Chung lo với ngư dân
Ngay sau khi được bầu giữ cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dành sự quan tâm đặc biệt đến bà con ngư dân ở một số tỉnh miền Trung.
Đặt chân đến Phú Yên, trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch nước dành nhiều thời gian đến thăm, nói chuyện với bà con làng chài Phú Thọ 3 (thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa). Vui mừng vì ở đây có nhiều mô hình mới, cách làm hay giúp ngư dân yên tâm bám biển, nhưng Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nặng lòng, suy tư trước cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả của bà con ngư dân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao quà cho ngư dân tiêu biểu khu phố Phú Thọ 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên. (Ảnh: Nhân Dân) |
Chia sẻ với những nỗi lo toan
Thị trấn Hòa Hiệp Trung có hơn 500 tàu thuyền với 2.456 lao động, trong đó, chỉ có 113 tàu có công suất từ 90CV trở lên, 35 tàu cá đánh bắt xa bờ đang hoạt động thường xuyên với 350 lao động. Phát huy thế mạnh của địa phương về đánh bắt thủy, hải sản đồng thời để đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả đánh bắt, thị trấn đã thành lập 27 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển và 14 tổ tàu thuyền an toàn với 654 lao động. Làng chài Phú Thọ 3 là một làng chai có từ lâu đời, gần 100% số dân của làng sống bằng nghề đánh bắt hải sản, thường xuyên vươn khơi xa, bám biển dài ngày.
Chủ tịch nước vui mừng khi thấy làng chài đã có nhiều đổi mới, đường bê – tông rộng, chắc, chạy dài đến từng ngõ xóm, nhiều ngôi nhà được xây mới, khang trang. Bà con ngư dân vui mừng báo cáo với Chủ tịch nước, đời sống hiện nay đã khá hơn nhiều so với trước, nhiều người có tàu to, ra khơi xa, đánh bắt được nhiều cá hơn, nhiều hộ gia đình làm giàu bằng nghề đánh bắt hải sản.
Vượt qua bãi cát dài, bỏng rát dưới nắng gắt của miền Trung, Chủ tịch nước xuống các tàu cá để “mục sở thị” tình hình đời sống của ngư dân. Trên tàu của ngư dân Lưu Bá Khoa, Chủ tịch nước hết sức xúc động khi nghe anh kể về những gian khó, hiểm nguy mà công việc đánh bắt xa bờ thường xuyên phải đối mặt. Anh Khoa cho biết, tổ gắn kết tàu thuyền an toàn của anh có 11 chiếc. Từ khi thành lập tổ tàu thuyền an toàn, các ngư dân đã yên tâm hơn rất nhiều. Các tàu trong tổ vừa hỗ trợ lẫn nhau mỗi khi gặp hoạn nạn trên biển, đồng thời chia sẻ với nhau trong việc đánh bắt. Đơn cử, có những tàu đánh bắt gặp luồng cá nhiều thì điện đàm cho các tàu khác trong tổ đến cùng khai thác.
Nắm bàn tay gân guốc, sạm nắng gió của các ngư dân và trao những phần quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, Chủ tịch nước căn dặn, bà con ngư dân cần thành lập thêm nhiều tổ gắn kết tàu thuyền để hỗ trợ lẫn nhau vươn khơi, bám biển, nâng cao hiệu quả đánh bắt, đồng thời khẳng định chủ quyền thiêng liêng và bảo vệ từng tấc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Chủ tịch nước luôn đặt câu hỏi, vì sao một tỉnh có tiềm năng lớn, một trong những tỉnh có bờ biển dài nhất nước (189km) như Phú Yên lại vẫn là một tỉnh nghèo? Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh cần xác định rõ tầm quan trọng của nghề đánh bắt hải sản, từ đó quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân. Cần tổ chức lại sản xuất cho bà con, thành lập thêm nhiều tổ liên kết sản xuất, thành lập các nghiệp đoàn, hợp tác xã… giúp bà con trang bị tàu, thuyền hiện đại để đánh bắt xa bờ.
Trước những kiến nghị của bà con ngư dân về việc còn gặp nhiều khó khăn trong vay vốn đóng mới tàu, thuyền theo Nghị định 67 của Chính phủ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã yêu cầu các cấp, các ngành liên quan xem xét, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân được thuận lợi trong vay vốn đóng mới tàu thuyền. Theo báo cáo, đến nay các cơ quan có thẩm quền của tỉnh Phú Yên đã phê duyệt danh sách 65 tàu cá đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định 67, với tổng nhu cầu vốn 145 tỷ đồng, nhưng mới chỉ có 2 tàu vỏ thép và 4 tàu vỏ gỗ được đóng mới, hoàn thành, đưa vào sử dụng. So với một số tỉnh khác và đối chiếu với nhu cầu thực tế của ngư dân Phú Yên, thì số tàu được vay vốn đóng mới còn quá ít.
“Ai ai cũng phải có cuộc sống ấm no”
Là một tỉnh ven biển Nam Trung bộ, với hơn 134 km đường bờ biển, Bình Định là tỉnh có nhiều tàu đánh bắt xa bờ nhất cả nước. Hiện nay số tàu đánh bắt xa bờ được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước ở Bình Định chiếm một phần hai số tàu cá trong cả nước. Bình Định cũng là một trong ba tỉnh đầu tiên của cả nước (cùng với Khánh Hòa và Phú Yên) tổ chức việc khai thác cá ngừ theo chuỗi, gắn với xuất khẩu.
Nhiều ngư dân đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật khai thác cá ngừ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm chất lượng để xuất khẩu. Nghề khai thác cá ngừ đã góp phần đưa tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2015 tăng 7,33% so với năm 2014, sáu tháng đầu năm 2016 ước tăng 7,48% so với cùng kỳ. Một trong những nhiệm vụ được Chủ tịch nước đặt ra cho Bình Định là phải đầu tư xây dựng các nhà máy khai thác, chế biến thủy, hải sản xuất khẩu; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với các cảng cá, để giúp ngư dân tiêu thụ hải sản, nâng cao thu nhập.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn nhắc nhở các cấp, các ngành của Bình Định cần quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với các gia đình chính sách, người có công.
Mùa mưa ở miền Trung, những cơn mưa rào như trút nước bất chợp ập xuống. Chúng tôi cũng như rất nhiều ngư dân TP.Quy Nhơn đã không khỏi xúc động khi chứng kiến người đứng đầu Nhà nước đội mưa đến thăm các gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đặt bàn tay lên vai áo ướt đẫm nước mưa của Chủ tịch, mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Khương ở phường Lê Hồng Phong (TP.Quy Nhơn) rưng rưng cảm động, không nói lên lời.
Chồng và con trai Mẹ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương. Đôi mắt Mẹ ngấn lệ khi Chủ tịch nước nắm chặt tay Mẹ và xúc động bày tỏ: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn biết ơn những người con anh dũng đã hy sinh xương máu cho đất nước. Nhiệm vụ của các thế hiện hôm nay là phải bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà bao thế hệ đi trước đã không tiếc máu, xương mới giành được, phải xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước yên bình, giàu đẹp để mọi người dân ai ai cũng đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.