“Công đoàn độc lập Việt Nam": Đừng đánh tráo khái niệm “độc lập” với “đối lập”
VOV.VN - Một số đối tượng đã lợi dụng quy định mới nhằm lôi kéo, kích động công nhân lao động trong các doanh nghiệp để thành lập các tổ chức với tên gọi “Công đoàn độc lập Việt Nam”.
Thời gian vừa qua, lợi dụng quy định của pháp luật Việt Nam cho phép thành lập “Tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các phần tử xấu đã ráo riết tuyên truyền, lôi kéo công nhân và người lao động nhằm tập hợp lực lượng và cho ra đời cái gọi là tổ chức “công đoàn độc lập” ở Việt Nam. Dưới lớp vỏ bọc này, các thế lực thù địch rêu rao những luận điệu chống phá Đảng, Nhà nước, thậm chí xúi giục, kích động các hành vi làm bất ổn chính trị, xã hội tại Việt Nam.
Hình thành một tổ chức đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), một số thế lực đưa ra chiêu bài thành lập cái gọi là “công đoàn độc lập” để dụ dỗ, mua chuộc công nhân và người lao động Việt Nam, hình thành tổ chức mà bản chất tổ chức này không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân và người lao động.
Các thế lực từng bước đi đến hình thành một tổ chức đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, lôi kéo những người lao động và công nhân xa rời Đảng, cố ý hay vô tình sớm muộn cũng sẽ tham gia tổ chức chống lại Đảng và Nhà nước. Nếu những tổ chức này không được ngăn chặn thì sẽ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm lung lạc niềm tin của người lao động và công nhân đối với sự lãnh đạo của Đảng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sớm muộn cũng hình thành tổ chức đối lập với Đảng, thậm chí khi có điều kiện sẽ tổ chức biểu tình, bạo loạn.
Với mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước, thời gian qua, nhiều thế lực đã tranh thủ truyền thông quốc tế, đưa ra quan điểm phiến diện, quy chụp đối với hệ thống công đoàn Việt Nam, trong khi tung hô các tổ chức công đoàn độc lập.
Đài RFI Tiếng Việt từng có bài viết, trong đó cho rằng, việc Việt Nam sửa đổi Luật Lao động chỉ là hình thức, còn các văn bản dưới luật sẽ được xây dựng theo hướng có lợi cho cơ quan hành pháp, đẩy cái khó về phía người dân. Bài báo cũng phủ nhận vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và cho rằng, chỉ có các công đoàn độc lập, không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào thì mới thực sự bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Đài BBC Tiếng Việt cũng có bình luận chụp mũ rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là “vô dụng”, đồng thời có bài ca ngợi việc ra đời của “Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam” hồi tháng 7/2020, theo đó hô hào rằng phải có sự cạnh tranh giữa các tổ chức đại diện người lao động, thậm chí kêu gọi các tổ chức công đoàn độc lập sẽ được bảo vệ bởi các tổ chức bên ngoài Việt Nam.
Song thực chất đây là tổ chức không chính danh, không có điều lệ, không đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Bề ngoài thì họ tuyên bố Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam “không làm chính trị”, “hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động…”, nhưng trang web của tổ chức này thì kết nối và giới thiệu một loạt các tổ chức chống Nhà nước Việt Nam như Nghiệp đoàn FO, Lao Động Việt, Nhóm Bạn Công Nhân (thuộc Việt Tân), Luật Khoa Tạp Chí, Hội Nhà Báo Độc Lập …
Ông Lê Văn Cương khẳng định, cái được gọi là “Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam” là một tổ chức bất hợp pháp, không được Nhà nước thừa nhận, không có tư cách pháp nhân, không có văn bản pháp quy nào để đảm bảo cơ sở pháp lý của nó. Đây là một sự đánh tráo khái niệm “độc lập” với “đối lập” nhằm dễ bề lôi kéo người lao động để hình thành một lực lượng chính trị đối lập với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đối lập với hệ thống luật pháp Việt Nam. Tổ chức này không đại diện cho ai, không đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động và công nhân mà mục đích chống phá Đảng, Nhà nước.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an, các thế lực thù địch thường dùng chiêu bài phê phán con đường đi lên CNXH của Việt Nam là không đúng, phê phán chế "độc Đảng", thậm chí họ lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng để vu cáo, xuyên tạc, mị dân, nói rằng trong điều kiện một Đảng duy nhất lãnh đạo không thể chống tham nhũng được. Điều này là hoàn toàn bịa đặt, dối trá. Bắt đầu từ những vấn đề cơ bản này, các thế lực xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc thực tiễn Việt Nam.
