"Có niềm tin sẽ hăng say lao động và thi đua"
VOV.VN - Với chủ đề của Đại hội là “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, các đại biểu nhận định đây là mục tiêu trọng tâm cần thiết trong 5 năm tới.
Sáng nay (10/12), Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 10 khai mạc tại Hà Nội. Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đại hội đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện trong thời gian tới. Nhiều đại biểu nhận định, đây là hướng đi đúng để thúc đẩy, lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.
2020 đại biểu chính thức của đại hội, đang làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau nhưng đều có một điểm chung là niềm đam mê với công việc với nhiều ý tưởng sáng tạo đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ qua.Về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10, các đại biểu tiêu biểu chia sẻ những thành công đã đạt được và kinh nghiệm thực tiễn trong công việc, việc làm hàng ngày.
Với chủ đề của Đại hội là “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, các đại biểu nhận định đây là mục tiêu trọng tâm cần thiết trong 5 năm tới. Bởi dự báo tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn và thách thức, cần sự chung tay của toàn dân trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Đại biểu Phạm Hồng Phong, tỉnh Điện Biên cho rằng hiện nay chủ đề này rất là phù hợp, chúng ta đang kêu gọi sự đoàn kết chung tay của cả nước để vượt qua những giai đoạn khó khăn về kinh tế, xã hội. Muốn có “đoàn kết, sáng tạo” và tập trung vào thi đua yêu nước thì việc đầu tiên phải tạo ra niềm tin cho người lao động, cho các tập thể lao động. Khi có niềm tin vào Đảng và Nhà nước và các chế độ chính sách, chế độ phúc lợi tốt thì người ta sẽ hăng say lao động và sáng tạo.
Đại biểu Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, (Đại học Đà Nẵng), đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo rất tâm đắc với cụm từ “sáng tạo” trong thực hiện thi đua yêu nước trong tình hình mới. Bởi lẽ, trong những năm tiếp theo khi phát triển kinh tế- xã hội, yếu tố “sáng tạo” có vai trò quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
“Sáng tạo” đó không phải đến chỉ đến từ các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong công nghiệp mà đến từ những người lao động rất bình thường nhất. Chính phong trào thi đua yêu nước khi chúng ta phát động một cách rộng rãi, đi sâu vào xã hội thì những sáng tạo của người lao động trên đất nước này sẽ giúp thêm sức mạnh để phát triển vượt bậc"- Đại biểu Đoàn Quang Vinh nói.
Để phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả, từng bước khắc phục tính hình thức, thì với đại biểu Nguyễn Thị Diệu Hạnh, tỉnh Thừa Thiên - Huế thì thi đua yêu nước nên bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, đó chính là mỗi người hoàn thành tốt nhất công việc của mình.
"Mọi người cố gắng, ai cũng nỗ lực và quyết tâm cao, có bao nhiêu thì khả năng của mình thì mình sẽ dồn hết sức, mọi tấm huyết của mình để làm sao cho công việc của mình là đem lại kết quả tốt nhất. Bản thân cũng sẽ cố gắng duy trì và phát huy hơn nữa những việc mà mình đã làm"- bà Hạnh nói.
Nhiều đại biểu cũng tin tưởng, từ đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 10, phong trào thi đua yêu nước sẽ được lan tỏa rộng hơn, thiết thực hơn để động viên các tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Khi mỗi cá nhân hoàn thành tốt nhất công việc của mình chính là đã góp sức cùng đất nước vượt qua những thách thức to lớn, tiếp tục hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Qua đó, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, khơi dậy sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục bồi dưỡng lòng yêu nước, ý chí quật cường, lòng tự hào dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.