Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC
VOV.VN - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là lãnh đạo cấp cao duy nhất được mời tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.
Sáng 17/11, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2015 đã diễn ra tại khách sạn Makati Shangrila ở Manila, Philippines. Tham dự Hội nghị có đại diện của khoảng 1.200 doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương và được tổ chức thường niên trong Tuần lễ Cấp cao APEC, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và nêu các khuyến nghị lên các Lãnh đạo cấp cao APEC.
Chủ tịch nước tham dự và có bài phát biểu tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á - TBD |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là lãnh đạo cấp cao duy nhất được mời tham dự và phát biểu với tư cách khách mời đặc biệt tại phiên họp của Hội nghị về chủ đề "Chiến lược vì tăng trưởng, công bằng và tự cường". Đây là hoạt động chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước trong chuỗi các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2015.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, châu Á - Thái Bình Dương đang trong thời điểm mang tính bước ngoặt, chưa bao giờ mẫu số chung về một Cộng đồng hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng lại lớn như hiện nay. Nhiều thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đang hình thành, tạo thêm những động lực tăng trưởng mới để khu vực tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu về tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang đi tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua việc thực hiện "Chiến lược tăng trưởng cân bằng, bao trùm, bền vững, sáng tạo và an toàn" từ năm 2010, và đang cùng nỗ lực thúc đẩy "Chiến lược tăng cường tăng trưởng chất lượng".
Chủ tịch nước đánh giá, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, bao trùm, châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang phải đối phó với nhiều thách thức như môi trường hòa bình, an ninh để phát triển còn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn, sự suy giảm tăng trưởng của một số đầu tàu kinh tế khu vực, một số vấn đề phát triển nổi cộm vẫn tồn tại như tình trạng đói nghèo, khoảng cách phát triển gia tăng, biến đổi khí hậu và thiên tai, già hóa dân số, đô thị hóa tăng nhanh…
Chủ tịch nước nhận định, để châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng bền vững, bao trùm, các điều kiện cần và đủ là: nỗ lực xóa nghèo bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế, thực hiện hiệu quả an sinh xã hội bền vững, chú trọng các đối tượng dễ bị tổn thương; nâng cao năng lực người dân thông qua xây dựng nền giáo dục chất lượng, nền khoa học tiên tiến và nền nông nghiệp bền vững; đẩy mạnh cải cách thể chế và cơ cấu; thúc đẩy các mối quan hệ đối tác hiệu quả từ tầng nấc toàn cầu, liên khu vực, khu vực và tiểu vùng, trong đó có việc hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng và kết nối của các thành viên như Tầm nhìn ASEAN 2025, tiểu vùng Mekong...
Đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp trong thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực, Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, tiếp tục hỗ trợ các nền kinh tế và người dân phát triển bền vững, bao trùm và nâng cao năng lực tự cường; lấy "trách nhiệm xã hội" là kim chỉ nam để phát triển; lấy bền vững làm nhân tố dẫn dắt đổi mới sáng tạo; nhân rộng các mô hình sản xuất xanh, đầu tư xanh, du lịch xanh, chuỗi cung ứng xanh… Đồng thời, các doanh nghiệp cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ vào việc hỗ trợ các cộng đồng, các nền kinh tế trong việc dự báo, phòng tránh, ứng phó và phục hồi tốt hơn sau các cú sốc và thiên tai.
Trao đổi với các doanh nghiệp về triển vọng kinh tế của Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Với việc hoàn tất đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do trong năm 2015, Việt Nam đang trở thành điểm kết nối quan trọng của các mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Chủ tịch nước khẳng định, hướng tới việc đăng cai Năm APEC 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên APEC thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm.
Các doanh nghiệp đánh giá cao những kết quả tích cực của Việt Nam trong nỗ lực đổi mới sâu rộng, tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tốc độ tăng trưởng. Các doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng rằng, với những bước đi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp, khẳng định sẽ tăng cường các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam để cùng đón bắt những cơ hội, tiềm năng hợp tác mới.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất một số khuyến nghị với Chủ tịch nước về các biện pháp chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Với chủ đề "Tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn, vững chắc hơn và gắn kết hơn", Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2015 diễn ra ngày 16-18/11. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề lớn đang tác động tới triển vọng phát triển của khu vực, trong có các thách thức địa chính trị và kinh tế đang đặt ra đối với khu vực, vấn đề đô thị hóa, xu thế liên kết kinh tế khu vực, vai trò của y tế và giáo dục đối với tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, triển vọng tăng trưởng khu vực./.