Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Lợi ích quốc gia – dân tộc là mục tiêu cao nhất của đối ngoại
VOV.VN - Ông Bùi Thanh Sơn cho biết, lợi ích quốc gia - dân tộc chính là căn cứ quan trọng nhất để xác định đối tác - đối tượng, hợp tác - đấu tranh trong đối ngoại.
Lợi ích quốc gia – dân tộc chính là mục tiêu cao nhất của đối ngoại đúng như tinh thần mà Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định như vậy tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra sáng 14/12 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đồng thời chỉ ra nguyên tắc chung là phải luôn nỗ lực đạt được lợi ích quốc gia- dân tộc tới mức cao nhất có thể.
Tuy nhiên, bảo đảm cao nhất lợi ích dân tộc không có nghĩa là hoạt động theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh, thúc đẩy lợi ích quốc gia phải “trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi”, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn hiện nay, lợi ích quốc gia – dân tộc cao nhất là phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ anh ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, Đại hội XIII của Đảng cũng đã bổ sung "bảo đảm an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xã hội trật tự, kỷ cương,… " cũng là những lợi ích quan trọng của quốc gia – dân tộc.
“Các thành tố nói trên có quan hệ chặt chẽ, tương hỗ và thống nhất với nhau. Đây cũng là căn cứ quan trọng nhất để xác định đối tác- đối tượng, hợp tác- đấu tranh trong đối ngoại, là “bất biến” để ứng phó với tình hình diễn biến nhanh, phức tạp.” – Bộ trưởng cho biết.
Tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên Đảng xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Để đối ngoại phát huy vai trò tiên phong và hoàn thành tốt các định hướng, nhiệm vụ nói trên, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân”. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá chủ trương mới này phản ánh sự trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.
“Đây là một yêu cầu mới vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vừa mang tính cấp thiết đối với đội ngoại và ngành ngoại giao trong bối cảnh mới”- Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Dù có vị trí, chức năng, vai trò và lợi thế khác nhau, nhưng ba trụ cột đối ngoại có quan hệ rất chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau. Bởi cả 3 trụ cột này cùng thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng với mục tiêu chung vì lợi ích quốc gia – dân tộc. Điều này phản ánh bản chất nền ngoại giao Việt Nam là sự tổng hòa, thống nhất giữa tính đảng, tính quốc gia- dân tộc và tính dân chủ- nhân dân.
Để xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, bên cạnh tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các trụ cột, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh vai trò cốt yếu của việc xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại.
“Phải xây dựng một đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện về bản lĩnh, phẩm chất và trí tuệ, hiện đại về phong cách và phương pháp làm việc, đối mới, sáng tạo, ngang tầm với thời đại” – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định./.