"Chống Covid-19 không có chỗ cho tâm lý ỷ lại, sợ việc”
VOV.VN - "Phòng, chống dịch bệnh cũng là dịp để nhận diện tính tính nêu gương của cán bộ, nhất là người đứng đầu. Chính bà con khối phố là người nhận diện rất rõ cán bộ nào vì dân, cán bộ nào quyết liệt, người nào thiếu trách nhiệm".
Khi lãnh đạo sáng tạo, dám làm
Câu chuyện Bí thư Quận 7, TP.HCM với mô hình được coi là “xé rào” trong chống dịch, góp phần giúp quận 7 trở thành một trong 2 địa phương đầu tiên của TP.HCM tuyên bố kiểm soát được dịch và được chọn để thí điểm “bình thường mới” sau ngày 15/9 đang trở thành điểm sáng trong cuộc chiến chống đại dịch.
Một trong những cách làm hay của Quận 7 đó là khi dịch bùng phát, địa phương này đã thiết lập phòng cấp cứu ngay trong các khu cách ly tập trung F0, phát huy hiệu quả rõ rệt trong cấp cứu tại chỗ những trường hợp F0 diễn biến nặng rất nhanh. Từ đó, quận đã mạnh dạn chuyển đổi 1 khu cách ly tập trung thành Bệnh viện dã chiến số 1 để điều trị cho các F0 có triệu chứng nhẹ và vừa, một phần chuyển nặng không phải chuyển đi xa. Đây là bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện đầu tiên trên địa bàn TPHCM.
Để có đủ oxy cho bệnh nhân, lãnh đạo Quận 7 tìm mọi cách như thuê, mua, xin bình oxy loại 40 lít, liên hệ với doanh nghiệp đặt bồn oxy lỏng vốn dùng cho công nghiệp để thiết lập hệ thống oxy tập trung cho bệnh viện dã chiến số 1; đưa vào hoạt động mô hình Tổ Y tế cộng đồng và Trạm Y tế lưu động để thăm khám kịp thời cho các trường hợp F0 và người dân tại các khu vực phong tỏa; lập Trung tâm an sinh xã hội, bình quân 100 hộ dân hình thành một tổ an sinh địa bàn giúp phát hiện các hộ dân khó khăn để hỗ trợ...
Đầu tháng 8/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi đến thăm mô hình của quận 7 đã biểu dương những kết quả mà quận đã đạt được và đề nghị lãnh đạo Sở Y tế, Quận 7 tiếp tục triển khai và nhân rộng những mô hình, cách làm hay này để kịp thời chăm sóc tốt sức khỏe người dân.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức sáng 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã biểu dương một số điển hình tốt, trong đó có Chủ tịch UBND Phường 10, Quận 3, TP.HCM nắm rất chắc tình hình thực tế và các chủ trương, giải pháp, tổ chức thực hiện có hiệu quả, phường có hàng ngàn ca mắc nhưng đã kiểm soát được.
Trên đây là 2 trong nhiều cá nhân người đứng đầu các địa phương rất quyết liệt, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Thực tế cho thấy, trong nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh đặt ra yêu cầu rất cao đối với cán bộ cơ sở. Bởi họ chính là người chỉ huy, người giữ vai trò nòng cốt trong mỗi “pháo đài” chống dịch; là người tập hợp, phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân để “mỗi người dân là một chiến sĩ” trong mặt trận chống dịch.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV (đoàn Hải Phòng) cho rằng, mô hình của Quận 7 đã giải tỏa rất nhiều về tâm lý, tinh thần và niềm tin trong cuộc chiến chống dịch ở TP.HCM vốn đã căng thẳng trong rất nhiều ngày qua. Mô hình này là minh chứng cho thấy khi xác định “chống dịch như chống giặc”, lãnh đạo quận đã lôi cuốn, tập hợp được sức mạnh quần chúng nhân dân cơ sở, cùng với những quyết sách đúng và trúng đã giảm tải cho thành phố, cho cấp trên.
Theo vị đại biểu Quốc hội, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang trên mặt trận chống “kẻ thù” vô hình hết sức khó khăn, khó lường. Trong bối cảnh đó, người chỉ huy có vai trò rất quan trọng, bên cạnh việc định hướng, chỉ đạo thì làm sao khuyến khích những sáng kiến mới, những cách làm hay từ đó tổng kết nhanh và nhân rộng.
“Mô hình của Quận 7 cần được tiếp nhận, lan truyền và tổng kết nhanh, đánh giá, rút kinh nghiệm để phổ biến đến các địa phương khác”- đại biểu Quốc hội đoàn Hải Phòng nêu quan điểm.
