Câu chuyện cảm động về những ngày quyết tử bảo vệ Thủ đô
VOV.VN-Thực hiện lời kêu gọi của Bác, những chiến sĩ cảm tử ngày đó đã thực hiện 4 tại chỗ: ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, chiến đấu tại chỗ và chết chôn tại chỗ.
Nhằm thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2016), sáng 15/12, tại Hà Nội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu “Ký ức Hà Nội-Mùa đông năm 1946”.
Ông Vũ Tâm-Trung đội trưởng, Tiểu đoàn 101 thuộc Trung đoàn Thủ đô phát biểu tại buổi giao lưu. |
Tại đây, ông Vũ Tâm - Trung đội trưởng, Tiểu đoàn 101 giữ chợ Đồng Xuân thuộc Trung đoàn Thủ đô kể lại, cách đây 70 năm, thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nam, nữ thanh niên ngày đó đã hăng hái ra trận.
Lúc đó, không khí ở Liên khu I, II, III rất ác liệt. Các chiến sĩ cảm tử đều thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” nên chỗ nào cũng chiến đấu quên mình. “Chúng tôi đã sống 4 tại chỗ: ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, chiến đấu tại chỗ và chết chôn tại chỗ”, ông Vũ Tâm nghẹn ngào kể lại.
Ngày 14/2/1947 diễn ra trận đánh ác liệt nhất giữa các chiến sĩ Tiểu đoàn 101, Trung đoàn Thủ đô với quân Pháp. Theo ông Vũ tâm, trận chiến đấu ở chợ Đồng Xuân đi vào lịch sử Thủ đô là một trong những trận đánh lớn nhất của Hà Nội. Trận đánh có 4 cái nhất: trận đánh này địch đã sử dụng quân lớn nhất và tinh nhuệ nhất; địch sử dụng binh hỏa lực mạnh nhất, pháo binh, máy bay dội bom; trận đánh kéo dài nhất từ 5h sáng đến 22h giờ đêm; thương vong của ta và địch nhiều nhất với số thương vong của địch gần 200 người, 4 xe tăng bị ta tiêu diệt, phía ta 15 đồng chí đã hy sinh và 19 đồng chí bị thương.
Có một kỷ niệm mà ông Tâm không thể nào quên trong ngày hôm đó, là sự hy sinh của đồng chí Đỗ Văn Thìn, đồng đội thân thiết của ông. Trong đợt đánh thứ 2 địch vào được chợ, đồng chí Đỗ Văn Thìn thấy Tiểu đội phó Nguyễn Thành Trường đang nằm tư thế yếu với địch liền rời chỗ ẩn nấp chạy ra hỗ trợ đồng chí của mình. Sau đó đồng chí Thìn đã hy sinh. Đồng chí Thành Trường sau khi tiêu diệt được địch đã chôn đồng chí Thìn ngay tại hố của mình.
“43 năm sau, khi xây dựng chợ Đồng Xuân chúng tôi tìm thấy hài cốt của đồng chí Đỗ Văn Thìn nằm dưới hố cùng một quả lựu đạn còn lại”, nói đến đây ông Vũ Tâm bật khóc khi nhắc tới người đồng đội của mình.
Kể lại hình ảnh ngày Tết người phụ nữ mặc áo dài ra Hàng Buồm vẫn đeo thắt lưng lựu đạn để nếu có kẻ thù thì sẵn sàng chiến đấu, ông Tâm mong rằng thế hệ trẻ hãy luôn ý thức nỗ lực vươn lên, vui tinh thần mà không quên nhiệm vụ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Khánh Bình - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ song tuổi trẻ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô hôm nay luôn dành tình cảm thiêng liêng, sự trân trọng đối với những người con ưu tú của dân tộc đã cống hiến cả cuộc đời để tô thắm lá cờ vinh quang của Tổ quốc.
Chính vì lẽ đó, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn nhận thức, xác định vinh quang trong lịch sử thuộc về lớp lớp cha anh đi trước đã giữ trọn lời thề “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” và tinh thần trung kiên với nước. Sứ mệnh ở tương lai thuộc về thế hệ thanh niên hôm nay tiếp nối truyền thống thế hệ cha anh tiếp tục học tập và làm theo lời Bác để lập nên những thành tích xuất sắc trong học tập, lao động sáng tạo, lập thân lập nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.
Hình ảnh: Nơi Bác Hồ viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến“