Cờ Đảng dưới chân núi Ka Đay
VOV.VN - Dưới chân núi Ka Đay, những người Chứt sống trong hang đá ngày nào đã "đứng lên" theo Đảng, thành lập Chi bộ Rào Tre, trở thành người tiên phong, đổi mới, đem lại ấm no cho bản làng.
Những năm 60 của thế kỷ 20, 18 người Chứt từ tỉnh Quảng Bình đã băng rừng, lội suối đến định cư ở núi rừng huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Trong những chuyến hành quân, tuần tra biên giới, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện nhóm người này và vận động họ về sống ở bản Giàng (xã Hương Lâm). Vốn quen với cuộc sống "săn bắn, hái lượm", chẳng bao lâu nhóm người Chứt đã bỏ bản về với cuộc sống hoang dã.
Những năm 1990, tỉnh Hà Tĩnh quyết định lập bản dưới chân núi Ka Đay (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) để đưa nhóm người Chứt này ra sinh sống. Cũng từ đó, người Chứt bắt đầu hành trình mới, được bộ đội dạy tiếng nói, chữ viết, dạy cách làm ra hạt lúa, củ khoai… Và cũng dưới chân núi Ka Đay, những người Chứt sống trong hang đá ngày nào đã "đứng lên" theo Đảng, thành lập Chi bộ Rào Tre, trở thành người tiên phong, đổi mới, đem lại ấm no cho bản làng.
Không còn là những ánh mắt dò xét, khép nép khi thấy người lạ ghé thăm, 30 năm rời cuộc sống hoang dã, hôm nay người Chứt ở bản Rào Tre (Hà Tĩnh) đã biết làm ra hạt lúa, chăn nuôi trâu bò. Thế nhưng, bước ngoặc lớn lao hơn cả chính là, năm 2017, những người con ưu tú dân tộc Chứt dưới chân núi Ka Đay được giác ngộ, đứng lên thành lập Chi bộ bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).
Nhớ lại sự kiện trọng đại đó, Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên xem đó là kỳ tích: "Trước kia bà con rất khó khăn. Đảng viên ít quá thì không thành lập được chi bộ của đồng bào. Sau này có động viên các em đi học cảm tình đảng và kết nạp để thành chi bộ đồng bào dân tộc Chứt bản Rào Tre chúng mình, để sinh hoạt dễ hơn và mình vào đảng thì mình gương mẫu hơn, khác hơn so với bà con ở đây."
Kỳ tích những người con ưu tú dân tộc Chứt tạo ra không dừng lại ở lý tưởng, mà dưới cờ đảng họ là những người tiên phong, tìm sinh kế đổi thay cho đồng bào mình.
"Thời gian qua, Đảng uỷ xã đánh giá cao hoạt động của chi bộ, nhất là trong công tác sản xuất, công tác vệ sinh môi trường… Đề nghị các đồng chí đảng viên báo cáo công tác sản xuất lúa của chúng ta; triển khai cấp phát bò cho hộ dân; liên quan đến làm chuồng trại, phát triển chăn nuôi; triển khai vùng trồng cỏ, phát triển sản xuất…"- Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên nói trong một buổi sinh hoạt chi bộ.
Những ngày này, cánh đồng lúa vàng óng dưới chân núi Ka Đay của người Chứt, đánh dấu bước ngoặc lịch sử của đồng bào tiếp cận nền văn minh lúa nước. Tại các buổi sinh hoạt Chi bộ thường kỳ trong ngôi nhà văn hoá khang trang của bản, 11 đảng viên ưu tú người dân tộc Chứt rạng ngời dưới ánh sáng của Đảng. Họ tiếp tục luận bàn cách tận dụng rừng cỏ rộng lớn để nuôi trâu bò; làm thế nào ngăn chặn tập tục lạc hậu, đói nghèo, và hơn cả là tìm hướng đi cho thế hệ trẻ, "vượt đỉnh Ka Đay".
"Theo tôi, chúng ta giờ đã có Bò rồi, chúng ta nên chăm sóc, hàng ngày phải đi cắt cỏ thêm, cho đi ăn thêm. Còn chỗ trồng cỏ thì còn diện tích nên trồng cỏ, hoặc sản xuất ngô để mùa đông nữa."
"Tôi đề nghị Chi bộ, Đoàn thể, đảng viên nên quán triệt tham gia trồng trọt, chăn nuôi, nuôi heo… đề nghị hội nông dân mở rộng các hộ tiếp theo có con giống chăn nuôi vì nhiều hộ đang thiếu con giống."
"Theo tôi, thanh niên trong dân bản nên bỏ rượu, không uống rượu nhiều, không tốt cho bản thân. Đề nghị Chi bộ có kết nối để giao lưu với dân tộc ở Quảng Bình để có mối quan hệ kết hôn và giao lưu học hỏi."
Đó là những ý kiến của đảng viên trong buổi sinh hoạt chi bộ.
Những ngày ở Rào Tre, chúng tôi nghe nhiều đến bà Hồ Nam (SN 1965) là người dân tộc Chứt, sinh ra và lớn lên ở núi rừng xa thẳm. Rời núi rừng, bà là nữ đảng viên đầu tiên ở Rào Tre, bà đã kèm cặp, giới thiệu cho chi bộ thêm 8 đảng viên, đặc biệt là 2 con gái của bà.
Nhắc lại những kỳ tích ấy, bà Hồ Nam vẫn không quên công lao của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn: "Chúng tôi được Bộ đội Biên phòng đưa ra khỏi cuộc sống núi rừng hoang dã, cho mang họ của Bác Hồ. Về với xã hội văn minh, chúng tôi đã có cuộc sống ổn định, có ruộng nương làm, mỗi ngày đều được ăn no, con cháu được học chữ, được chăm sóc sức khỏe, được tiếp nhận nhiều cái tiến bộ. Người Chứt đã được Đảng, Nhà nước ưu tiên chăm lo. Tiếp nhận điều đó, bản thân tôi sớm hiểu rằng, mình phải gương mẫu đi đầu để đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp và Bộ đội Biên phòng, đưa dân bản tiến bộ nhanh hơn."
Nối nghiệp mẹ, lại được rèn luyện dưới ánh sáng của Đảng, 2 cô con gái của bà Hồ Nam là Hồ Thị Duyên và Hồ Thị Khuyên đã phấn đấu học tập, rèn luyện và lần lượt được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Không chỉ tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế, Hồ Thị Duyên luôn tìm cách đẩy lùi nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Và chị là 1 trong 2 người đầu tiên lấy chồng là người dân tộc Kinh.
"Hiện tại con cái học hành đầy đủ, có ý thức nhiều hơn, được các anh chị đi trước tuyên truyền các em sau này thì vào đảng nhiều hơn. Em thấy vào đảng mình có ý thức, được học hỏi, noi gương cho các bạn sau này. Hiện tại dân ta không phải nghèo nữa, ổn hơn mọi năm rồi. Tôi mong muốn chúng ta phải phát triển, học hỏi, tuyên truyền lao động làm kinh tế nhiều hơn." - Hồ Thị Duyên chia sẻ.
Hơn 30 năm rời cuộc sống hoang dã, hôm nay bản Rào Tre đã có 40 hộ là đồng bào dân tộc Chứt sinh sống. Dưới chân núi Ka Đay hùng vĩ người ta vẫn nhắc nhiều đến công lao của cán bộ, chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh. Nhưng rõ ràng những ngôi nhà sàn kiên cố, cánh đồng lúa vàng óng, những đứa trẻ người Chứt được đến trường đi học… và mơ ước "vượt qua đỉnh núi Ka Đay" không còn là việc khó.