Công tác tuyên giáo cần vươn tới tầm cao tư tưởng, văn hóa và chiều sâu của lòng người
VOV.VN - Công tác tuyên giáo phải tích cực, chủ động đổi mới nội dung, hình thức, phải thực sự chiếm lĩnh trận địa tư tưởng, văn hóa.
Công tác tuyên giáo là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa kiên định các nguyên tắc cơ bản, vừa sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền, góp phần làm sáng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ phong trào hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân; góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa 90 năm qua.
Đầu thế kỷ trước, khi đất nước còn rên xiết dưới ách xâm lược và đô hộ bạo tàn của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước. Ở Pháp, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, năm 1919, Người cùng Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường gửi “Yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Véc-xây; Người bắt gặp và đón nhận “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lê-nin; năm 1920, Người viết “Bản án chế độ thực dân Pháp”; bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ Ba, tức Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Từ Pháp, Người tiếp tục đến nhiều châu lục, nhiều quốc gia, đặc biệt là đất nước của Lê-nin, của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người thành lập “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”. Mùa xuân năm 1930, tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng), Người chủ trì hội nghị hợp nhất các đảng chính trị theo đường lối mác-xít ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Bằng “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “Điều lệ vắn tắt” của Đảng do Người soạn thảo, ngay từ khi đó, Đảng ta khẳng định “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
Chỉ sáu tháng sau khi Đảng ra đời, nhân ngày Quốc tế đỏ (1/8/l930), Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng phát hành tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1/8”, lên án chiến tranh đế quốc, kêu gọi giai cấp công nhân và các tầng lớp khác trong xã hội vùng lên chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết.
Ngày 1/8 hào hùng đó, sau này được Đảng ta quyết định là Ngày truyền thống của ngành Tuyên giáo. Lực lượng làm công tác tuyên truyền, cổ động đã cùng toàn Đảng, toàn dân lấy vũ khí tư tưởng kết hợp với các hình thức, các lực lượng để đấu tranh cách mạng, chống đế quốc, phong kiến, đòi dân chủ, dân sinh, dân quyền, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; phối hợp, kết hợp đấu tranh chính trị tư tưởng với đấu tranh quân sự, đấu tranh ngoại giao…
Bao chiến sĩ tuyên truyền, cổ động của Đảng đã không ngại gian khổ, hy sinh, bám dân, bám phong trào, gan góc chiến đấu, đưa đường lối của Đảng đến với quần chúng công-nông-trí thức, thắp lên trong họ niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi ngày mai của Đảng, của dân tộc. Biết bao chiến sĩ tuyên truyền, cổ động của Đảng đã ngã xuống trong cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh; trong Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940; trước hừng đông của Cách mạng Tháng Tám 1945; hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ; trước khi lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên mặt trận Điện Biên Phủ; trong những ngày chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam…
Nhiều cán bộ tuyên truyền, cổ động của Đảng đã cùng đồng chí, đồng bào biến cái chết thành sự sống bất diệt; biến nhà tù đế quốc, thực dân bạo tàn thành trường học chủ nghĩa cộng sản; lấy nhà máy, hầm mỏ, ruộng đồng, làng bản… để rèn luyện ý chí lao động và chiến đấu kiên cường, nơi gắn bó máu thịt, sống còn giữa Đảng với nhân dân.
Phát huy truyền thống oanh liệt đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những người làm công tác tuyên giáo luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua hiểm nguy, khó khăn, tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (khóa II) với “Đề cương cách mạng miền Nam”, góp phần nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh, bùng lên phong trào “Đồng khởi”, “Diệt ác, phá kìm”, phá ấp chiến, đẩy tới phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”, thi đua trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy…
Lịch sử dân tộc và của Đảng mãi khắc ghi sự đóng góp quan trọng của lực lượng tuyên giáo trên các chiến trường, nơi đô thị, thôn quê, góp phần làm nên những trận thắng vang dội ở chiến trường miền Nam như Bình Giã, Ấp Bắc, Núi Thành, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đường Chín-Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị….
Ở hậu phương lớn miền Bắc là các phong trào “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”…; là ý chí: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”… Chúng ta đã mở mặt trận ngoại giao, thông tin, tuyên truyền ngay trong lòng nước Mỹ và các nước phương Tây thời kỳ kháng chiến chống xâm lược Mỹ…
Lực lượng tuyên giáo đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm thất bại các “chiến lược” của nhiều đời tổng thống Mỹ: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiếp đó là chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn ý nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc, của bao anh hùng, liệt sĩ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, hàng nghìn cán bộ tuyên huấn, báo chí, văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, khoa giáo... đã hy sinh anh dũng. Chỉ riêng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam có 288 đồng chí hy sinh; Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 có 208 đồng chí hy sinh; hơn 400 nhà báo, nhà văn hy sinh trên các chiến trường...
Giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thu giang sơn về một mối, cả nước đi lên CNXH, nhưng phía trước con đường đi của dân tộc còn lắm chông gai. Hậu quả nặng nề của hai cuộc chiến tranh khốc liệt hằn sâu trên gương mặt mỗi người, mỗi gia đình, mỗi làng quê, phố thị, thôn bản. Chưa kịp lành vết thương, đất nước ta lại phải đương đầu với lệnh bao vây, cấm vận của Mỹ, rồi phải cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; đương đầu với thiên tai, bão lụt, những khó khăn của đời sống nhân dân.
Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI của Đảng vừa đi qua những năm đầu thì Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, do sai lầm về đường lối và cả sự phản bội, phân rã từ bên trong, đã lâm vào khủng hoảng sâu sắc và đi đến sụp đổ chế độ. Sự tồn vong của Đảng, của chế độ XHCN ở Việt Nam đứng trước thách thức gay gắt. Xu hướng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, "đổi hướng, đổi màu", dao động, hoài nghi, cơ hội chính trị…được dịp nảy nở, tán phát, đặc biệt là âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Ngay trong thời điểm khó khăn đó, những người làm công tác tuyên giáo cùng cả hệ thống chính trị kiên cường giữ vững trận địa tư tưởng; tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và con đường đi lên CNXH của dân tộc; không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế; khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng, bền chí của nhân dân là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 90 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, cùng với những ưu điểm và thành tựu cơ bản, hoạt động tuyên giáo cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần khắc phục. Việc nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình và tâm trạng xã hội có lúc, có việc còn lúng túng, bị động; công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, báo cáo viên, tuyên truyền miệng có lúc chưa theo sát và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chất lượng, hiệu quả giáo dục lý luận chính trị có mặt còn hạn chế; công tác tham mưu trong lĩnh vực khoa giáo và kinh tế chưa cao; nội dung, phương thức hoạt động chậm đổi mới...
Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng đi vào chiều sâu. Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, tạo ra nhiều cơ hội to lớn và cả những thách thức không nhỏ. Cách thức thu nhận, trao đổi thông tin, tình cảm, tư tưởng được thực hiện qua nhiều “kênh”, cả truyền thống và phi truyền thống.
Từ khi đất nước ta nối mạng internet toàn cầu, thế giới trở nên “phẳng” hơn, “gần” hơn, như được chạm tay vào mọi thứ dù xa xôi, khác biệt. Cả thế giới hiện có gần 4,5 tỷ người dùng internet, chiếm tỷ lệ 58% dân số toàn cầu; có hơn 5,2 tỷ người sử dụng điện thoại di động, chiếm hơn hai phần ba dân số toàn cầu. Nước ta hiện có trên 68 triệu người sử dụng internet, bằng 70% dân số cả nước.
Môi trường mạng, môi trường số, công nghệ 4G, 5G và cao hơn thế cho phép việc kết nối, tương tác, kinh doanh, sáng tạo dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Mỗi người có thể lập cho mình các website, blog, weblog, tài khoản trên Facebook, Twister, YouTube…; xem, nghe, đọc và tương tác với báo chí, phát thanh, truyền hình, trên điện thoại di động, máy tính, các ứng dụng nghe nhìn. Các trào lưu, các khuynh hướng tư tưởng xâm nhập, tác động vào nước ta ngày càng mạnh mẽ, phức tạp. Các thế lực cơ hội, phản động, thù địch tăng cường chống phá ta trên nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, lý luận, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ… với âm mưu, thủ đoạn ngày càng thâm độc, xảo quyệt.
Cùng với đó, mấy năm gần đây, kinh tế thế giới rơi vào vòng suy thoái, khủng hoảng nợ công ở Tây Âu, biến động chính trị - xã hội ở Bắc Phi, Trung Đông, châu Á, châu Mỹ-Latinh và một số khu vực khác; chiến tranh kinh tế có thể tạo đà cho chiến tranh lạnh; đại dịch Covid-19 tác động rộng lớn, sâu sắc, nặng nề đến kinh tế-xã hội nhiều nước và chưa có dấu hiệu suy giảm; những vấn đề mới, phức tạp, rất phức tạp nảy sinh ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á, Bắc Á, Nam Á...
Ở trong nước, lạm phát và suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài trong trung hạn; sản xuất, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận, kể cả ở cấp cao, chưa được khắc phục, đẩy lùi; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội chưa đạt kết quả như mong muốn.
Một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm về đối nội, đối ngoại như chủ quyền biên giới, hải đảo; quản lý tài chính, tài sản công, xử lý nợ công, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, quản lý doanh nghiệp nhà nước…còn nhiều yếu kém, dễ gây bức xúc dư luận xã hội, bị các thế lực cơ hội, phản động, thù địch lợi dụng xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng làm phức tạp thêm tình hình.
Không ít cơ quan chủ quản và lãnh đạo các cơ quan tuyên giáo, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ chưa coi trọng việc bồi dưỡng chính trị tư tưởng và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ sáng tác, nghiên cứu lý luận, phê bình, biên tập, biên dịch. Nhiều nhà văn, nhà báo, nghệ sỹ không chịu khó đi thực tế ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp... những nơi mà sự nghiệp đổi mới để lại rất nhiều thành tựu và dấu ấn đậm nét.
