Bộ trưởng Nội vụ: Chủ động tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ, bảo đảm thế hệ kế thừa

Bộ Nội vụ lần đầu tiên tổ chức cuộc thi sát hạch để tuyển chọn những cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu, nổi trội tham gia đề án đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp của Bộ.

Nhằm tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ gắn với đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp của Bộ giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030, mới đây, Bộ Nội vụ lần đầu tiên tổ chức cuộc thi sát hạch để tuyển chọn những cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu, nổi trội tham gia đề án đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp của Bộ.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, bà có thể nói rõ hơn về ý tưởng, mục tiêu của đề án đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp của Bộ?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ hệ trọng, “then chốt của then chốt”. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định xây dựng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ là khâu đột phá của công tác cán bộ nhằm bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.

Mục tiêu đề án chúng tôi đặt ra là tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, gắn tạo nguồn cán bộ trẻ với đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp của Bộ giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030.

Việc đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện toàn diện, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trẻ của Bộ. Chúng tôi đã chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nước, nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ. Chúng tôi sẽ đánh giá, sàng lọc cán bộ trẻ sau đào tạo, bồi dưỡng, gắn với công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ. 

 Phóng viên: Chương trình sát hạch, đào tạo được triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Chúng tôi chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2023-2026, qua vòng sơ tuyển đợt 1, Bộ đã chọn được 26 cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được tiêu chuẩn để vào vòng thi sát hạch. Ở giai đoạn này, chúng tôi phấn đấu cử 100% cán bộ trẻ của đề án sau khi đã được sát hạch tham gia đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước hoặc nước ngoài về lý luận chính trị; chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ.

Những cán bộ trẻ này sẽ được quan tâm bổ sung quy hoạch theo yêu cầu tiêu chuẩn, điều kiện; đồng thời căn cứ vào kết quả rèn luyện, phấn đấu và thực thi nhiệm vụ với những sản phẩm công việc cụ thể, nổi trội để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo các cấp phù hợp với năng lực, sở trường theo kế hoạch hằng năm. Mục tiêu phấn đấu bổ nhiệm khoảng 10% cán bộ trẻ (dưới 45 tuổi) của đề án giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương.

Giai đoạn 2 từ năm 2026 – 2030, cán bộ sau khi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng sẽ được đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn 1 bậc so với chức vụ hiện đang đảm nhiệm và phấn đấu bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng ít nhất 1 cán bộ đang giữ chức vụ phó vụ trưởng dưới 45 tuổi.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ xem xét, bổ sung cán bộ trẻ dưới 40 tuổi của đề án vào quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ và tương đương; đồng thời phấn đấu bổ nhiệm khoảng 15% số cán bộ trẻ này giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương.

Phóng viên: Bộ trưởng có thể cho biết, để tham gia đề án, các ứng viên cần những điều kiện, tiêu chuẩn gì?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Các ứng viên tham gia đề án là những cán bộ trẻ cần đáp ứng ít nhất một trong hai tiêu chuẩn chung: Được cơ quan, đơn vị sử dụng đánh giá có phẩm chất, năng lực thực tiễn, uy tín và có triển vọng phát triển; 3 năm liên tiếp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 1 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Về tiêu chuẩn cụ thể, các cán bộ này được giao trực tiếp tham mưu xây dựng ít nhất 2 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài nghiên cứu khoa học, đề án cấp Bộ trở lên, được nghiệm thu, ban hành (trong đó có ít nhất 1 văn bản quy phạm pháp luật).

Đối với cán bộ trẻ được tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ thì tham gia xây dựng ít nhất 1 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài nghiên cứu khoa học, đề án cấp Bộ trở lên và phải được nghiệm thu, ban hành.

