Bước đột phá về công tác cán bộ ở Hà Tĩnh: Thường xuyên “tự soi, tự sửa”
VOV.VN - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tĩnh cho rằng, tự soi, tự sửa là làm cho bản thân mạnh lên, tổ chức đảng mạnh lên và quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ vượt qua được khó khăn, hạn chế được cái sai.
Trong bài viết thứ nhất của loạt bài “Bước đột phá về công tác cán bộ ở Hà Tĩnh - việc khó phải làm” đã phần nào làm rõ về cách làm của Hà Tĩnh trong việc tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ở địa phương, được đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Đào tạo cán bộ không được làm qua loa, đại khái... mà phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng cây cối quý báu”. Bài viết 2 với nhan đề: “Đạo đức cách mạng là gốc rễ của người cán bộ, đảng viên” sẽ làm rõ nội dung này.
Trong mỗi buổi sinh hoạt, ông Phan Xuân Hội - Bí thư Chi bộ Thanh Lan, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đều phân công đảng viên kể một câu chuyện về Bác Hồ để các đảng viên trong chi bộ cùng nghe, cùng “tự soi, tự sửa”.
"Nghe câu chuyện của Bác để liên hệ bản thân có gì sai, cái gì chưa làm được, cần phải khắc phục thế nào", ông Phan Xuân Hội cho biết.
“Tự soi, tự sửa” gắn với tinh thần tự giác, mỗi đảng viên ở Hà Tĩnh tự mình soi vào mẫu gồm 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Để việc tự soi, tự sửa đi vào quy củ, nề nếp và công bằng, mỗi chi uỷ viên của Chi bộ Thanh Lan đều có 1 cuốn sổ nhật ký, theo dõi quá trình tự sửa của từng đảng viên.
"Đảng viên tự soi khuyết điểm đó trong hội nghị rồi thì cam kết khuyết điểm đó tháng mấy sửa. Chi uỷ có quyển sổ theo dõi, tháng đó đạt chưa, chưa đạt thì tiếp tục tự soi, tự sửa, làm thường xuyên để chừng nào làm được thì thôi. Năm 2022 sổ nhật ký có 3 đảng viên chưa đạt được thời gian tự soi, tự sửa, buộc làm lại. Nhờ đó chất lượng đảng viên được nâng lên rất cao", ông Phan Xuân Hội cho biết.
Không cần phải “đao to búa lớn”, với cách làm nhẹ nhàng, mang tính thuyết phục cao, mỗi đảng viên của Chi bộ Thanh Lan đều tự thấu hiểu, thấm nhuần để làm tốt việc "tự soi, tự sửa".
Đảng viên Nguyễn Thị Thanh đã tự thấy mình trong mỗi câu chuyện kể về Bác Hồ, để nhận ra những khuyết điểm của mình và quyết tâm sửa chữa.
"Khi được Bí thư nhắc hay đi họp chậm, từ đó tôi cố gắng và hứa trước Chi bộ sẽ sửa và từ đó cố gắng sắp xếp công việc gia đình để sinh hoạt đúng giờ hơn. Rút ra được kinh nghiệm là tự mình khắc phục được và mình đã gương mẫu hơn thì tín nhiệm của mình trong nhân dân cao hơn", chị Nguyễn Thị Thanh cho biết.
Việc tự soi, tự sửa nếu chỉ làm đơn thuần thì hiệu quả không cao, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã ban hành quy định nêu gương của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, người đứng đầu. Chức vụ càng cao càng phải nêu gương, tự soi, tự sửa phải gắn với thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Ông Lưu Xuân Đồng, Bí thư Đảng uỷ xã Thạch Khê cho biết, là người đứng đầu, là cán bộ, nhưng mình dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cán bộ, đảng viên, thì việc tự soi, tự sửa rất dễ. "Cọc đèn tối chân” - mình không thể biết được mình, mà phải nhờ người khác góp ý thì tự soi, tự sửa mới hiệu quả.
Để việc tự soi, tự sửa thiết thực, hiệu quả, Cấp ủy Chi bộ tổng hợp bản “Tự soi, tự sửa” của đảng viên; xây dựng báo cáo đề dẫn chuyên đề; đánh giá khái quát về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Khi tiến hành thảo luận, Bí thư chi bộ thay mặt cấp ủy tổng hợp kết quả tự soi, tự sửa của mỗi cán bộ, đảng viên, chỉ ra mức độ các biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của chi bộ, đảng viên và nhấn mạnh các giải pháp khắc phục, sửa chữa.
Sau các buổi sinh hoạt, cấp ủy chi bộ hoàn thiện báo cáo, thông báo tới các đảng viên trong chi bộ để làm căn cứ xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục và kiểm điểm cuối năm.
Ông Trần Hữu Nghĩa, Bí thư xã Thạch Sơn (nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Thạch Hà) cho biết, qua các cuộc sinh hoạt như vậy đã nhận diện được những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên để từ đó đề ra biện pháp để các đảng viên sửa chữa, khắc phục.
"Tự soi, tự sửa dựa trên tính tự giác, cảm giác như cơn gió nhẹ nhàng trong sinh hoạt chi bộ thôi, chứ nếu tự phê bình, phê bình thì nặng nề lắm. Đảng ta nên tiếp tục theo hướng này, tạo ra công cụ xây dựng Đảng nhẹ nhàng nhưng nó làm cho chúng ta càng danh dự thêm, văn minh thêm, đạo đức như Bác Hồ từng nói", ông Trần Hữu Nghĩa đồng thời cho biết xâu chuỗi nêu gương với tự soi, tự sửa và Nghị quyết Trung ương 4 khoá 11, 12 thành cái chung, lấy nêu gương làm đầu, chức vụ càng cao càng phải nêu gương trong tự soi, tự sửa.
Ông Hà Văn Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tĩnh cho rằng, tự soi, tự sửa giúp cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tự rà soát lại chức trách, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác; kiểm điểm, nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến trách nhiệm của bản thân. Từ đó, xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, phát huy những ưu điểm.
"Xây dựng chỉnh đốn đảng, tự soi, tự sửa ở đây là làm cho bản thân mình mạnh lên, tổ chức đảng mình mạnh lên và quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ mình vượt qua được khó khăn, hạn chế được cái sai. Và chính những tấm gương cán bộ, đảng viên, nhất là các lãnh đạo có sức lan toả lớn trong nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân, động viên cấp dưới. Đây cũng chính là nội dung nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên và người đứng đầu từ đó tạo ra hiệu ứng lan toả trong toàn đảng, toàn xã hộ", ông Hà Văn Hùng cho biết.
Có thể nói sinh hoạt chủ đề “Tự soi, tự sửa” đã và đang phát huy cao tính dân chủ, tự giác, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhằm xây dựng tổ chức đảng phát triển vững mạnh, củng cố khối đoàn kết trong Đảng, cơ quan, đơn vị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Các buổi sinh hoạt chủ đề cũng giúp mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi” lại vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong xây dựng, chỉnh đốn đảng và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để kịp thời “tự sửa”, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống, đạo đức nghề nghiệp, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thông qua đợt sinh hoạt chính trị này sẽ giúp các cấp ủy đánh giá đúng chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực và trình độ người đứng đầu, chất lượng đảng viên… để từ đó có kế hoạch khắc phục, điều chỉnh phù hợp.