờ.
Cuộc đời cầm bút của tôi vẫn chưa kết thúc. Nhưng khi nhìn lại chặng đường làm báo, tôi cảm thấy bản thân đã nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ ở những thời điểm mà công việc đòi hỏi mình phải cố gắng phấn đấu.
Khi mình cầm bút đúng với lương tâm và trách nhiệm, khi mình hoàn thành nhiệm vụ, mình cảm thấy minh đã đóng góp cho cuộc sống. Tôi nghĩ, xã hội đang cần niềm tin từ ngòi bút của những người làm báo. Ở đó, những giá trị đích thực của cuộc sống sẽ được bảo vệ, tôn vinh và lan tỏa.
PV: Qua tác phẩm “Người trên đường đời” ông muốn gửi gắm gì với những người làm báo trẻ hôm nay?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Đây là một cuốn sách tôi viết về những nhân vật để lại cho tôi dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời cầm bút. Đó có thể là người dân bình thường, nhà chuyên môn hay lãnh đạo cao cấp của Việt nam và thế giới... Đặc biệt, trong cuốn sách của tôi có 20 nhân vật người nước ngoài đã ghi dấu ấn Việt nam trong cuộc đời họ.
Qua tác phẩm này, tôi muốn gửi gắm 3 điều. Thứ nhất, chúng ta phải có lòng tri ân. Tri ân những con người đã sống vì đất nước này, đã cống hiến cho dân tộc này.
Điều mà tôi muốn gửi gắm thứ hai, đó là chúng ta phải sống tử tế với tình thương yêu con người. Một xã hội không có tình thương yêu con người thì dù có phồn vinh, hoa lệ thì nó cũng không phải là xã hội mà chúng ta mong muốn.
Điều thứ 3, trong quyển sách này có 20 nhân vật nước ngoài mà ở đó, thể hiện một tinh thần hòa kết, một tinh thần hòa hiếu. Qua quyển sách này, tôi muốn truyền tải tinh thần “hòa hiếu” hết sức tốt đẹp, hết sức cao quý của dân tộc chúng ta.
PV: Giáo sư Vũ Khiêu từng nhận xét, Hồ Quang Lợi "là một nhà chính trị vững vàng, một nhà văn hóa uyên bác". Ông nghĩ gì về nhận xét này? Ông tự thấy mình xứng đáng bao nhiêu phần trăm với nhận định đó và còn phải phấn đấu gì thêm nữa nếu thời gian quay trở lại?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Giáo sư Vũ Khiêu là một nhà văn hóa lớn của đất nước và có uy tín đặc biệt trong xã hội. Tôi nghĩ, lời nhận xét của Giáo sư Vũ Khiêu là sự khích lệ đối với những người thuộc thế hệ đi sau, giúp tôi có thêm niềm tin và năng lượng trong công việc. Còn bản thân mình có làm được như vậy hay không thì vẫn là con đường rất dài và cần sự phấn đấu liên tục.
Khi nói về tôi với tư cách một người cầm bút, Giáo sư Vũ Khiêu có nhắc đến văn hóa. Tôi cho rằng, đây là một suy nghĩ sâu sắc của giáo sư. Bởi vì văn hóa bao trùm lên mọi hoạt động của đời sống xã hội. Báo chí là một lĩnh vực khăng khít của văn hóa và người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Cho nên con đường báo chí của tôi chính là con đường xây dựng văn hóa và bồi đắp các giá trị văn hóa. Tôi nghĩ rằng, đây là một con đường lâu dài, không có điểm dừng. Bản thân tôi và các đồng nghiệp cần liên tục phấn đấu để cùng nhau vun đắp, lan tỏa những giá trị văn hóa cao quý của dân tộc Việt Nam.