Chúng tôi cũng quy định đối tượng ưu tiên tham gia đề án theo thứ tự: Cán bộ đang giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; cán bộ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý; cán bộ có giải thưởng từ cấp tỉnh trở lên trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông, bậc đại học và sau đại học (ưu tiên cán bộ có giải thưởng cấp cao hơn); cán bộ là người dân tộc thiểu số; cán bộ là nữ.      
Các ứng viên sau khi trúng cử sẽ được đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước về kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý; lý luận chính trị; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu; tiêu chuẩn ngạch; tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; ngoại ngữ.

Bộ cũng tổ chức ít nhất một khóa bồi dưỡng ngắn hạn về tiếng Anh hành chính - công vụ cho toàn bộ đội ngũ cán bộ trẻ của đề án để cán bộ trẻ có đủ khả năng giao tiếp, học tập bằng tiếng Anh tại nước ngoài. Hình thức học trực tiếp trong nước với báo cáo viên người nước ngoài.

Bên cạnh đó, các cán bộ trẻ sẽ được bồi dưỡng ở nước ngoài về kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trẻ. Hằng năm, Bộ Nội vụ tổ chức ít nhất một khóa bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài, mỗi khóa cử từ 4-7 cán bộ trẻ của đề án tham gia, kết hợp giữa học tập và nghiên cứu, khảo sát thực tế. Đồng thời, Bộ lồng ghép cử cán bộ tham gia các chương trình bồi dưỡng ở nước ngoài do Bộ hoặc các bộ, ngành khác tổ chức.

Chúng tôi đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động bồi dưỡng cán bộ trẻ; lựa chọn những quốc gia có nền hành chính công hiện đại và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có năng lực, uy tín để cử cán bộ trẻ đến học tập phù hợp với chủ đề, nội dung cụ thể của khóa bồi dưỡng. Trong đó, chúng tôi ưu tiên lựa chọn Nhật Bản, Pháp, Singapore và một số nước tiên tiến khác.

Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, chúng tôi sẽ điều động, biệt phái những cán bộ trẻ này nhằm bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, thử thách, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm trong các môi trường thực tiễn khác nhau. Từ đó phát huy năng lực, sở trường và tạo triển vọng phát triển cho cán bộ trẻ.

Phóng viên: Vậy những cán bộ trẻ sau khi được đào tạo, bồi dưỡng sẽ được đánh giá và đề bạt như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý cán bộ và đơn vị sử dụng cán bộ trẻ phải tiến hành lấy ý kiến nhận xét, đánh giá về các nội dung liên quan đến cán bộ trẻ của đề án. Căn cứ vào kết quả đánh giá, các đơn vị của Bộ sẽ xếp loại chất lượng cán bộ; đánh giá về triển vọng phát triển; đề xuất tiếp tục giữ lại trong đề án hoặc đưa ra khỏi đề án.

Các trường hợp đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển ở các vị trí  lãnh đạo, quản lý các cấp thì mạnh dạn đề xuất, bố trí bổ nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý.

Bên cạnh đó, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ phải thường xuyên rà soát, phát hiện, đề xuất những nhân tố mới đủ tiêu chuẩn để đề nghị bổ sung vào đề án. Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, thẩm định, báo cáo kết quả nhận xét, đánh giá đối với cán bộ đề án, những trường hợp đưa ra khỏi đề án, những trường hợp bổ sung đề án và kết quả triển khai kế hoạch đề án trong năm với Ban cán sự đảng Bộ để xem xét, quyết định. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án cho năm tiếp theo.

Cán bộ trẻ trong đề án được dự kiến bổ nhiệm phải làm báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ và gửi về Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ.

Cấp ủy, cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ tiến hành đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh và các tiêu chí về đánh giá cán bộ theo quy định hiện hành. Khi đánh giá, tập trung đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao theo lĩnh vực công tác và công việc được giao, lấy "sản phẩm cụ thể" thuộc lĩnh vực, nhiệm vụ được giao làm tiêu chí để đánh giá.

