Làm tuyên giáo chưa bao giờ là công việc dễ dàng
VOV.VN - Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, công tác tuyên giáo còn khó khăn hơn nữa bởi thông tin nhiều chiều, đa dạng.
Ngày 1/8 năm nay, những người làm công tác Tuyên giáo trong cả nước cùng kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống của ngành. Ra đời ngay sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác tuyên giáo là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.
Làm tuyên giáo chưa bao giờ là công việc dễ dàng
Chia sẻ với báo chí về công việc của người làm tuyên giáo, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, làm tuyên giáo chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, công tác tuyên giáo còn khó khăn hơn nữa bởi thông tin nhiều chiều, đa dạng, nhiều kênh thông tin, có smartphone là có thể tiếp cận gần như với cả thế giới. Trên mạng Internet cũng như các mạng xã hội, đúng sai, trắng đen lẫn lộn.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, khó khăn nhất của người làm tuyên giáo là làm sao vẫn đảm bảo phát huy dân chủ, lắng nghe tất cả các ý kiến của mọi người dân, tạo cơ hội để người dân nói lên những suy nghĩ của mình, nhưng vẫn phải đảm bảo giữ được kỷ cương, tìm được tiếng nói chung thống nhất và đoàn kết trước hết là trong Đảng và trong xã hội.
Để vượt qua được khó khăn đó, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, công tác tuyên giáo ngày nay phải đổi mới, phải theo kịp với khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ hiện đại nhưng quan trọng nhất vẫn là con người. Ngành tuyên giáo cần một đội ngũ làm công tác tuyên giáo đủ năng lực, chuyên nghiệp và phải có tinh thần trách nhiệm cao. Đồng thời cũng phải nhấn mạnh rằng, công tác tuyên giáo không thể và không chỉ là công tác của ngành tuyên giáo mà trước hết là trách nhiệm của cấp ủy, của người đứng đầu. Nếu toàn Đảng, toàn dân, mỗi người dân không ý thức được trách nhiệm của mình để không chia sẻ những thông tin sai hoặc ít nhất là phải cẩn trọng xác định nguồn gốc, độ chính xác của thông tin trước khi chia sẻ suy nghĩ của mình.
“Như vậy, công tác tuyên giáo cũng là của toàn dân, của cả xã hội. Làm được như vậy, công tác tuyên giáo lúc đó mới đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi rất cao trong thời đại ngày nay và trước tình hình mới, yêu cầu mới”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.
Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái còn thiếu sắc bén
Từng phụ trách ngành Tuyên giáo của Đảng, Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, ông Hà Đăng, cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, uy tín.
Chia sẻ về đề xuất này, ông Hà Đăng cho biết, theo cảm nhận của cá nhân, thực tế hiện nay ở Ban Tuyên giáo Trung ương xuống tới Ban Tuyên giáo các cấp, dù chúng ta vẫn luôn cố gắng lựa chọn những con người tốt nhất để làm nhưng trình độ của chúng ta vươn lên chưa thật ngang tầm với nhiệm vụ.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác lý luận vẫn còn mặt hạn chế. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa thực sự được quan tâm đúng mức và thiếu đồng bộ; công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn thiếu sắc bén, tính lý luận chưa cao…
Ông Hà Đăng cho rằng, trách nhiệm của ngành Tuyên giáo là phải nâng cao trình độ lý luận, muốn vậy trước hết phải nâng cao trình độ cho chính những người làm lý luận, từ trung ương xuống dưới địa phương, chứ không chỉ có cấp trung ương, bởi mỗi cấp, đòi hỏi trình độ khác nhau, đòi hỏi công tác lý luận khác nhau. Xây dựng đội ngũ công tác làm lý luận có trình độ ngang tầm với nhiệm vụ cũng chính là xây dựng con người. Nếu cán bộ là cái gốc của mọi công việc, cán bộ tuyên giáo là cái gốc của công tác tuyên giáo. Làm tốt công tác tuyên giáo là góp phần vào xây dựng Đảng, tức là góp phần vào thực hiện một phần then chốt của then chốt.
Tuy nhiên, ông Hà Đăng cũng thừa nhận công việc không hề dễ dàng. Bởi theo ông, cái khó nằm ở chỗ chúng ta đặt yêu cầu tinh và gọn khi sắp xếp lại bộ máy. Yêu cầu đó đặt ra không chỉ đối với cơ quan Nhà nước mà kể cả các cơ quan của Đảng. Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nằm trong phạm vi đó, cho nên có nhiều đầu mối trong Ban Tuyên giáo Trung ương cũng phải thu gọn lại, rồi người cũng phải thu gọn. Ông Hà Đăng cũng cho rằng chúng ta muốn cán bộ giỏi, nhưng một người giỏi toàn diện thì khó, phải có người giỏi mặt này, mặt kia. Do vậy, không chỉ chú trọng đội ngũ ở trong Ban Tuyên giáo các cấp mà cần có cả cộng tác viên, đặc biệt đội ngũ chuyên gia có tầm cỡ, có am hiểu về lý luận”.
3.800 cán bộ tuyên giáo chuyên trách, trên 200.000 báo cáo viên
Nhìn lại những thành tựu ngành Tuyên giáo đã đạt được trong 90 năm qua, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, thành tựu ấy chính là nhận thức chính trị, lòng tin nhân dân với Đảng. Lòng tin ấy được thể hiện qua cách gọi “Đảng ta” của người dân, điều mà khó có chính đảng nào trên thế giới có được.
Để có được thành tựu đó, bài học lớn nhất và sâu sắc nhất cần phải lưu ý, đó là phải nắm vững nguyên tắc, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng, từ đó cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch của tuyên giáo trong từng thời kỳ để rồi tham mưu giải quyết đúng và trúng trọng tâm của từng giai đoạn.
Cũng theo Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nhìn lại 90 năm qua, chưa bao giờ ngành Tuyên giáo có được một quy mô, thành tựu lớn như hiện nay về mặt lực lượng, kinh nghiệm, với 3.800 cán bộ tuyên giáo chuyên trách trong cả nước, trên 200.000 báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở, 17.400 cộng tác viên về dư luận, vài chục nghìn cán bộ lý luận từ trung ương đến cơ sở với kinh nghiệm đã được đúc kết qua nhiều giai đoạn./.