Sau Tin lành Đề ga, lại xuất hiện tổ chức phản động đội lốt tôn giáo ở Tây Nguyên
VOV.VN - Chiêu bài lợi dụng tôn giáo rất nguy hiểm bởi vì thông qua các hội thánh, các sinh hoạt tôn giáo, đối tượng lôi kéo, tập trung tín đồ, lồng ghép tư tưởng hẹp hòi, ly khai tự trị.
Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, li khai…. là chiêu bài không mới. Âm mưu đó từng được thực hiện và thất bại ở Tây Nguyên vào những năm 2001, 2004, 2008 với việc thành lập “Nhà nước Đề ga độc lập” ở bên ngoài, dùng tổ chức “Tin lành Đề ga” làm công cụ phát triển lực lượng chống phá trong nước.
Vẫn chiêu bài cũ, thời gian gần đây, các đối tượng Fulro lưu vong lại tiếp tục dựng lên các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo dưới các tên gọi khác nhau như “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam”, “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”.
Không từ bỏ âm mưu thành lập Nhà nước riêng, tôn giáo riêng ở Tây Nguyên
Theo tài liệu của cơ quan chức năng, Tổ chức “Tin lành Đấng Christ” do Y Hin Niê, Mục sư Tin lành, sinh năm 1952 (dân tộc Êđê, gốc Đăk Lăk, nguyên Đại tá, Bộ trưởng ngoại giao Fulro III, lưu vong ở Mỹ) cầm đầu, có trụ sở chính tại North Carolina, Mỹ và một số chi nhánh tại Mỹ, Canada. Mục tiêu của chúng là thông qua tổ chức này để tập hợp lực lượng, kích động ly khai, tự trị, tiến tới thành lập “tôn giáo riêng”, “Nhà nước riêng” của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Theo chỉ đạo của Y Hin Niê, vào tháng 5/2017, một tổ chức phản động được nhen nhóm thành lập trong nước với tên gọi “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam - ECCV”, Ban điều hành” gồm 04 đối tượng đều trú tại tỉnh Đăk Lăk, do Y Jôl Bkrông (con trai Y Hin Niê) làm Hội trưởng, có 22 “hội thánh” tại 05 tỉnh (Đăk Lăk, Bình Phước, Lâm Đồng; Kon Tum; Trà Vinh), tập trung chủ yếu ở Đăk Lăk.
Từ tháng 6/2017 đến đầu năm 2018, lực lượng Công an các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai đấu tranh quyết liệt với tổ chức phản động đội lốt tôn giáo này. Riêng tại Đắk Lắk, lực lượng An ninh Công an tỉnh đã bóc gỡ hơn 30 đối tượng cốt cán.
Tuy nhiên, với ý đồ sử dụng vấn đề tôn giáo như một chiêu bài chính trị để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc, vu khống Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền, các thế lực thù địch và Fulro lưu vong tìm mọi cách để phục hồi lại tổ chức phản động này.
Tại Mỹ, đầu năm 2019, Y Hin Niê đã tăng cường liên lạc, tiếp tục chỉ đạo số cốt cán trong nước mà đứng đầu là con trai hắn là Yjôl Bkrông ở buôn Ea Khít, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, Đăk Lăk phục hồi, phát triển lực lượng, kiện toàn lại cái gọi là “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam - ECCV”. Chúng công khai hóa hoạt động như một tổ chức, nhóm phái Tin lành thuần túy nhưng đằng sau đó, số đối tượng này bí mật thu thập thông tin về vấn đề dân tộc, tôn giáo trong nước, sau đó gửi ra nước ngoài với nội dung xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo tại các diễn đàn quốc tế.
Giữa năm 2019, Yjôl Bkrông bắt đầu đẩy mạnh hoạt động nhằm phục hồi lại “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam - ECCV", chuẩn bị kế hoạch chống phá. Chúng lôi kéo, bổ sung nhân sự để lập ra ban điều hành giáo hội gồm 7 thành viên, chủ yếu là những đối tượng đã có lịch sử hoạt động Fulro, tham gia biểu tình, gây rối chống chính quyền vào các năm 2001, 2004, từng bị đưa đi cải tạo.
Để có kinh phí hoạt động, một mặt, chúng huy động từ những tín đồ tham gia tổ chức, mặt khác, chúng nhận hỗ trợ về vật chất, phương tiện từ nước ngoài, được số đối tượng bên ngoài trang bị kiến thức, cách thức đối phó với cơ quan chức năng khi bị phát hiện.
Qua những tài liệu mà cơ quan an ninh thu giữ của các đối tượng cốt cán cầm đầu ECCV cho thấy, tổ chức này đã gây dựng 27 điểm nhóm tại 5 tỉnh là Đăk Lắk, Kon Tum, Bình Phước, Lâm Đồng, Trà Vinh với 82 tín đồ (tuy nhiên, qua thu giữ tài liệu của chúng cho thấy: chúng khuếch trương thanh thế là đã gây dựng được 27 điểm nhóm với gần 700 “Tín đồ” ở Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Phú Yên và Trà Vinh).