Ngoài ra, chúng tôi còn đánh giá năng lực đổi mới, sáng tạo; đánh giá tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, lời nói đi đôi với việc làm; đánh giá khả năng thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn, quyết liệt, hiệu quả trong công việc.

Phóng viên: Đây là một sáng kiến mới mang tính thí điểm, Bộ Nội vụ là cơ quan đầu tiên trong các bộ, ngành, cơ quan trung ương thực hiện. Sau khi triển khai thực hiện, Bộ trưởng có tính đến việc nhân rộng mô hình này ra nhiều bộ ngành, địa phương khác, thậm chí là thể chế hóa thành mô hình chung?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Như tôi đã đề cập, công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, “then chốt của then chốt”. Việc chủ động tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo trẻ đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ sẽ bảo đảm sự phát triển lâu dài, bền vững, sự kế thừa giữa các thế hệ cán bộ. Để thực hiện được điều này, không thể để tự thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức mà cần có sự chuẩn bị từ phía cơ quan tổ chức, như vậy chúng ta sẽ gặt hái được thành công, lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp chất lượng hơn và đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Đề án đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp là một việc làm mang tính thí điểm, chúng tôi xác định bước đầu vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần từng bước và không cầu toàn. Sau 5 năm triển khai, Bộ Nội vụ sẽ đánh giá toàn diện, cụ thể. 

Căn cứ vào kết quả triển khai thực hiện, nếu hiệu quả tốt, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng một đề án triển khai ở các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Từ đó sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật và có chiến lược lâu dài để xây dựng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ các cấp có phẩm chất, năng lực, có cơ cấu phù hợp, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Chúng tôi cũng kỳ vọng từ đề án của Bộ Nội vụ có thể nhân rộng ra các bộ, ngành, góp phần cải cách chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Nguồn nhân lực ngành lưu trữ sẽ theo hướng “ít nhưng tinh thông”
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Nguồn nhân lực ngành lưu trữ sẽ theo hướng “ít nhưng tinh thông”

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nguồn nhân lực, những chính sách đãi ngộ cho ngành lưu trữ vẫn phải theo quy định của Chính phủ, nhưng sẽ theo phương châm, “ít nhưng tinh thông”, đáp ứng được nhu cầu phát triển...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Nguồn nhân lực ngành lưu trữ sẽ theo hướng “ít nhưng tinh thông”

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Nguồn nhân lực ngành lưu trữ sẽ theo hướng “ít nhưng tinh thông”

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nguồn nhân lực, những chính sách đãi ngộ cho ngành lưu trữ vẫn phải theo quy định của Chính phủ, nhưng sẽ theo phương châm, “ít nhưng tinh thông”, đáp ứng được nhu cầu phát triển...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Cố gắng hoàn thành sắp xếp huyện, xã trước 30/9
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Cố gắng hoàn thành sắp xếp huyện, xã trước 30/9

VOV.VN - “Tinh thần chung, mong muốn các địa phương tập trung để cố gắng hoàn thành sáp nhập huyện, xã trước 30/9 để đảm bảo tinh thần nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Cố gắng hoàn thành sắp xếp huyện, xã trước 30/9

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Cố gắng hoàn thành sắp xếp huyện, xã trước 30/9

VOV.VN - “Tinh thần chung, mong muốn các địa phương tập trung để cố gắng hoàn thành sáp nhập huyện, xã trước 30/9 để đảm bảo tinh thần nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.

Công bố quyết định bổ nhiệm ông Trương Hải Long trở lại làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Công bố quyết định bổ nhiệm ông Trương Hải Long trở lại làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ

VOV.VN - Thủ tướng quyết định điều động, bổ nhiệm ông Trương Hải Long - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026 giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Công bố quyết định bổ nhiệm ông Trương Hải Long trở lại làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Công bố quyết định bổ nhiệm ông Trương Hải Long trở lại làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ

VOV.VN - Thủ tướng quyết định điều động, bổ nhiệm ông Trương Hải Long - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026 giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ.