Công tác đảng không thể "đứng" ngoài dòng chảy chuyển đổi số
VOV.VN - Trước sự phát triển mạnh mẽ của KH-CN, xuất hiện ngày càng nhiều trang mạng xã hội tác động lớn (tích cực và tiêu cực), đến mọi lĩnh vực, trong đó có công tác xây dựng Đảng. Do đó, yêu cầu chuyển đổi số trong công tác Đảng là bắt buộc để góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng.
Sổ tay điện tử sinh hoạt Đảng
“Sổ tay điện tử xây dựng Đảng Quận 1” được đưa vào hoạt động từ ngày 15/5/2024, thực hiện trên nền tảng website Đảng bộ Quận 1, đảm bảo tính bảo mật. Đối tượng truy cập được cấp tài khoản sử dụng Sổ tay là hơn 600 đảng viên gồm: Thường trực Quận ủy - UBND Quận 1, các thành viên Ban Chỉ đạo 35 và Tổ thư ký Ban Chỉ đạo 35 Quận 1; bí thư, phó bí thư các cơ sở đảng, bí thư các chi bộ khu phố…
Sổ tay gồm các chức năng chính như “Văn bản của Đảng bộ Quận 1”, “Định hướng công tác tư tưởng”, “Nhận diện”, “Tài liệu tham khảo” và “Hỏi – đáp”. Qua đó cung cấp các tài liệu, văn bản trong lĩnh vực công tác xây dựng Đảng; đặc biệt là định hướng công tác tư tưởng phục vụ sinh hoạt chi bộ; là kênh cung cấp thông tin chính thống và mới nhất bằng hình thức đa dạng như podcast tin tức ngắn gọn, đi vào trọng tâm.
Đặc biệt, Sổ tay luôn cập nhật danh mục các trang cộng đồng chính thống, lên danh sách các trang, mạng xã hội, nhóm, kênh youtube …xấu độc để kịp thời nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Sổ tay còn tích hợp 300 quyển sách, trên 1.000 bài viết và các video ở nhiều nội dung bao quát toàn bộ các vấn đề từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Những người sử dụng Sổ tay cũng có thể sử dụng chức năng Hỏi – Đáp để có thể trao đổi về những vấn đề còn có thắc mắc, nghi ngờ…
Theo bà Nguyễn Trung Châu Tuyên, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1, Sổ tay sẽ giúp các đảng viên vững vàng hơn về kiến thức, tư tưởng; từ đó định hướng, tuyên truyền cùng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và làm tốt công tác chính trị tư tưởng tại đơn vị.
Bên cạnh đó, Sổ tay cũng giúp các bí thư chi bộ có thể định hướng cho đảng viên những trang thông tin tích cực để lan tỏa, chia sẻ trên không gian mạng, góp phần "phủ xanh" thông tin chính thống trong cơ sở, trên địa bàn; đồng thời nắm bắt các trang xấu độc để không nghe, không xem.
Theo bà Châu Tuyên, qua khảo sát sau khi Sổ tay ra mắt 3 tháng, có 98% đảng viên được cung cấp tài khoản sử dụng đánh giá “rất tốt” và “tốt” về hình thức của sổ tay; 90% đánh giá Sổ tay đáp ứng “rất tốt và tốt” yêu cầu cơ bản của công tác xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Những con số đáng khích lệ nêu trên đã bước đầu khẳng định hiệu quả của Sổ tay, thể hiện được quyết tâm từng bước “số hóa” công tác Đảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động gắn với chủ đề năm của thành phố, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, ý chí và hành động trong Đảng bộ Quận 1.
Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1 Nguyễn Trung Châu Tuyên cho biết thêm: "Đánh giá bước đầu về hiệu quả này thì chúng tôi ghi nhận thấy là các đồng chí bí thư rất là hưởng ứng, xem đây như là một cuốn cẩm nang để giúp cho mình trong quá trình là triển khai các hoạt động, sinh hoạt của chi bộ của mình. Và các đồng chí bí thư cũng tự tin hơn khi mà mình nắm rõ các nguồn thông tin, rồi có các văn bản, dữ liệu thông tin trong tay thì các đồng chí cũng làm tốt hơn nhiệm vụ bí thư của mình".
Minh bạch, tiết kiệm thời gian
Đến cuối năm 2024, Bình Dương có 15 đảng bộ cấp trên cơ sở, 570 tổ chức cơ sở đảng với tổng số hơn 57.700 đảng viên; trong đó có gần 3.800 đảng viên đang công tác tại 66 tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (82 đảng viên là chủ doanh nghiệp).
Đến nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương đã cập nhật thông tin của hơn 56.700 đảng viên lên Phần mềm cơ sở dữ liệu đảng viên phiên bản 3.0, đạt tỷ lệ hơn 98%. Để cụ thể hóa Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo trong công tác Đảng. Điển hình là việc ứng dụng sổ tay đảng viên điện tử và số hóa các văn bản, tài liệu.
Ông Nguyễn Phước Hiệp, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, nhờ chuyển đổi số mà công tác quản lý đảng viên trở nên minh bạch, hiệu quả hơn.
"Sổ tay điện tử giúp cho tổ chức đảng tổ chức được các buổi họp trực tuyến, gắn với đó là triển khai tài liệu, các thông tin tuyên truyền đến từng đảng viên. Các đảng viên có thể tương tác và trao đổi ngược lại với đảng viên trong chi bộ, bí thư, đồng chí cấp ủy trong chi bộ. Tới đây, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong công tác đảng viên".
Đảng bộ Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) ở Bình Dương hiện có 8 chi bộ trực thuộc, với tổng số 201 đảng viên. Trong đó, có 193 đảng viên đang công tác tại 43 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Để nâng cao hiệu quả sinh hoạt Đảng và đáp ứng yêu cầu của thời đại số, Đảng bộ đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác Đảng. Cụ thể, các nhóm Zalo đã được thành lập để trao đổi thông tin, văn bản kịp thời giữa Ban Chấp hành, cấp ủy chi bộ và các đảng viên. Nhờ đó, công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Đối với sinh hoạt đảng định kỳ, Đảng bộ đã linh hoạt tổ chức cả hình thức trực tiếp và trực tuyến để phù hợp với điều kiện của từng đảng viên, đặc biệt là những người làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tiết kiệm thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên tham gia sinh hoạt.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Bí thư Đảng bộ Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore cho biết: "Để đảm bảo chất lượng sinh hoạt đảng, trước mỗi buổi sinh hoạt, chúng tôi đã gửi tài liệu cho các đảng viên nghiên cứu trước. Khi sinh hoạt trực tiếp, đảng viên căn cứ vào đó có báo cáo, phát biểu ý kiến để cuộc họp diễn ra nhanh hơn so với việc Bí thư phải đọc báo cáo”.
Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc
Gần hơn với công tác đảng cũng như gắn bó với nhân dân, ông Nguyễn Văn Thể, Trưởng ban Ban công tác Mặt trận ấp, Tổ phó Tổ nhân dân 1, ấp Đông Lân 1, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn nhận xét, trước kia mỗi lần cần tuyên truyền gì đều phải in ấn tài liệu để phát trực tiếp cho người dân. Cán bộ khu phố phải đi trực tiếp tuyên truyền nhưng hiện nay chỉ cần mạng internet, zalo, facebook kết nối …thì văn bản ở trên đưa xuống rất nhanh.
Ngày trước khu phố, tổ nhân dân cả tháng mới họp một lần, nhiều thông tin người dân đến khi được tuyên truyền mới biết thì hiện nay chỉ cần có mạng internet, người dân đã dễ dàng tiếp cận thông tin. Vừa nhanh, vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc và đỡ nhiễu thông tin do khâu truyền đạt qua nhiều cấp có khi không còn chính xác.
Ông Nguyễn Văn Thể cho rằng, mặc dù việc chuyển đổi số sẽ gặp khó khăn ở giai đoạn đầu cho những người lớn tuổi, nhưng đây là công tác bắt buộc trong bối cảnh hiện nay: "Cả tháng có nhiều việc tới lúc họp mới biết, còn hiện nay người dân biết nhanh lắm. Giờ ở trên đưa xuống mình chuyển tin đó cho dân biết. Hay UBND xã có đường link hướng dẫn đăng kí cho trẻ em học đầu cấp là người ta làm luôn, nhanh hơn trước rất nhiều"
Theo Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM Phạm Hồng Sơn, Văn phòng Thành ủy là bộ phận chủ lực để làm công tác phối hợp bởi vì tất cả mọi thông tin và mọi việc đều đổ về đây. Số đầu việc rất lớn nên công tác phối hợp để xử lý, tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đòi hỏi Văn phòng phải làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị. Để công tác phối hợp có hiệu quả thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và liên thông trong hệ thống của văn phòng có vai trò rất quan trọng:
"Nếu Văn phòng Thành ủy không có thành hệ thống thì mỗi nơi sẽ làm mỗi kiểu, mà mong muốn là chúng ta phải là một hệ thống để liên thông, phối hợp từ cơ sở trở lên tới Văn phòng Thành ủy và giữa các ban đảng với nhau. Đó mới là quan trọng nhất", ông Sơn nói thêm.
Có thể nói, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, nếu công tác Đảng đứng ngoài dòng chảy sẽ trở nên lạc hậu và dễ dàng để cho luồng thông tin xấu, độc, tiếp cận với đảng viên, người dân. Do đó, việc “số hóa” công tác Đảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là con đường duy nhất, là hướng đi tất yếu hiện nay để phát huy tính chủ động, nhạy bén trong tiếp cận thông tin, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng.