Chính quyền đô thị tại TP.HCM: Giảm cấp, bậc chính quyền để tinh gọn bộ máy
VOV.VN - Để TP HCM thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, đề án chính quyền đô thị TP HCM được xây dựng.
TP HCM là một đô thị đặc biệt, đầu tàu về kinh tế, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Để thành phố thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, đề án chính quyền đô thị TPHCM được xây dựng. Trong đó có hai nội dung quan trọng là không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quận, phường và tổ chức một đô thị trực thuộc TPHCM theo mô hình thành phố thuộc thành phố.
Tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách
Việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường đã được thí điểm tại TPHCM giai đoạn 2009 – 2016. Cụ thể, TPHCM là một trong 10 địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 26 của Quốc hội khoá XII (thông qua vào tháng 11/2008 và có hiệu lực vào tháng 4/2009). Những nhiệm vụ trước đây của HĐND cấp quận, phường được chuyển giao cho HĐND thành phố hoặc UBND cấp thành phố, cấp quận thực hiện. Chức năng giám sát của người dân sau khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường sẽ được tăng cường thông qua hoạt động của các cơ quan tổ chức Đảng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể. Đặc biệt, người dân là đối tượng được hưởng lợi lớn từ việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường.
Bà Phan Thị Thu Thuỷ, ngụ Quận 10 đánh giá, nếu được triển khai chính thức mô hình tổ chức chính quyền đô thị thì sẽ đem lại thay đổi tích cực, có thể tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong hoạt động của chính quyền. Do đó, việc triển khai chính quyền đô thị không nên chần chừ: “TP HCM phát triển từng ngày, cho nên rất cần phải thực hiện ngay chính quyền đô thị để thành phố có thể chủ động được một số nội dung công việc, từ đó điều chỉnh và quản lý thành phố tốt hơn”
Mới đây, trong buổi làm việc với các bộ, ngành Trung ương góp ý về đề án mô chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường đem lại nhiều lợi ích lớn trong hoạt động của chính quyền TP: “Thực tiễn cho thấy khi thực hiện không tổ chức HĐND cấp quận, phường, việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo. Trong đó, điểm nhấn là đã tinh gọn được bộ máy, tiết kiệm được ngân sách, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực hiệu quả. Đặc biệt, không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng”
Không chỉ công việc được trôi chảy, giảm thời gian chờ đợi, phiền hà cho người dân, việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường còn giúp tiết kiệm được ngân sách khoảng 1.192 tỷ đồng mỗi nhiệm kỳ. Ngoài ra, bộ máy được tinh gọn với việc giảm 665 đại biểu HĐND cấp quận, giảm 6.159 đại biểu HĐND cấp phường. Đến năm 2016 khi hết thời gian thí điểm, TPHCM tổ chức lại HĐND cấp quận, phường thì biên chế lại tăng lên 8.300 người, kinh phí tăng 47 tỷ đồng.
Phân cấp, phân quyền rõ ràng cho địa phương
Theo Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, việc nghiên cứu để hình thành mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới đơn vị hành chính của TPHCM là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thành phố. Việc tổ chức chính quyền đô thị có các quy định đặc thù về phân cấp quản lý, chính sách tài chính để làm cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả cao hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn.
Đối với băn khoăn rằng, không có HĐND cấp quận, phường thì vấn đề giám sát, đại diện cho người dân thế nào, Tiến sỹ Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, đại biểu HĐND cấp thành phố là đại diện trực tiếp tại địa phương, và họ thực hiện cả vai trò giám sát. Để thực thi những việc liên quan đến đại diện cho người dân thì cũng đã dự liệu, phần lớn giao trách nhiệm HĐND cho cấp thành phố thực thi.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết: “Về giám sát còn có vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của hệ thống chính trị, vấn đề tổ chức làm sao các nơi này thực hiện tốt vai trò giám sát. Chúng ta nên tổ chức các khu phố tự quản, phát huy dân chủ trực tiếp ở khu phố để thực hiện vai trò giám sát"
Tại buổi làm việc với TPHCM về đề án mô hình chính quyền đô thị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, thành phố cần đưa ra hướng dẫn thực hiện chi tiết, phù hợp với các quy định của pháp luật. Nhất là quyền hạn, nhiệm vụ của UBND quận, phường khi không có HĐND, việc phân cấp, phân quyền phải rõ ràng như cơ chế chính sách việc làm, chế độ công vụ, mô hình tổ chức bộ máy…tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền địa phương.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: “Tất cả những chính sách đáp ứng được yêu cầu của mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường mà thúc đẩy được kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo được hiệu lực, hiệu quả của của các cấp chính quyền, thì TPHCM cố gắng đưa vào”
Nội dung quan trọng thứ nhất của đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM là không tổ chức HĐND cấp quận, phường đã có cơ sở pháp lý chắc chắn khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 có hiệu lực.
Về cơ sở thực tiễn, TPHCM cũng đã có kinh nghiệm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường từ 2009 – 2016 và đạt kết quả tốt. Đây là cơ sở và tiền đề vững chắc để thực hiện tổ chức một đô thị trực thuộc TPHCM theo mô hình thành phố trong thành phố. Nội dung này sẽ có trong bài 2 của loạt bài về chính quyền đô thị tại TPHCM ./.