"Cán bộ công đoàn phải thở hơi thở của người lao động"
VOV.VN - Ông Đặng Ngọc Tùng: Hướng về cơ sở thì các ủy viên BCH, đoàn Chủ tịch phải đi cơ sở, lắng nghe cơ sở…
Ngay sau bế mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức họp báo thông báo thành công của Đại hội và trả lời câu hỏi của các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước.
Làm tốt hơn vai trò đại diện cho người lao động
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tổ chức công đoàn lao động Việt Nam đã chuẩn bị gì để làm tốt hơn vai trò đại diện cho người lao động cũng như các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, ông Đặng Ngọc Tùng cho biết, ngay khi thảo luận các văn kiện Đại hội, tiếp thu ý kiến của đoàn viên và người lao động cả nước, đặc biệt qua Đại hội này, nhiều đại biểu đã thảo luận kỹ về nhiệm vụ của tổ chức công đoàn Việt Nam trong 5 năm tới. Từ đó đặt ra phương châm của Đại hội là vì quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước và đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn.
Khi thảo luận Nghị quyết, nhiều đại biểu đóng góp ý kiến trong việc chuẩn bị gì để vai trò bảo vệ quyền lợi ích của người lao động đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh chủ trương của đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X là hướng về cơ sở, tại Đại hội lần này, các đại biểu cũng thống nhất hướng về cơ sở, không chỉ trên lý thuyết mà bằng những hành động cụ thể của Tổng LĐLĐ Việt Nam, công đoàn địa phương, công đoàn ngành.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI |
Ông Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh, hướng về cơ sở thì các ủy viên Ban Chấp hành, đoàn Chủ tịch phải đi cơ sở, lắng nghe cơ sở để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của công đoàn cơ sở. “Cán bộ công đoàn phải làm sao thở được hơi thở của người lao động, như thế mới hiểu được cơ sở và hoạt động tốt hơn”.
“Chúng tôi sẽ truyền kinh nghiệm cho Chủ tịch công đoàn cơ sở”
Về những giải pháp để nâng cao hoạt động của công đoàn cơ sở, theo ông Đặng Ngọc Tùng, phải đào tạo được đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, đặc biệt là các Chủ tịch, ủy viên BCH công đoàn cơ sở… để họ là những người am hiểu thực chất về luật pháp.
“Bên cạnh việc có tâm, bên cạnh việc đặt quyền lợi của tập thể lên trên hết, Chủ tịch Công đoàn cơ sở phải am hiểu luật pháp và phải biết làm công tác vận động quần chúng. Cùng với đó họ phải biết vận động người sử dụng lao động. Chính chúng tôi sẽ truyền đạt kinh nghiệm thương thảo cho các Chủ tịch công đoàn cơ sở để ký cho được các thỏa ước lao động tập thể. Thỏa ước lao động tập thể rất quan trọng, nó bảo vệ quyền của người lao động ngay từ công đoàn cơ sở. Doanh nghiệp, đơn vị nào mà có Chủ tịch công đoàn cơ sở biết thương thảo, ký được Thỏa ước lao động tập, trong đó có các điều khoản có lợi hơn cho người lao động sau những quy định luật pháp thì điều đó rất có lợi cho người lao động. Trong Bộ Luật lao động sửa đổi có quy định tăng cường đối thoại, do đó Chủ tịch công đoàn cơ sở phải thường xuyên đối thoại cùng người sử dụng lao động. Khi thường xuyên đối thoại thì giải quyết được các vướng mắc, xây dựng được quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp. Từ đó hoạt động công đoàn mới đạt được hiệu quả, mới nâng cao được uy tín của tổ chức công đoàn, người sử dụng lao, động mới tin công đoàn. Khi đó, người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn nhiều hơn, chỉ tiêu phát triển đoàn viên tốt hơn người sử dụng lao động cũng sẽ tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động tốt hơn. Như vậy sẽ hạn chế tới mức tối đa các tranh chấp ở dưới cơ sở”- Ông Đặng Ngọc Tùng nói.
Tại buổi họp báo, các phóng viên cũng nêu lên thực trạng hiện nay là nhiều khi cán bộ công đoàn cơ sở bảo vệ người lao động, nhưng chính họ sẽ gặp khó khăn trong công việc, như mâu thuẫn với người sử dụng lao động, thậm chí bị mất việc. Ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng, bên cạnh ý thức của người cán bộ công đoàn, thì luật pháp có tác dụng thiết thực trong việc bảo vệ cán bộ công đoàn và việc làm của tổ chức công đoàn ở cơ sở. Khi Xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng Liên đoàn đã có nhiều cố gắng trong việc đề nghị Quốc hội đưa vào trong Luật có những điều khoản bảo vệ cán bộ công đoàn. Luật Công đoàn có nhiều quy định về việc này, chẳng hạn người cán bộ công đoàn hoạt động bán chuyên trách sẽ được dành thời gian để hoạt động bán chuyên trách, người cán bộ công đoàn tham gia Ban chấp hành công đoàn cơ sở cũng được Luật bảo vệ…
Ra mắt Ban Cháp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI |
Quan tâm đặc biệt đến công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo quyền lợi của công nhân lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, ông Đặng Ngọc Tùng cho biết, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 20 về xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân thời kỳ CNH, HĐH đất nước, trong đó trách nhiệm của tổ chức công đoàn rất nặng nề. Sau khi có Nghị quyết của Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng chương trình hành động và mới đây đã sơ kết 5 năm thực hiện chương trình hành động này.
“Qua sơ kết, chúng tôi thấy rằng đời sống của công nhân lao động đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, người sử dụng lao động chưa chấp hành tốt luật pháp, vẫn còn tình như nợ bảo hiểm xã hội, không đóng BHXH, bảo hiểm y tế, vi phạm về tiền lương, tiền thưởng, giờ lao động… làm cho quyền lợi của người lao động bị thiệt thòi. Những nơi nào tổ chức công đoàn mạnh thì việc bảo vệ lao động tốt, còn tổ chức công đoàn yếu thì bảo vệ chưa tốt. Hiện nay, trong các khu chế xuất, khu công nghiệp công nhân lao động lại gặp nhiều khó khăn về nơi ở, nhà trọ cho người lao động. Gần như đại đa số người lao động phải thuê nhà, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nên yêu cầu về nhà ở, nâng cao văn hóa, nhu cầu sinh hoạt còn thiếu thốn…
Tổ chức công đoàn đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước khi xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp là phải xây dựng được các khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các nhà văn hóa, nhà trẻ… Tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục đề nghị để nâng cao đời sống của người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp”- Ông Tùng cho biết./.