Chủ tịch nước: “Không thể có một TPP khi ký xong chúng ta thành “Rồng”
VOV.VN -Chủ tịch nước nhấn mạnh, tham gia TPP, chúng ta phải thay đổi cách làm, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng nền kinh tế năng suất
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 12/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri quận 1.
Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội, ông Trần Du Lịch đã thông báo với cử tri một số nội dung chính của kỳ họp thứ 10 khai mạc vào ngày 20/10 tới.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 17 Dự án Luật, 2 Nghị quyết và cho ý kiến vào 9 Dự án Luật, trong đó có một số đạo luật rất quan trọng như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Phí, lệ phí...
Chủ tịch nước tại buổi tiếp xúc cử tri. |
Các đại biểu cũng sẽ thảo luận, quyết định các nội dung kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Trung ương Đảng lần thứ XII…
Hoan nghênh kỳ họp lần này thông qua những dự luật quan trọng nhất là đánh giá tình hình kinh tế xã hội nhằm tìm giải pháp phát triển cho năm 2016 và giai đoạn 5 năm tới, các cử tri cũng phản ánh nhiều vấn đề gây bức xúc xã hội trong thời gian gần đây.
Cử tri Trần Đăng Trâm (phường Đa Kao) cho rằng việc xây dựng dự thảo luật cần được lấy ý kiến rộng rãi và thực chất hơn tránh để không xảy ra tình trạng dân phản ứng như Luật bảo hiểm, Luật bảo hiểm y tế…vừa qua.
Cử tri Lê Đình Cây (phường 1), phản ánh tình trạng tai nạn giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, trong khi đó mạng lưới thu phí dày đặc trên các tuyến giao thông. Công tác đổi mới thi cử nhiều bất cập gây bức xúc cho người dân.
Cử tri Trần Bá Học đánh giá cao thời gian gần đây việc khắc phục oan sai được các cơ quan tư pháp đặc biệt chú trọng, tuy nhiên việc bồi thường oan sai hiện nay là kinh phí ngân sách mà chưa thấy cán bộ gây oan sai nào phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Bày tỏ vui mừng với những kết luận tại Hội nghị Trung ương 11 về vấn đề nhân sự và tiêu chuẩn cán bộ, cử tri Huỳnh Văn Thiều (phường Cầu Kho), cử tri Nguyễn Trung Dũng (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) và cử tri Nguyễn Xuân Hiển (quận 4) cho rằng công tác cán bộ là đặc biệt quan trọng phải lựa chọn đúng và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, tham nhũng.
Các cử tri cũng nêu lên những bất cập phát triển nông nghiệp, quản lý bảo vệ rừng, chế độ chính sách đối với cán bộ hưu trí, bảo vệ chủ quyền biển đảo; đổi mới để bắt kịp quá trình hội nhập các tổ chức quốc tế và các diễn đàn, định chế kinh tế quốc tế...
Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao phát biểu tâm huyết của cử tri trên tinh thần nói đúng sự thật.
Trao đổi với cử tri về vấn đề xây dựng pháp luật, Chủ tịch nước cho rằng các kỳ họp vừa qua xem xét thông qua rất nhiều dự luật đó là việc tất yếu phải triển khai theo tinh thần Hiến pháp 2013, vấn đề quan trọng nhất đúng là phải xây dựng dự thảo chặt chẽ, có sự đóng góp đầy đủ ý kiến của nhân dân để các dự luật thực sự sát thực tế có tính khả thi cao khi ban hành.
Về chống tham nhũng, Chủ tịch nước nhấn mạnh thời gian các cơ quan chức năng đã làm rất quyết liệt, đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa đạt mục tiêu đặt ra.
Về công tác cán bộ, trong đó có nhân sự Trung ương XII, Chủ tịch nước cho rằng cử tri chính là người có quyền lựa chọn, cần chủ động đóng góp ý kiến để có thể lựa chọn đúng người.
Chủ tịch nước nói: "Hiến pháp 2013 và Điều lệ Đảng khóa XI đã chỉ rõ: Đảng không những là đại biểu của giai cấp mà của cả dân tộc, cho nên mọi cử tri có đầy đủ quyền hạn đóng góp ý kiến vào vấn đề nhân sự. Việc theo dõi toàn quốc thì khó, nhưng theo phạm vi hiểu biết của mình mà thấy cần có ý kiến ai, cụ thể là gì, người nào vi phạm tiêu chuẩn quy định đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XI thì có quyền gửi thư về tiểu ban nhân sự trung ương và Bộ Chính trị sẽ được xem xét cụ thể”.
Đề cập vấn đề phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch nước khẳng định qua 30 năm đổi mới, chúng ta đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, vai trò và vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó cũng còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục, trong đó có mặt trái của kinh tế thị trường như các cử tri đề cập. Đảng, Nhà nước đã và đang có nhiều giải pháp để khắc phục.
Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định kinh tế quốc tế, mới nhất là hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội nhiều những thách thức cũng rất lớn. Điều đó đòi hỏi sự chủ động của cả Chính Phủ, và nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp, của mỗi cá nhân để có khả năng cạnh tranh phát triển, đồng thời xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Không thể có một TPP khi ký xong chúng ta thành “Rồng” mà chính mình phải xây dựng nền kinh tế có năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh cao.
Câu hỏi đặt ra tại sao các nước có thể bán đùi gà bán 1-2USD, cà chua năng suất từ 800-1000 tấn/vụ… Vậy tại sao người ta làm được, mình không làm được hoặc làm chưa được. Mình phải tính và phải giải quyết, thay đổi tư duy ngay trong cách làm, ứng dụng khoa học kỹ thuật và trước hết là phải ngăn chặn ngay tình trạng lãng phí. Bởi tất cả các nước thành công đều phải chắt chiu, tiết kiệm. Quy luật đó, chúng ta phải tham khảo, học tập để có thể phát triển.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, hội nhập quốc tế là cơ hội để chúng ta phát triển, chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhưng phải ra sức cần kiệm, xây dựng bằng được tư tưởng độc lập tự chủ, xây dựng cho được năng suất, chất lượng hiệu quả có sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế để chúng ta giành thắng lợi khi hội nhập. Đây là kỳ công của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, phải nỗ lực tối đa, nhờ bạn bè nhưng sức mình vẫn là quyết định.
Ghi nhận những kiến nghị và giải pháp của cử tri, Chủ tịch nước mong rằng mỗi cử tri nên tích cực giám sát, đóng góp ý kiến phê phán những việc chưa làm được, kịp thời phản ánh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí tới các cơ quan chức năng.
Chủ tịch nước khẳng định sẽ cùng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chuyển tải tới Quốc hội và chính quyền TP.HCM giải quyết trong thời gian tới./.