Biên chế sự nghiệp giảm song việc sắp xếp tổ chức còn mang tính cơ học
VOV.VN - Giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn mang tính cơ học, tốc độ đang chậm lại. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp.
Sáng 19/8, tại Phiên họp 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và thảo luận Báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.
"Tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra"
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Biểu hiện cụ thể là việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đạt kết quả tích cực, nhất là giai đoạn 2015 - 2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33% so với chỉ tiêu 10%). Các đơn vị sau sắp xếp, tổ chức lại đã phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN); giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67%/chỉ tiêu 10%); số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định.
Bên cạnh đó, năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập từng bước được nâng cao; cơ cấu tổ chức bên trong của nhiều đơn vị được rà soát, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn.
Việc đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả hơn.
Còn mang tính cơ học, cào bằng
Đoàn giám sát cũng chỉ rõ việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng còn một số tồn tại, hạn chế.
Đó là việc thể chế hoá chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa đầy đủ, kịp thời; quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập còn phân tán, tính thống nhất có phần còn hạn chế; việc triển khai thực hiện một số văn bản còn gặp khó khăn, vướng mắc;
“Việc sắp xếp, tổ chức lại chủ yếu còn mang tính cơ học. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị đang chậm lại trong giai đoạn 2021 – 2023. Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao” – báo cáo đánh giá.
Đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan như: nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ, toàn diện, còn tư duy trông chờ, ỷ lại vào nhà nước; chưa chú trọng việc xây dựng, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách về đơn vị sự nghiệp công lập; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, thiếu kiểm tra, đôn đốc; công tác quản lý nhà nước còn thiếu đồng bộ, chưa phân định rõ vai trò quản lý nhà nước với việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân chưa thường xuyên...
Từ thực tế trên, đoàn giám sát nhấn mạnh thời gian tới các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để phấn đấu đạt được các mục tiêu, hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Trong Quý I năm 2025, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng trong năm 2024, Chính phủ hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
Các địa phương tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương;
“Khẩn trương tổ chức sắp xếp các cơ sở y tế theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép 3 cấp, bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi”, báo cáo giám sát nêu rõ.
Sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.