Viết để tôn vinh cái đẹp, đấu tranh với cái ác
PV: Trong bối cảnh thông tin hiện nay, dường như những câu chuyện về người tốt, việc tốt, về sức lan tỏa từ những câu chuyện tốt đẹp đang ngày càng thiếu vắng. Nếu báo chí cứ chạy theo những câu chuyện giật gân, câu khách mà quên đi những điều tốt đẹp lấp lánh đâu đó thì báo chí sẽ đi về đâu thưa ông?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Đó là một thực trạng không vui trong thực tế báo chí của chúng ta. Những năm gần đây, nhiều khi giở trang báo là thấy phần lớn nội dung viết về mặt trái và tiêu cực xã hội. Nó vẽ lên một hình ảnh không đẹp, mang đến cảm giác u ám về xã hội của chúng ta. Tôi thấy rằng đây là vấn đề cần cảnh báo.
Về hiện tượng thì những câu chuyện tiêu cực ở chỗ này hay chỗ kia có thể đúng. Tuy nhiên, bản chất vấn đề và bản chất của xã hội này như thế nào?
Nếu chỉ nhìn vào những chuyện tiêu cực trên mặt báo, người ta rất dễ có suy nghĩ sai lệch về xã hội, trong khi đất nước ta đã và đang nỗ lực vượt qua biết bao khó khăn thử thách để có được cơ đồ như ngày hôm nay.
Việt Nam từng là đất nước chịu cảnh thiếu ăn, nhưng bây giờ đang nằm trong top 40 nền kinh tế trên thế giới. Chưa bao giờ Việt Nam có uy tín quốc tế cao như hiện nay. Thế mà đôi lúc trên các mặt báo đầy rẫy chuyện bức xúc, như vậy có đúng bản chất của xã hội chúng ta hay không?
Tôi nghĩ rằng những người làm báo cần phải nhìn lại. Chúng ta không thể câu khách, kiếm view bằng những thông tin giật gân như vậy. Cần có sự điều chỉnh để thông tin tích cực, cái hay, cái tốt của xã hội được phản ánh trên mặt báo, từ đó tăng thêm niềm tin và năng lượng cho cuộc sống. Những người làm báo thật sự phải có trách nhiệm như vậy.
Chúng ta cần viết để tôn vinh cái đẹp, đấu tranh với cái ác. Sứ mệnh của người làm báo là phải làm cho niềm tin vào công lý, vào lẽ phải trở thành ánh sáng trong cuộc đời này. Để cho những người đang đau khổ, thất vọng, vẫn nhìn thấy ánh sáng để hướng tới và vượt qua khó khăn thách thức. Đó là điều quan trọng với mỗi người và với toàn dân tộc.
Khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc phải là khát vọng lớn của tất cả mọi người dân và của dân tộc chúng ta.
PV: Từng đoạt nhiều giải Báo chí Quốc gia và cũng từng trong Ban giám khảo nhiều năm ở giải thưởng danh giá này, sau mỗi mùa giải, ông có những trăn trở, suy nghĩ gì?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông kỹ thuật số và báo chí của chúng ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức, bên cạnh những cơ hội rất lớn.
Chúng ta thấy thế mạnh của mạng xã hội, của công nghệ truyền thông, đó là tốc độ rất nhanh và kết nối không giới hạn. Đó là đặc thù mà báo chí phải đối mặt, nhưng báo chí cũng phải sử dụng nó.
Trong thời đại công nghệ số, việc “ai đưa tin nhanh nhất” không còn là vấn đề số 1 nữa. Điều quan trọng là ai phân tích sâu hơn, ai bình luận tốt hơn, ai đưa ra giải pháp phù hợp hơn và ai dự báo chuẩn xác hơn?
Đây là lúc cần báo chí giải pháp, báo chí trí tuệ và báo chí kiến tạo. Để làm được việc này, tôi nghĩ cần một quá trình phấn đấu gian khổ và bền bỉ mới có thể đáp ứng những giá trị mà cuộc sống đang đòi hỏi những người làm báo.
PV: Vậy thách thức đối với nghề báo hiện nay là gì thưa ông?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Con đường làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý không dễ dàng chút nào. Trên đường đi tới sự thật và công lý, nhà báo phải vượt qua biết bao nhiêu cạm bẫy và thách thức. Trong đó, có cả vấn đề “cơm áo gạo tiền” và đòi hỏi chúng ta phải xác định mình thật chuẩn mực.
Thách thức của báo chí trong vòng xoáy thời đại
PV: Nghe đâu đó thông tin khởi tố nhà báo này, phóng viên nọ, là một người có nhiều năm cống hiến cho nghề, ông có cảm xúc thế nào?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Chúng ta đang có một nền báo chí giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn. Chúng ta có những người làm báo thực sự mẫu mực, giàu tinh thần cống hiến. Thế hệ nào cũng có nhà báo xuất sắc, mẫu mực, đáng tự hào.
Tuy nhiên, đây đó, có những nhà báo vi phạm cả về pháp luật và đạo đức trong hành nghề. Họ không giữ được ngòi bút ngay ngắn và tư thế làm nghề chuẩn mực. Từ đó, dẫn đến vi phạm rất đáng tiếc, thậm chí có người phải xử lý hình sự.
Số người vi phạm không nhiều nhưng tác hại rất lớn, nhất là trong thời đại truyền thông số. Nó làm tổn hại uy danh và lòng tự trọng của những người làm báo chân chính.
Việc giữ gìn lương tâm và đạo đức nghề nghiệp rất quan trọng. Vì thế Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, cũng như bộ quy tắc về sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Gần đây, chúng ta còn xây dựng văn hóa báo chí… Tôi nghĩ những điều này vừa giúp xây dựng tổ chức báo chí ngày càng vững mạnh và bản thân người làm báo cũng ý thức hơn về trách nhiệm khi cầm bút.
PV: Ngày nay, báo chí phải cạnh tranh rất vất vả với mạng xã hội. Theo ông, làm thế nào để báo chí luôn giữ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Mạng xã hội là biển thông tin xô bồ và hỗn tạp, có đủ thông tin tốt, thông tin xấu, thông tin nửa tốt nửa xấu, thậm chí cả thông tin độc hại. Bởi vậy người làm báo cần có sự chọn lọc, thẩm định và phân tích trước những làn sóng thông tin này.
Báo chí phải là câu trả lời cho các vấn đề trên mạng xã hội. Trả lời bằng tính chuyên nghiệp, bản lĩnh và đạo đức người làm báo. Từ đó, chúng ta đưa ra những sản phẩm báo chí chất lượng, có sức thuyết phục và độ tin cậy cao. Đây chính là con đường sống của báo chí trong thời đại số.
PV: Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông có lời nhắn nhủ gì cho người làm báo?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Báo chí Việt Nam cũng như báo chí thế giới đang trải qua cuộc chuyển mình chưa từng có về phương thức và cách thức làm nghề. Báo chí đang phải hoạt động trong hai vòng xoáy lớn về công nghệ và tự chủ tài chính. Điều này tác động đến tâm tư, tình cảm, cũng như tác nghiệp hằng ngày của những người làm báo.
Bên cạnh một số cơ quan báo chí đang phát triển mạnh và có nền tảng vững chắc, vẫn còn những cơ quan báo chí đang vật lộn với vấn đề tự chủ tài chính. Nhưng tôi nghĩ, dù có gặp khó khăn thế nào thì người làm báo vẫn phải nêu cao tâm đức. Chúng ta không thể vì nỗi lo cơm áo gạo tiền mà khiến ngòi bút bị bẻ cong.
Tôi vẫn có niềm tin vững chắc vào đội ngũ báo chí của chúng ta, đặc biệt là người làm báo trẻ. Và trong dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của người cầm bút.
Chúng ta giữ lửa cho ngòi bút của mình, nhân lên niềm tin trong cuộc sống và xây đắp nền báo chí Việt Nam cách mạng, nhân văn, hiện đại. Báo chí phải là vũ khí sắc bén, được công chúng tin cậy, và chỉ có như thế mới hoàn thành được sứ mệnh của mình.
PV: Xin cảm ơn nhà báo Hồ Quang Lợi.