Bước chuyển mới trong hợp tác Việt Nam-Hungary và Đan Mạch
VOV.VN -Chuyến thăm mở ra triển vọng hợp tác mới với Hungary; nâng cấp quan hệ Việt Nam-Đan Mạch thành đối tác toàn diện
Sáng nay (21/9), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã về đến thủ đô Hà Nội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hungary từ ngày 15 đến 17/9 và Vương quốc Đan Mạch, từ ngày 18 đến 20/9. Chuyến thăm đã mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam –Hungary, đồng thời nâng cấp quan hệ Việt Nam-Đan Mạch thành đối tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước và hai khu vực.
Hungary và Đan Mạch cùng là thành viên của Liên minh châu Âu. Đây là 2 nước có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Việt Nam. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hungary và Đan Mạch của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn cấp cao nước ta diễn ra trong bối cảnh Hungary đang tích cực triển khai chính sách hướng Đông, trong đó Việt Nam được coi là nước ưu tiên ở khu vực châu Á. Với Đan Mạch, quan hệ đang trên đà phát triển mạnh khi 2 nước đã thiết lập đối tác chiến lược trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và tăng trưởng xanh. Đặc biệt, chuyến thăm lần này cũng là chuyến thăm cấp nhà nước sau gần 10 năm của Chủ tịch nước ta tới Hungarivà là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam tới Vương Quốc Đan Mạch. Điều đó khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước bạn bè truyền thống, đồng thời mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Trên nền tảng quan hệ hữu nghị tốt đẹp đó, lãnh đạo 2 nước đã dành cho Chủ tịch nước và Phu nhân sự đón tiếp hết sức trọng thị, chu đáo với những nghi lễ cao nhất dành cho Nguyên thủ Quốc gia. Và không chỉ có vậy, tại Đan Mạch Nữ hoàng Margrethe II, Hoàng thân và Thái tử thực sự xúc động như được gặp lại người thân để cùng ôn lại kỷ niệm của gia đình mình về những năm tháng tuổi trẻ từng sống ở Việt Nam. Tại cuộc các cuộc hội kiến và hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Hungari Ader Janos, Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II và thủ tướng Helle Thorning-Schmidt, cũng có thể cảm nhận rất rõ tình cảm đặc biệt của nhân dân và lãnh đạo 2 nước dành cho Việt Nam. Các nhà lãnh đạo hai nước đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á phát triển năng động, coi Việt Nam là một đối tác ưu tiên để thúc đẩy hợp tác. Tổng thống Hungari Ader Janos khẳng định: “Tôi nghĩ là sự có mặt của ngài Chủ tịch nước Việt Nam và phái đoàn thể hiện rất rõ vị trí chúng tôi dành cho Việt Nam trong chính sách này. Việt Nam trong hàng chục năm qua không chỉ đạt nhiều thành quả về phát triển kinh tế xã hội mà cũng đạt nhiều thành công trong lĩnh vực ngoại giao. Chúng ta đang nói chuyện về một quốc gia càng ngày càng có uy tín cao trong khu vực Đông Nam Á và càng ngày có uy tín lớn hơn trong các tổ chức quốc tế. Chúng tôi coi đối tác Việt Nam là quan trọng trong lĩnh vực hợp tác với ASEAN và hợp tác với các khu vực thứ 3”.
Hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hungary |
Từ tầm quan trọng của sự hợp tác này, Việt Nam và Hungary đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm, đề ra những nguyên tắc chính trị quan trọng làm cơ sở cho việc tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong tình hình mới. Đặc biệt, tại Đan Mạch hai nước đã ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Đây là khuôn khổ quan trọng định hướng quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt nhấn mạnh: “Hôm nay, tính chất của mối quan hệ giữa hai nước đã chuyển đổi từ hợp tác phát triển sang hợp tác chính trị và thương mại. Việc ký kết tuyên bố chung về đối tác toàn diện giữa hai nước là một minh chứng rõ ràng trong việc đó. Tuyên bố chung này cũng đánh dấu giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước, nó cho phép hai nước tăng cường mạnh mẽ hơn nữa để hợp tác chính trị và thương mại, vì lợi tích của cả hai quốc gia”.
