Bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng
VOV.VN - Về khoản 3, Điều 37 Dự thảo Luật báo chí sửa đối quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin....".
Sáng nay (30/9), tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội Khóa XIII tổ chức phiên họp lần thứ 9, thẩm tra Dự án Luật Báo chí sửa đổi.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật cho rằng, về cơ bản Dự thảo Luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng thời nhất trí với việc cần thiết sửa đổi Luật Báo chí, cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, khắc phục những hạn chế bất cập trong thực tiễn thi hành luật; tạo khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.
Toàn cảnh phiên họp |
Về khoản 3, Điều 37 Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, báo cáo thẩm tra dự án luật cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo.
Trong khi đó, thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như Dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, Ủy ban đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiệm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Khóa XIII phát biểu tại phiên họp |
Về thanh tra, xử phạt báo chí, ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội Khóa XIII cho rằng: “Tôi nhất trí là phải thanh tra báo chí. Thế nhưng quy định ai thanh tra báo chí trong Dự thảo luật chưa nói rõ. Theo tôi, chúng ta nên quy định nếu xử phạt các hiện tượng về vi phạm về Luật Báo chí là Bộ TT&TT. Nếu không, Sở Thông tin và Truyền thông cũng xử phạt nhà báo, thậm chí các cấp khác cũng có thể xử phạt. Theo tôi, nên để Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về báo chí chịu trách nhiệm xử phạt”./.