Mặt khác, công tác bồi dưỡng chuyên môn, giáo dục chính trị tư tưởng cho họ còn bị buông lỏng, thậm chí bị xem nhẹ. Việc xử lý các trường hợp vi phạm còn lúng túng, có lúc tả khuynh và khá nhiều trường hợp lại sa vào hữu khuynh. Tình hình đó đã đặt ra cho ngành Tuyên giáo những yêu cầu, nhiệm vụ mới với nhiều khó khăn, thách thức mới, cần phải được nhận thức đầy đủ, sâu sắc và hành động đúng đắn, quyết liệt. Công tác tuyên giáo phải vươn tới tầm cao tư tưởng và chiều sâu của lòng người.
Vấn đề cốt yếu, nóng bỏng lúc này của công tác tuyên giáo là phải tích cực, chủ động đổi mới nội dung, hình thức, phương thức, phương pháp hoạt động cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn; phải thực sự chiếm lĩnh trận địa tư tưởng, văn hóa; bí thư cấp ủy các cấp phải trực tiếp chỉ đạo và trở thành người làm công tác tư tưởng vững tay nghề; phải xây dựng đội ngũ, phương tiện và nguồn lực đủ mạnh, đủ sắc bén cho ngành tuyên giáo; phải thực sự đặt văn hóa ngang hàng, ngang tầm với kinh tế và chính trị; xây dựng và khẳng định phẩm chất, cốt cách, bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam trong thời đại mới.
Ngành Tuyên giáo cần phải có cách tiếp cận, định hướng tư tưởng một cách chủ động, sắc bén, thuyết phục, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, mọi thử thách. Từ thực tiễn phong phú của cách mạng nước ta nói chung, công tác tuyên giáo của Đảng nói riêng, ngành Tuyên giáo phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH; không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh văn hóa và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đủ sức giải quyết các vấn đề mới, phức tạp do thực tiễn đặt ra.
Coi trọng, giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; gắn kết chặt chẽ, thường xuyên công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Trên cơ sở đó, định hướng, bồi dưỡng, nhân rộng điều tốt, việc tốt, lấy “cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; phê phán, đẩy lùi những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, “dĩ hòa vi quý”, “an phận thủ thường”, thiếu dũng khí trong đấu tranh tự phê bình và phê bình, thói quan liêu, vô cảm trước cuộc sống nhân dân.v.v.
Trước yêu cầu phát triển của đất nước, ngành tuyên giáo cần nâng cao hơn nữa năng lực dự báo và tham mưu chiến lược cho Đảng ở lĩnh vực công tác được giao; chủ động nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo, phát hiện, xử lý các vấn đề tư tưởng chính trị, tâm trạng xã hội đặt ra; coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm tốt công tác báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa học, giáo dục, y tế, các vấn đề xã hội…
Tăng cường đấu tranh phản bác, đẩy lùi thông tin, luận điệu, hành vi sai trái của các thế lực thù địch, phản động trong nước và nước ngoài; xây dựng, bổ sung lực lượng chuyên gia; vạch trần và đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn đằng sau các sự kiện, vấn đề mà kẻ xấu nêu ra; tích cực, chủ động tuyên truyền đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta một cách có hệ thống, nhất là trên các mặt dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận…
Áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của các trung tâm phá hoại tư tưởng của địch từ nước ngoài; đấu tranh với các hành vi phát ngôn, tán phát tài liệu, lập trang blog xấu chống Đảng, Nhà nước, nhất là vào những thời điểm chính trị quan trọng trước Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, các ngày lễ lớn của dân tộc.
Tăng cường công tác quản lý các tổ chức xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo thành lập các tổ chức theo kiểu "hội đoàn độc lập". Các cơ quan chức năng cần thường xuyên nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời những vấn đề phức tạp có liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội để chủ động xây dựng các biện pháp, giải pháp đấu tranh phòng, chống hiệu quả. Mặt khác, cần kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật, tăng cường đối thoại, tiếp xúc, cảm hóa, phân hóa không để các thế lực thù địch lôi kéo quần chúng nhằm thực hiện ý đồ chống đối từ bên trong.
Cán bộ làm công tác tuyên giáo không chỉ vững vàng về bản lĩnh chính trị, mà còn phải tinh thông nghiệp vụ, sắc sảo về chuyên môn; gương mẫu trong đạo đức, lối sống; phải biết cách chuyển tải đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nội dung đúng đắn, phong phú, sinh động; biết tận dụng ưu thế của hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; có phương thức phù hợp, sáng tạo, có sức truyền cảm, lan tỏa, thuyết phục.
Đổi mới phương pháp, tác phong công tác theo hướng bám sát thực tiễn, cơ sở, tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo, giải quyết kịp thời, thỏa đáng những băn khoăn, lo lắng của nhân dân. Trong đó, chú ý xử lý đúng đắn các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất dân chủ, thiếu kỷ cương, ức hiếp nhân dân, tha hóa đạo đức, lối sống; kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng./.