Các tham luận là những ý kiến tâm huyết của đại biểu
VOV.VN - Các tham luận không chỉ đặt ra những vấn đề của từng bộ, ngành mà còn đề cập những yêu cầu đặt ra đối với từng địa phương trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên VOV bên lề Đại hội, nhiều đại biểu cho rằng, các tham luận đã đề cập một cách toàn diện tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong 5 năm qua và đề xuất nhiều giải pháp để phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Đây là những ý kiến tâm huyết của các đại biểu.
Các đại biểu cho rằng, các tham luận tại Đại hội chính là những ý kiến rất tâm huyết với sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng thời đã đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp để phát triển đất nước trong nhiệm kì tới khi nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Các tham luận không chỉ đặt ra những vấn đề mang tầm chiến lược của từng bộ, ngành mà còn đề cập rất cụ thể những yêu cầu đặt ra đối với từng địa phương trong thời gian tới.
Đại biểu Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: “Các đại biểu đã phát biểu những ý kiến rất tâm huyết, nghiên cứu kĩ lưỡng, do đó những giải pháp đưa ra từ những giải pháp vĩ mô đến những giải pháp cụ thể. Những giải pháp ấy nếu chúng ta cố gắng, có bước đi và lộ trình thích hợp thì đó là những giải pháp rất thiết thực để đưa nước ta tiếp tục phát triển đi lên”.
Phiên họp khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XII. (Ảnh: Ngọc Thành) |
Các đại biểu cho rằng, các tham luận đã thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các Bộ, ngành, địa phương 5 năm qua.
Đánh giá về nội dung tiếp tục đổi mới một cách đồng bộ, toàn diện, đại biểu Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực thành ủy Đà Nẵng cho rằng: “Một trong những mục tiêu rất quan trọng mà các văn kiện kỳ này nêu ra đó là tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ và mạnh mẽ sự nghiệp đổi mới, đưa sự nghiệp đổi mới tiếp tục phát triển có hiệu quả. Mục tiêu rất rõ. Cho nên trong thảo luận của các đại biểu phát biểu tại diễn đàn của Đại hội thì tôi cho rằng có sự đồng thuận rất cao về quan điểm đó. Trong các phát biểu của mình thì các đại biểu cũng nêu ra những giải pháp cụ thể để đổi mới về kinh tế – xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trên cơ sở đó có thể đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện và đạt được những yêu cầu đề ra của kỳ Đại hội này”.
Đại biểu Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đặc biệt quan tâm đến nội dung về cải cách thể chế kinh tế nhằm thu hút đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thời gian qua, với các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư thông thoáng kết hợp với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, Bình Dương đã vượt kế hoạch về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Năm qua, trong khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, Bình Dương vẫn thu hút được 3 tỉ USD Mỹ vốn đầu tư nước ngoài.
Do đó, qua theo dõi tham luận của các đại biểu tại Đại hội, đại biểu Trần Văn Nam cho rằng, 3 trụ cột để đổi mới về thể chế kinh tế mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đặt ra trong tham luận tại Đại hội rất sát với tình hình thực tế tại Bình Dương: "Với địa phương thì những vấn đề mà Bộ trưởng Vinh đặt ra thì tôi nghĩ rằng ở địa phương cũng đã thực hiện. Vấn đề còn lại là từ đó chúng ta rút ra để có chỉ đạo. Tất nhiên nó còn liên quan đến một loạt, từ hệ thống pháp luật đến quá trình điều hành và quyết tâm thực hiện"./.