Chủ tịch Quốc hội dự lễ kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống ngành Than
VOV.VN - 80 năm đã trôi qua, cho đến nay, ngành Than là ngành cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế nước ta.
Tối 11/11, tại Quảng trường 30/10, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh đã diễn ra lễ kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than (12/11/1936 - 12/11/2016). Đây là sự kiện lớn nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm của ngành Than, được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên sóng VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam) và VOV1 (Đài Tiếng nói Việt Nam).
Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo ngành Than Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành hữu quan, cùng đông đảo các thế hệ cán bộ, công nhân ngành Than qua các thời kỳ.
Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu dự lễ kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ, truyền thống ngành Than. |
Tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh ôn lại lịch sử truyến thống ngày 12/11/1936, cách đây 80 năm, tại vùng mỏ Quảng Ninh, hơn ba vạn công nhân đã tổ chức cuộc Tổng đình công lịch sử đấu tranh chống lại chế độ bóc lột hà khắc thậm tệ của chủ mỏ và Thực dân Pháp đối với người thợ mỏ. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, cuộc đình công đã đi đến thắng lợi bởi sức mạnh to lớn của tinh thần đoàn kết, kỷ luật của những người thợ mỏ.
80 năm đã đi qua, nhưng thắng lợi của cuộc đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ tại Cẩm Phả ngày ấy vẫn còn vang mãi và là bài học quý báu cho thế hệ cán bộ công nhân trẻ hôm nay tiếp bước. Truyền thống tốt đẹp ấy làm phong phú thêm truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cách đây tròn 80 năm, cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ vùng mỏ than đấu tranh với chủ mỏ đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi quyền dân chủ, dân sinh. Với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm – chúng ta nhất định thắng”, cuộc tổng tiến công đã giành thắng lợi to lớn, làm rung chuyển bộ máy thống trị của thực dân Pháp. Đây là đỉnh cao của phong trào công nhân Việt Nam. Vùng mỏ Quảng Ninh đã thành trường học thực tiễn, tôi luyện ý chí kiên cường của các chiến sĩ Cộng sản.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
80 năm đã trôi qua, cho đến nay, ngành than là ngành cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế nước ta. So với năm 1995, khi mới thành lập Tổng công ty Than Việt Nam, sản lượng khai thác đã tăng gấp 5 - 6 lần, tổng doanh thu tăng gấp 43 lần. Thu nhập bình quân của người lao động tăng 13 lần. Tập đoàn đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước giao, vốn chủ sở hữu tăng 40,4 lần, đóng góp ngân sách nhà nước 13.389 tỷ đồng mỗi năm.
Ngành Than đã hai lần hoàn thành trước thời hạn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII và lần thứ IX đề ra, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và dành một phần hợp lý để xuất khẩu, góp phần cân đối tài chính và có tích lũy.
Chủ tịch Quốc hội tặng bức chân dung Bác Hồ cho lãnh đạo ngành Than. |
Năm 2015, tổng doanh thu toàn Ngành đạt gần 107.000 tỷ đồng. Ngành Than đã bảo đảm việc làm và ổn định đời sống cho 125.000 cán bộ, chiến sỹ và người lao động toàn ngành nói chung, trong đó có 95.000 công nhân mỏ và người lao động tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng với thu nhập bình quân đạt trên 9 triệu đồng/người/tháng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã biểu dương những thành tích mà ngành Than đã đạt được. Trong thời gian tới để ngành Than phát triển bền vững, cần phải thường xuyên tuyên truyền giáo dục cho đội ngũ công nhân, cán bộ, về truyền thống yêu nước của dân tộc, truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân mỏ. Coi truyền thống đó là một tài sản tinh thần vô giá, một động lực của sự phát triển kinh tế xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngành Than cần đẩy mạnh áp dụng khoa học kĩ thuật hiện đại trong lao động sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, bảo đảm an toàn lao động. Bên cạnh đó, ngành Than cũng cần tăng cường các mặt quản lý doanh nghiệp giữ vững vai trò là một trong ba trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Bộ Chính trị khóa X.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, TCT Đông Bắc với tỉnh Quảng Ninh theo phương châm: Tỉnh với than là một, nhắm phát huy cáo độ tiềm năng, tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế và an sinh xã hội một cách toàn diện trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện quy hoạch phát triển Ngành và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương, gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh với việc bảo vệ nguồn tài khoáng sản, bảo vệ môi trường, góp phần tích cực vào việc xây dựng các địa phương ngày càng giàu đẹp".
Quảng Ninh là tỉnh có tiềm năng rất lớn về tài nguyên, khoáng sản và du lịch, Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, từ Đông Triều đến Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái .. đều có các địa danh thắng cảnh và du lịch hấp dẫn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan tiếp tục triển khai các quy hoạch và định hướng phát triển các ngành kinh tế có thế mạng của tỉnh gắn liền với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường.
Chương trình nghệ thuật "Vàng đen Tổ quốc" |
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao bức ảnh chân dung Bác Hồ cho lãnh đạo tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc. Thành phố Cẩm Phả đón nhận Bằng chứng nhận Di tích cấp Quốc gia “Địa điểm Bác Hồ về thăm Mỏ Đèo Nai”.
Ngay sau phần lễ là chương trình nghệ thuật có chủ đề “Vàng đen Tổ quốc” với nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn do các diễn viên, nghệ sỹ và công nhân các đơn vị ngành Than biểu diễn nhằm tái hiện Vùng mỏ anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, trong lao động sản xuất./.