Dịch bệnh đã và đang tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, kéo theo rất nhiều nguy cơ, đây vừa là thách thức, khó khăn, nhưng cũng vừa là cơ hội để nhận diện, đánh giá năng lực cán bộ. Nhiều cán bộ có năng lực trên nhiều mặt trận, nhưng ở mặt trận chống dịch Covid-19 rất mới này có thể sở trường không thích hợp, không thích ứng kịp với cuộc chiến mới. Vì vậy, cuộc chiến phòng, chống dịch cũng chính là cơ hội để nhìn lại công tác cán bộ để đánh giá cán bộ về năng lực, sở trường.
“Năng lực thì nhiều đồng chí có, nhưng bố trí không đúng vị trí, không đúng sở trường thì cán bộ không phát huy được. Cho nên việc kịp thời nhận diện để điều chỉnh, điều chuyển, luân chuyển, thậm chí kỷ luật, làm sao trên cuộc chiến luôn có người chỉ huy và người chỉ huy phải vững vàng, tập hợp được lực lượng, phải là người tiến công quyết liệt và phải là người luôn lấy mục tiêu là thước đo” – ông Nguyễn Chu Hồi nói.
"Người dân nhận diện rất rõ cán bộ nào vì dân, cán bộ nào quyết liệt"
Công tác phòng chống dịch những ngày qua đạt nhiều kết quả đáng mừng, trong đó tỷ lệ mắc mới Covid-19 tại cộng đồng đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương có số mắc cao; số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc đã giảm. Những chuyển biến đạt được trong tuần qua tiếp tục khẳng định việc chuyển hướng trong phòng chống dịch trong thời gian qua là đúng đắn, hiệu quả, đặc biệt là phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp ngày 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những ngày qua, khi ông kiểm tra đột xuất các xã, phường, thị trấn đều có người trực. Những xã, phường, thị trấn có lãnh đạo nắm chắc các biện pháp chống dịch, trả lời lưu loát các câu hỏi thì kết quả chống dịch rất tốt. Trong bối cảnh dịch bệnh, càng thấy rất rõ năng lực của cán bộ và của hệ thống chính trị, hệ thống y tế mỗi nơi.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện ở cơ sở. Nâng cao vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch; đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Chu Hồi cho rằng, trong cuộc chiến chống đại dịch không có chỗ cho tâm lý ỷ lại, trông chờ, sợ việc. Bởi diễn biến dịch bệnh rất nhanh, khó lường và phức tạp, hôm nay là “vùng xanh”, ngày mai có thể chuyển ngay sang “vùng đỏ” nếu người chỉ huy lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm.
Để cuộc sống sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”, đòi hỏi cán bộ cơ sở cần chủ động, tùy tình hình thực tiễn của địa phương để đề ra giải pháp, phương án, kế hoạch “tác chiến” một cách khoa học, phù hợp với tình hình dịch tễ ở địa phương, không trông chờ Trung ương, thậm chí phải sẵn sàng tâm lý san sẻ bớt những gánh nặng với Trung ương trong phạm vi, thẩm quyền được giao như quận 7, TP.HCM đã mạnh dạn triển khai.
“Phòng, chống dịch bệnh cũng là dịp để nhận diện tính tính nêu gương của cán bộ, nhất là người đứng đầu. Chính người dân, bà con khối phố là người nhận diện rất rõ cán bộ nào vì dân, cán bộ nào quyết liệt trong công tác phòng, chống đại dịch. Kể cả khi cấp trên muốn cất nhắc, đánh giá cán bộ của mình thì hỏi người dân sẽ rõ. Trong cuộc chiến này, những người thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm trước khó khăn, vất vả của bà con thì cần phải điều chuyển, thay thế ngay. Còn những cán bộ có năng lực nhưng chưa được bố trí đúng việc thì cần được luân chuyển sao cho đúng sở trường để họ phát huy mặt mạnh, thiết kế công việc hàng ngày hiệu quả hơn” – ông Nguyễn Chu Hồi nêu ý kiến.
Nhắc lại nhiều cán bộ cơ sở bị kỷ luật do lơ là trong phòng, chống dịch bệnh vừa qua, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, đây là bài học chung đối với tất cả cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, ngành, địa phương. Việc xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm là để xốc lại bộ máy, để hệ thống chính trị mạnh lên, để mỗi cán bộ nâng cao hơn vai trò, trách nhiệm của mình trước nhân dân, địa phương, đơn vị./.