Ngay khi phát hiện, lực lượng Công an đã đấu tranh quyết liệt, nên thời gian qua, ECCV bị tan rã, số đối tượng cầm đầu của tổ chức này ở Đắk Lắk thường xuyên nghi kỵ lẫn nhau nên không liên kết được để hoạt động.
Tháng 9/2019, do mâu thuẫn về quyền lợi, A Ga (sinh năm 1977, gốc Kon Tum, hiện ở Mỹ (đang bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai truy nã về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài) chỉ đạo số đối tượng đã từng tham gia ECCV trước đây thành lập một tổ chức riêng để tiếp tục hoạt động. Đến tháng 9/2020, A Ga chính thức thay đổi logo và tên gọi của “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam” thành “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” (CHPC), tự nhận mình làm người đại diện, đồng thời chỉ định nhân sự “Ban đại diện” tạm thời trong nước gồm 05 thành viên, do A Đảo (trú ở Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) làm “Giáo hội trưởng”.
Dưới vỏ bọc tôn giáo, tuyên truyền tư tưởng hẹp hòi, ly khai tự trị
“Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” (CHPC) tổ chức sinh hoạt tôn giáo bình thường với các hoạt động hát thánh ca, chia sẻ kinh thánh và cầu nguyện. Tuy nhiên bên trong, CHPC chính là một tổ chức phản động đội lốt tôn giáo để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của CHPC không có gì mới, tương tự như “Tin lành Đêga” trước đây, đó là tập hợp tín đồ là người dân tộc thiểu số ở trong nước liên kết với các nhóm Tin lành khác và số đối tượng phản động người Việt lưu vong lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá Việt Nam, đòi thành lập “nhà nước riêng, tôn giáo riêng” cho người dân tộc thiểu số. Khi bị phát hiện, xử lý, chúng sẽ lấy đó làm lý do để vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người và quyền tự do tôn giáo nhằm tạo sự chú ý và kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức, cá nhân phức tạp ở nước ngoài
Với thủ đoạn này, từ tháng 9/2020 đến nay, “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” (CHPC) đã phát triển được một số tín đồ tại các tỉnh Đăk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng và Phú Yên. Sau một thời gian theo dõi và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an đã nắm được toàn bộ hoạt động vi phạm pháp luật của tổ chức này, thu giữ nhiều phương tiện, tài liệu quan trọng.
Một trong những người tham gia CHPC tích cực nhất trên địa bàn Đăk Lăk đó là Y Krếc Byă (hay còn gọi là Ama Guôn, sinh năm 1978; trú tại buôn Knia 2, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn). Y Krếc là đối tượng Fulro, bị xử phạt 08 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Năm 2013, sau khi ra tù được một năm, Y Krếc lại tiếp tục tham gia hoạt động cơ sở ngầm Fulro và bị cơ quan Công an đấu tranh xử lý, đưa ra kiểm điểm trước dân. Với vai trò là “Quản nhiệm điểm sinh hoạt buôn Knia 2”, sau khi được liên lạc, lôi kéo, Y Krếc đã đồng ý tham gia CHPC và được A Ga giao cho làm Thủ quỹ của Ban điều hành tạm thời. Từ tháng 3/2020 cho đến khi bị phát hiện, Y Krếc đã tích cực lôi kéo 15 người, hầu hết là các tín đồ Tin lành sinh hoạt trong điểm nhóm tại gia của mình tham gia CHPC.
Theo cơ quan chức năng, chiêu bài lợi dụng tôn giáo rất nguy hiểm bởi vì thông qua các hội thánh, các sinh hoạt tôn giáo, số này lôi kéo, tập trung tín đồ, lồng ghép tư tưởng hẹp hòi, ly khai tự trị để tập hợp lực lượng, tiến tới gây rối, biểu tình, bạo loạn. Mục đích cuối cùng là để thành lập Nhà nước riêng.
Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đăk Lăk cho biết: Nếu Fulro đứng độc lập thì không làm được gì bởi bản chất Fulro thì người dân đã biết rõ. Fulro muốn làm được, muốn gây rối, muốn bạo loạn, muốn thành lập Nhà nước riêng thì phải có quần chúng mà muốn có quần chúng thì phải có một tổ chức nào đó để lừa bịp, lôi kéo quần chúng. Trước đây có Tin lành Đề ga thì nay là “Tin lành đấng Christ Việt Nam” hay “Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”.
Từ những âm mưu, ý đồ hoạt động và những chứng cứ thu được đã thể hiện “Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” (CHPC) chính là một tổ chức phản động đội lốt tôn giáo để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, do đó, mọi hoạt động liên quan đến tổ chức này đều là hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù sau khi bị phát hiện, các đối tượng tham gia CHPC trên địa bàn Đắk Lắk đều đã thừa nhận, cam kết từ bỏ, tuy nhiên, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm của từng người mà cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định của pháp luật./.