Chiến thắng 30/4: “Đừng quên 300.000 liệt sĩ vẫn chưa được về nhà"
VOV.VN-Bài học thứ 3 là đại đoàn kết. Ngay cả bây giờ dù GDP đầu người hơn 2.000 USD thì bài học này vẫn hết sức là quan trọng cần phát huy trong điều kiện hiện nay.
"Ngày 30/4/2015, chúng ta hãy cùng cầu chúc cho linh hồn các liệt sĩ trở về để thấy được sự phát triển của đất nước, thấy sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã được đền đáp. Chúng ta cũng đừng quên còn hơn 300.000 liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt". Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ với báo chí nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) để làm rõ thêm ý nghĩa của sự kiện lịch sử trọng đại này cũng như nhiệm vụ của Mặt trận trong việc huy động được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
3 bài học đáng nhớ từ chiến thắng lịch sử 30/4
PV: Thưa Chủ tịch, cả nước đang trong những ngày kỷ niệm một dấu mốc lịch sử hào hùng, 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch đánh giá thế nào về ý nghĩa của chiến thắng 30/4 trong bối cảnh hiện nay?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Khi đất nước có chiến tranh, thanh niên ra trận là bình thường, phụ nữ ở nhà làm mọi việc. Thời ấy, khi bom dội xuống nhà, xuống đường, mọi người tìm nơi trú ẩn và sau đó lại tiếp tục làm việc, tiếp tục chiến đấu.
Nhưng qua 40 năm, chúng ta đều thấy rằng, tồn tại trong chiến tranh không phải là quy luật của loài người. Quy luật chung là tồn tại trong hòa bình.
Việc chúng ta thắng lợi trong cuộc chiến tranh đó đem lại một ý nghĩa hết sức quan trọng, là bài học lịch sử. Đây chính là chiến thắng của những người (95% không biết chữ) và cũng đến hơn 95% chân đi đất đánh lại một đế quốc hiện đại vào bậc nhất thế giới lúc bấy giờ. Nhưng tại sao lại chiến thắng?
Thứ hai, tại sao đi đất lại có thể thắng được giặc đi giày? Tại sao gậy tầm vông lại chiến thắng được đại bác, máy bay?. Đó chính là nhờ có tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc. Năm 1960, Bác Hồ đã dạy "Nhờ đại đoàn kết dân tộc mà trong bao thế kỷ nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân làm nên cách mạng tháng Tám thành công và kháng chiến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết mà Việt Nam chúng ta nhất định sẽ thống nhất".
Thứ 3, nếu chúng ta chỉ bằng sức lực của riêng mình thì không thể đánh thắng giặc xâm lược. Ngoài sức mạnh trí tuệ loài người là chủ nghĩa Mác – Lê nin thì chúng ta sử dụng được sức mạnh thời đại. Đó là sự giúp sức của những nước phát triển ở Đông Âu. Nếu không có những nước như Liên Xô giúp đỡ làm sao chúng ta có ô tô, xe tăng, máy bay để đánh Mỹ.
Bài học là nếu một dân tộc có đường lối đúng, đi theo con đường chính nghĩa và biết tận dụng sức mạnh thời đại thì có thể chiến thắng được kẻ thù rất lớn. Hay nói cách khác, để có thể vượt qua được thách thức phải biết tận dụng sức mạnh thời đại. Nhưng yếu tố bên trong vẫn phải là cốt lõi mới phát huy được yếu tố bên ngoài.
Câu hỏi sức mạnh thời đại ngày nay là gì? Trong giai đoạn chiến tranh, sức mạnh thời đại là sự đồng thuận mục tiêu là giành lại hòa bình, độc lập đất nước. Còn bây giờ sức mạnh thời đại là khả năng đồng thuận với các quốc gia. Mỗi quốc gia đều phải lo lợi ích của chính mình, lo độc lâp, chủ quyền, lo hạnh phúc của người dân nhưng không được xâm phạm lợi ích, quyền của người khác. Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể kết hợp được với nhau về mặt chính trị, tư tưởng.
Thứ hai, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta phải biết tận dụng thời cơ của toàn cầu hóa về thị trường, công nghệ, vốn, nhân lực cũng như gắn kết khu vực. Đây là thời cơ rất đặc biệt mở ra cơ hội cho một nước dù xuất phát có thể thấp hơn nhiều nước khác vẫn có thể vươn lên nhanh được.
Bài học thứ 3 là đại đoàn kết. Ngay cả bây giờ dù GDP đầu người hơn 2.000 USD thì bài học này vẫn hết sức là quan trọng cần phát huy trong điều kiện hiện nay.
PV: Chủ tịch đánh giá thế nào về những đóng góp của Mặt trận giải phóng miền Nam trong chiến thắng 30/4/1975, đặc biệt là giai đoạn 1954-1975?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Trong cao trào đồng khởi của đồng bào miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (20/12/1960).
Từ 20/12/1960, chỉ sau một năm phong trào đấu tranh chính trị phát triển, nhân dân có sáng kiến đấu tranh chính trị kết hợp với binh vận, từ đó đấu tranh vũ trang cục bộ và tạo ra phong trào đồng khởi. Chính quần chúng đã chứng minh rằng từ lực lượng chính trị đấu tranh, binh vận có thể hình thành lực lượng vũ trang nhỏ để đánh địch, chiếm lại từng phần đất, dần dần hình thành một lực lượng kết hợp chính trị, binh vận, vũ trang. Đến cuối năm 1964, chúng ta đã cơ bản phá tan được chiến lược ấp chiến lược của Mỹ, ngụy.
