Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri TP HCM
(VOV) - Sáng 17/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu Quốc hội TP HCM đã tiếp xúc cử tri quận 1.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo với cử tri dự kiến nội dung và chương trình của kỳ họp thứ 4 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 22/10 đến ngày 24/11 và một số hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua.
Các đại biểu cử tri đã phát biểu nhiều ý kiến hoan nghênh những kết quả quan trọng của Hội nghị Trung ương 6, khóa XI vừa kết thúc sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cử tri đề nghị cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 vào hoạt động của Quốc hội kỳ này, đồng thời phải nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của Quốc hội với hoạt động của bộ máy Nhà nước; bổ sung chính sách với người có công; cần đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri; khắc phục tồn tại trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như phương thức đào tạo, giáo trình, tình trạng thiếu trường lớp; xây dựng và quản lý đô thị; đặc biệt lĩnh vực quản lý đất đai, phát hiện xử lý tham nhũng, lãng phí được rất nhiều cử tri quan tâm.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội. Trao đổi với cử tri về những nội dung liên quan tới thông báo Hội nghị Trung ương 6, Chủ tịch nước khẳng định đây mới là bước đầu. Việc kiểm điểm của Bộ Chính trị và Ban bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đã được thực hiện với tinh thần hết sức nghiêm túc, việc kiểm điểm không phải đã xong mà sẽ làm thường xuyên dưới sự giám sát của cán bộ, đảng viên.
“Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sẽ thông qua quy chế cơ sở pháp lý để hàng năm Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là một công tác kiểm tra, giám sát hết sức hết sức trực tiếp, đánh giá những người mà mình cử ra giữ chức vụ quan trọng của đất nước. Trong Ban chấp hành Trung ương hàng năm cũng sẽ làm như vậy”, Chủ tịch nước cho biết.
Về những bức xúc của cử tri với tình trạng tham nhũng, Chủ tịch nước cho rằng, đây là việc hết sức hệ trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước. Bên cạnh việc thành lập Ban Nội chính Trung ương làm cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng, tới đây Quốc hội cũng sẽ xem xét sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng và kiện toàn lại Ban chỉ đạo, hy vọng sẽ tạo động lực quan trọng cho việc đẩy mạnh giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, cùng với sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước thì mỗi cử tri phải phát huy mạnh mẽ tinh thần đấu tranh với tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Có sự chung tay của toàn Đảng, toàn dân, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mới thực sự thành công.
Ghi nhận những kiến nghị của cử tri về sửa đổi, bổ sung Hiến Pháp 1992 và tình hình kinh tế xã hội cùng các vấn đề cụ thể, Chủ tịch nước và đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định sẽ có phản ánh xác đáng tới các ngành chức năng của thành phố và tại kỳ họp Quốc hội sắp tới./.