Ông Lê Văn Cương nhấn mạnh, cần hết sức lưu ý những tư tưởng sai lầm, kích động chống Đảng, chống Nhà nước được truyền bá từ phương Tây. Đó là những thủ đoạn quen thuộc mà các thế lực đã và đang làm.
Tổ chức đại diện cho người lao động phải thành lập đúng luật
Thực tiễn tại nhiều nước trên thế giới cho thấy những bài học đắt giá nếu buông lỏng quản lý đối với các phong trào công nhân, đặc biệt khi nó được dẫn dắt bởi các tổ chức công đoàn độc lập với Nhà nước.
Nhắc lại phong trào công nhân tại Ba Lan được dẫn dắt bởi “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” vào những năm cuối thập niên 80 đã dẫn đến việc Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan mất vai trò lãnh đạo và sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Ba Lan vào thời điểm đó, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội các khóa XII, XIII, XIV cho rằng, đây là một bài học đắt giá. Quan trọng là phải giáo dục đảng viên công đoàn, người lao động nhận thức đúng bản chất chính trị cũng như nhận thức đúng việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
“Đây là cuộc cách mạng mà chúng ta phải chiến đấu. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo. Công đoàn Việt Nam được Hiến pháp quy định và Luật Công đoàn đã nêu rõ đây là tổ chức chính trị xã hội duy nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả người lao động. Bộ luật lao động, Luật việc làm và các luật liên quan đến lao động đều điều chỉnh cả lực lượng lao động có quan hệ lao động, tức là làm việc trong doanh nghiệp, kể cả lực lượng lao động phi chính thức, tức là làm việc không có quan hệ lao động thì công đoàn đều phải tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, ví dụ như đảm bảo tiền lương tối thiểu.
Phải lưu ý điều này và coi đây như là một bài học để khi cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp ngoài công đoàn, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 để chúng ta giữ lấy giai cấp công nhân Việt Nam và cố gắng làm sao bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động và công nhân” – ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Nhằm ngăn chặn việc lợi dụng những sửa đổi trong Bộ luật Lao động về lĩnh vực công đoàn để thành lập hội nhóm với các mục đích xấu, chống phá chính quyền, theo ông Bùi Sỹ Lợi, sau khi Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/2021, Chính phủ có hướng dẫn cụ thể đúng với tinh thần của Bộ luật. Bên cạnh đó, tuyên truyền giáo dục để giai cấp công nhân, người lao động hiểu rõ, hiểu đúng về việc tham gia công đoàn.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các doanh nghiệp, cơ sở phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Khi người lao động chưa tham gia tổ chức công đoàn mà muốn thành lập tổ chức đại diện của người lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho một nhóm lao động nào đó thì chúng ta hoàn toàn cởi mở, cho phép nhưng phải đúng quy định pháp luật.
“Rất mong trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các cơ quan quản lý Nhà nước, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tạo cơ hội để phát triển tổ chức này theo đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước và phải đúng quy định của pháp luật” – ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Cùng chung quan điểm, ông Lê Văn Cương cho rằng, bằng nhiều con đường, nhiều kênh, cần tăng cường tuyên truyền, giúp đỡ, giáo dục công nhân và người lao động để họ có khả năng tự miễn dịch cũng như nhận thức đúng đắn về con đường đi của đất nước, vai trò lãnh đạo của Đảng, về tương lai bản thân mình và đất nước. Đây là vấn đề cơ bản, lâu dài nhất bởi khi mỗi người có nhận thức đúng thì các thế lực có tuyên truyền, bôi nhọ như thế nào sẽ không có tác dụng./.