Cùng với đạt được bước tiến trên lĩnh vực chính trị thì quan hệ kinh tế thương mại là trọng tâm của chuyến thăm 2 quốc gia châu Âu của Chủ tịch nước lần này đã đạt kết quả hết sức tích cực. Hungary mong muốn tăng kim ngạch thương mại và mở rộng mặt hàng xuất nhập khẩu sang nhau, ngoài các mặt hàng truyền thống như dược phẩm, nông sản…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt có cuộc gặp gỡ ngắn với báo chí |
Thủ tướng Đan Mạch tái khẳng định cam kết thực hiện Chiến lược tăng trưởng thị trường đối với Việt Nam, một trong 10 nền kinh tế tiềm năng trên thế giới mà Đan Mạch lựa chọn để triển khai chiến lược này, sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức tương xứng với tiềm năng còn to lớn giữa hai nước. Đặc biệt, Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức tại Hungary và Đan Mạch đã thu thút đông đảo các doanh nghiệp tham dự tìm hiểu cơ hội và môi trường đầu tư, xuất nhập khẩu... Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp Hungarivà Đan Mạch rất quan tâm và coi Việt Nam là một địa chỉ đầu tư, kinh doanh hấp dẫn. Cũng tại đây, các doanh nghiệp của Việt Nam đã ký được nhiều thỏa thuận hợp tác với các đối tác Đan Mạch trong các lĩnh vực vật liệu xây dựng, ứng dụng công nghệ xanh, tài chính - ngân hàng… Có thể thấy rằng nhu cầu hợp tác kinh tế thương mại giữa các bên là rất lớn. Phát biểu tại các diễn đàn này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam luôn hoan nghênh chào đón và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp của hai nước đầu tư vào Việt Nam.
“Mặc dù cách xa nhau về địa lý nhưng chúng ta rất gần gũi nhau về tình cảm. Mà hai nước hiện nay đều mong muốn nước mình phát triển ngày càng thịnh vượng, vài trò vị trí của mình ngày càng xứng đáng trong khu vực và trong thị trường quốc tế. Chúng tôi thấy rằng ý tưởng của các bạn với chúng tôi rất gần gũi với nhau nên chúng tôi có cam với các bạn là chúng tôi luôn rộng mở, chào đón tất cả các nhà đầu tư làm ăn tại Việt Nam. Chúng tôi xin có cam kết là tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để các bạn có thể làm ăn kinh doanh hiệu quả ngày càng lớn. Trong quá trình làm ăn như thế có vướng mắc gì thì chúng tôi sẵn sàng lắng nghe để điều chỉnh chính sách cho phù hợp, tạo thuận lợi nhất để các bạn hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam”.
Bên cạnh thúc đẩy hợp tác song phương thì hợp tác đa phương cũng đặc biệt được chú ý. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao đổi với Lãnh đạo hai nước về sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Tổng thống Hungary và Thủ tướng Đan Mạch đều bày tỏ ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ toàn diện với Liên minh châu Âu, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác và đàm phán Hiệp định tự do Thương mại Việt Nam – EU và sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; bày tỏ ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông...
Có thể đánh giá chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng và rất thành công, mở ra thời kỳ mới cho quan hệ Việt Nam với Hungarivà Vương quốc Đan Mạch.
Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh nói: “Chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ 11, đó là tăng cường bạn bè truyền thống có thể Hungari và Đan Mạch đó là bạn bè truyền thống, có quan hệ với chúng ta rất lâu đời rồi. Đặc biệt, có sự tin cậy chính trị, quan hệ chính trị và đó là nền tảng để mà tăng quan hệ trên các lĩnh vực khác và nhất là giai đoạn hiện nay chúng ta đang tiến tới xây dựng nước Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Những thế mạnh của Hungari và Đan Mạch có là những lĩnh vực chúng ta có thể hợp tác được để phục vụ mục đích công nghiệp hóa hiện đại hóa của chúng ta”.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn cấp cao nước ta dù chỉ diễn ra trong 6 ngày, nhưng với nhưng kết quả đạt được, cùng quyết tâm chính trị và nỗ lực tăng cường phát triển quan hệ, chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn quan hệ truyền thống với Hungarivà quan hệ Đối tác toàn diện với Đan Mạch sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa qua đó góp phần tăng cường quan hệ ASEAN-EU, đáp ứng nguyện vọng và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân Việt Nam và hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới./.