Khi có Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, cuộc đấu tranh tạo ra một tình thế mới là vùng giải phóng. Điều này hết sức đặc biệt, đến năm 1965 bắt đầu có vùng giải phóng. Như vậy, sau 5 năm có Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, với sự kết hợp đấu tranh ở miền Nam và chi viện của miền Bắc thì từ chỗ đấu tranh trong lòng địch, chúng ta có vùng riêng của mình. Đây là một giai đoạn chuyển cách mạng nhưng đồng thời cũng có vùng giải phóng. Mặt trận làm nhiệm vụ quản lý chính quyền ở vùng giải phóng.
Có thể nói, vai trò của Mặt trận từ trực tiếp hỗ trợ chiến tranh chính trị, vũ trang sang quản lý vùng giải phóng, đồng thời tiếp nhận chi viện của miền Bắc để hình thành một hệ thống quản lý Nhà nước tiến hành các hoạt động.
Sự ra đời của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam là kết quả của một đường lối cách mạng đúng đắn. Mặt trận đã phát huy sáng kiến của nhân dân và phát triển từng bước qua Mặt trận đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đừng quên 300.000 liệt sĩ vẫn chưa được về nhà
PV: Phát huy tinh thần chiến thắng 30/4 trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội hướng về thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng gì, thưa Chủ tịch?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Năm 2014, MTTQ Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 8, trong đó xác định 5 chương trình hoạt động. Bên cạnh họat động rất căn bản truyền thống vẫn phải làm tốt hơn đó là vận động để nhân dân hiểu đúng đường lối chính sách của Đảng, có đồng thuận từ đó phát huy sáng kiến để thực hiện thì trong công tác truyền thông của Mặt trận nhấn mạnh việc phản ánh tiếng nói của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp. Phương châm là nói cho nhân dân nghe về đường lối của Đảng, tình hình của đất nước nhưng nghe nhân dân nói và chuyển những tiếng nói nhân dân tới chính quyền các cấp, trong đó có việc quan trọng là lắng nghe tiếng nói của người Việt Nam ở nước ngoài.
Nhiệm vụ thứ hai là trước thách thức của quốc tế và trong nước muốn tăng tốc sự phát triên bền vững có hiệu quả cao hơn thì phát huy sáng kiến của nhân dân, tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua để người dân phát huy sáng kiến góp phần xây dựng đất nước, làm cuộc sống người dân tốt hơn.
Nhiệm vụ thứ ba là phát huy dân chủ, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị làm nòng cốt làm vai trò giám sát và phản biện xã hội với sự phát triển của đất nước theo yêu cầu của Hiến pháp 2013. Đây là một trách nhiệm thiêng liêng và người nào làm công tác Mặt trận, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, Liên đoàn lao động có một vinh dự, sứ mạng là thực hiện trách nhiệm giám sát phản biện mà Hiến pháp yêu cầu.
Nhiệm vụ nữa là Mặt trận làm thế nào mà xây dựng tổ chức vững mạnh thực sự từ cơ sở để đáp ứng mong mỏi của nhân dân cũng như của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng cần tăng cường tuyên truyền về thành tựu 40 năm qua của đất nước ta.
Tôi vừa dự kỷ niệm 40 năm chiến thắng tại Trà Vinh, thấy rất rõ chưa cần so với năm 1975 mà chỉ so với năm 1997, khi tái lập tỉnh Trà Vinh thì năm 2014, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã tăng gấp 5 lần, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng. Trước đây, ở miền Tây Nam bộ, muốn gặp ai thì phải qua phà, còn bây giờ khắp nơi đã hiện diện những cây cầu vĩ đại, giấc mơ hàng trăm năm của đồng bào giờ đã thành hiện thực.
Trước đây, ai có nghĩ rằng Cà Mau, Bạc Liêu sẽ có điện gió, nhưng giờ 20 quạt gió đã đi vào hoạt động và còn tiếp tục làm nữa. Như vậy, một đất nước ra khỏi chiến tranh thu nhập chỉ 78 USD, sau 40 năm tất cả đã thay đổi. Nhiệm vụ mặt trận đặt ra là phải huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để vươn lên, làm cho đất nước phát triển nhanh hơn bền vững hơn.
PV : Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước, điều mà Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam muốn nhắn nhủ đến người dân Việt Nam cả ở trong và ngoài nước là gì?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Ngày 30/4/2015, chúng ta hãy cùng cầu chúc cho linh hồn các liệt sĩ trở về để thấy được sự phát triển của đất nước, thấy sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã được đền đáp.
Chúng ta cầu chúc cho các mẹ Việt Nam anh hùng đã đi xa, khi con cháu thắp hương thì các mẹ đều biết tên tuổi của các Mẹ đã được khắc ghi ở khắp nơi trên đất nước này. Với các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, chúng ta hãy cố gắng chăm sóc các mẹ, để các mẹ đều được vui.
Chúng ta cũng đừng quên còn hơn 300.000 liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt. Chúng ta hãy thắp một nén hương ở nghĩa trang liệt sĩ, ở đài tưởng niệm, kể cả ở bàn thờ gia tiên chúng ta để mong các liệt sĩ thông cảm cho chúng ta khi 40 năm đã qua, Chính phủ, quân đội ta và các bạn Lào, Campuchia dù đã nỗ lực đưa được hàng vạn người con liệt sĩ trở về nhưng vẫn còn hơn 300.000 liệt sĩ chưa được về nhà.
Chúng ta cũng muốn bạn bè quốc tế đã góp phần tạo nên chiến thắng 30/4 biết rằng, Việt Nam luôn ghi nhớ tấm lòng của họ đã hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.