Chủ tịch nước dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Kiểm sát
VOV.VN - Chủ tịch nước yêu cầu ngành Kiểm sát đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Chiều nay (31/12), tại Hà Nội, Viện KSND Tối cao tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự Hội nghị có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân; nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương đảng và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương.
Trong năm, toàn ngành kiểm sát đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết hơn 137.000 nguồn tin về tội phạm, tăng hơn 3%; đã ban hành hơn 100.000 văn bản yêu cầu CQĐT kiểm tra, xác minh nguồn tin về phạm tội. Qua kiểm sát đã phát hiện, yêu cầu CQĐT khởi tố 594 vụ án, đã ra quyết định hủy 147 quyết định không khởi tố vụ án. Viện kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm soát việc bắt, tạm giữ hơn 75.000 người.
Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát chủ động hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm; bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có đủ căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế việc lạm dụng bắt, giam; chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm tố tụng và các trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố oan, sai giảm dần và vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội.
Viện KSND Tối cao tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND Tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, điển hình như: vụ án tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, vụ án Nguyễn Duy Linh nhận hối lộ… Đồng thời, ngành Kiểm sát cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, theo đó, đã thu hồi hơn 15.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngành Kiểm sát tiếp tục tập trung biện pháp nâng số lượng, chất lượng kháng nghị án dân sự, hành chính; tăng cường kiểm sát việc áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện công tác đặc xá đúng quy định pháp luật, bảo đảm phù hợp với tình hình dịch bệnh…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả, thành tích mà ngành Kiểm sát đã đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch nước cũng chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành như: Chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại một số đơn vị chưa tốt, vẫn còn trường hợp phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ thiếu chính xác, còn để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Tiến độ giải quyết một số vụ án chưa đạt yêu cầu, còn phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa còn hạn chế. Theo Chủ tịch nước đây là những vấn đề rất quan trọng, nếu không có biện pháp kiên quyết, chẩn chỉnh, khắc phục, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác và uy tín của ngành, lảm giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực tư pháp vả cải cách tư pháp. Đồng thời tập trung đổi mới các mặt công tác; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi nhiệm vụ; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh, đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Cùng với đó, ngành cần tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ kiểm sát phải “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".
“Tôi xin nêu lại lời Bác Hồ dạy, vì cán bộ kiểm sát phải có phẩm chất công minh, chính trực thì mới có thể bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lẽ phải; có khách quan, thận trọng mới không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm; có khiêm tốn mới có sức thuyết phục và được mọi người và nhân dân ủng hộ giúp đỡ. Tôi đề nghị ngành Kiểm sát chúng ta cần coi đây là những phẩm chất nghề nghiệp, phương pháp làm việc của từng cán bộ, kiểm sát viên. Từ đó, phấn đấu làm tốt công tác xây dựng Đảng trong ngành Kiểm sát, gắn xây dựng Đảng với xây dựng ngành và các đơn vị kiểm sát các cấp”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước yêu cầu ngành Kiểm sát cần đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Thực hiện tốt chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội đúng pháp luật, không để oan, sai, không để bỏ lọt tội phạm. Đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm về tham nhũng, kinh tế.
“Ngành Kiểm sát cần khắc phục tình trạng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn tồn đọng quá thời hạn, giải quyết; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh các vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, ngăn chặn sự lạm quyền, bảo đảm tinh thần “Thượng tôn pháp luật”. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cần xem xét, đánh giá, cân nhắc thận trọng, áp dụng pháp luật linh hoạt và luôn đặt lợi ích của Nhà nước, nhân dân lên trên hết; không hình sự hóa những quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại; góp phần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, đổi mới tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.
Chủ tịch nước cũng đề nghị ngành tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Viện KSND theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ kiểm sát viên, kiểm tra viên, công chức, viên chức ngành KSND “ Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Quan tâm công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tựởng, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, cải tiến lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm xảy ra. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế; kịp thời tham mưu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Quân công hạng Nhì cho Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng./.