Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy Bình Phước
VOV.VN - Chiều 3/7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy Bình Phước về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của tỉnh và triển khai giám sát các chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải và lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, sau 27 năm từ ngày tái thành lập tỉnh, Bình Phước đã nỗ lực, vượt lên khó khăn, dần trở thành một tỉnh công nghiệp, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 11 so với cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng/người. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,4%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,76%, đứng thứ 2 vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 18 so với cả nước. Công nghiệp tăng 16,53%, xuất nhập khẩu tăng 20,08%, vốn đầu tư FDI ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 62,12%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 5.355 tỷ đồng.
Đồng thời, Bình Phước được xếp hạng cao về chuyển đổi số (đứng thứ 9/63 tỉnh thành cả nước); có 1.417 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công Quốc gia, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), đây được coi là con đường thoát nghèo cho Đắk Nông, con đường làm giàu cho Bình Phước. Thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ chủ động, tích cực phối hợp với bộ, ngành địa phương hoàn thành các thủ tục để triển khai dự án theo Nghị quyết của Quốc hội.
Về việc triển khai giám sát các chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội 6 tháng đầu năm nay, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức giám sát thường xuyên việc thực hiện chính sách pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết thúc các cuộc giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có 4 báo cáo kết quả giám sát chuyên đề gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; đề xuất 62 kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan; 33 kiến nghị gửi đến UBND tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan đề nghị thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Các ý kiến của các thành viên đoàn công tác đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả Bình Phước đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời nêu một số giải pháp để Bình Phước có thể tăng tốc phát triển thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tỉnh cần xác định lợi thế hiện tại và trong tương lai đó là Bình Phước là địa phương có truyền thống cách mạng lịch sử với nhiều di tích lịch sử quốc gia, trong đó có di tích lịch sử Tà Thiết mà Tố Hữu đã viết hai câu thơ: "Lộc Ninh xinh một cụm hồng/ Ai hay Đất lửa máu nồng đơm hoa". Vì vậy tỉnh cần giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái thu hút khách tham quan bằng nhiều hình thức.
Bên cạnh đó, tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trong chính sách phát triển các đô thị vệ tinh của TP.HCM và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; có quỹ đất rộng lớn, đất đai màu mỡ, là "Thủ phủ" của hai loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao là cao su và điều.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra tỉnh Bình Phước vẫn còn những khó khăn như giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp do nhiều yếu tố; Ngành du lịch tuy phát triển nhưng chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để vừa thu hút các nhà đầu tư, du khách đến với Bình Phước...
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, tình Bình Phước cần tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 11; tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, tập trung xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: "Tỉnh hết sức nỗ lực cố gắng hoàn thành 2 Dự án giao thông trọng điểm. Một là dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây Gia Nghĩa - Chơn Thành và dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn Bình Phước. Hai dự án này sẽ giúp cho Bình Phước phát triển đi lên. Ông bà ta thường nói, đại lộ đại phú, trung lộ trung phú, tiểu lộ là tiểu phú. Đầu tư đường giao thông thì sẽ kéo theo là kinh tế xã hội phát triển, các lĩnh vực văn hóa xã hội, đời sống người dân được cải thiện, các đối tượng chính sách người nghèo nghèo trong thời gian qua, chúng ta có quan tâm, quốc phòng, an ninh được giữ vững".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, tỉnh cũng cần quan tâm đến giải ngân vốn đầu tư công, tìm hiểu nguyên nhân gây chậm tiến độ; đẩy mạnh môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, rà soát các cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút đầu tư các địa phương khác đến Bình Phước, nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, cần tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công vụ khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ công chức.
Đồng thời, tỉnh cần ý đến các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch, giáo dục, y tế; bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt quan tâm cho giáo dục đào tạo, y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm để phát triển kinh tế đi đối với việc ổn định cuộc sống cho người dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bình Phước sớm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về tăng lương cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; nhất là với cán bộ hưu trí và trợ cấp xã hội, trợ cấp cho người có công có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Bình Phước tiếp tục lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH, của HĐND để HĐND thực sự là tiếng nói của người dân, cử tri; đồng thời đồng hành với UBND tỉnh trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đặc biệt cần triển khai một cách nghiêm túc, bài bản Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 cũng như chuẩn bị bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.