Cử tri băn khoăn về chất lượng giáo dục và việc làm cho người dân các tỉnh phía Nam
VOV.VN - Các vấn đề về giáo dục, dạy học online, chất lượng đào tạo cũng như an sinh xã hội, việc làm cho lao động dịch chuyển các tỉnh phía Nam là tâm tư và nguyện vọng của cử tri cả nước.
Cử tri băn khoăn về học online sẽ giảm chất lượng đào tạo
Bà Dương Thị Thùy ở phường Đằng Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng rất chia sẻ với những nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo trong 2 năm qua khi phải duy trì việc dạy học trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp.
Theo dõi phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sáng nay (11/11), bà Dương Thị Thùy cho rằng, các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu đã cho thấy rõ nét thực tế của giáo dục nước ta hiện nay. Bà Thùy mong muốn, từ những ý kiến chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và ngành Giáo dục có điều chỉnh phù hợp để nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học hàng năm.
"Qua kỳ thi đại học vừa qua, tỉ lệ thí sinh có điểm cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng đầu là một thực tế. Chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, cân nhắc trước khi hạ bút phê duyệt các phương án tuyển sinh mà các trường Đại học trình lên để làm sao đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh, những em học sinh học tốt nhưng vẫn có cơ hội đỗ và các trường top đầu ưng ý. Như thế, bản thân các trường cũng sẽ chọn được nguồn sinh viên chất lượng hơn" - bà Dương Thị Thùy nói.
Cũng liên quan tới các vấn đề giáo dục, cử tri Kon Tum quan tâm về đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt hình thức dạy học trực tuyến của ngành giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Cử tri Lưu Văn Đức, Tổ 1, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho biết, nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đối với vấn đề này là rất rõ ràng và mạch lạc. Bộ trưởng đã rất thẳng thắn khi nói về những hạn chế của hình thức dạy học này và đưa ra được giải pháp để khắc phục. Từ thực tế điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh Kon Tum còn nhiều khó khăn, cử tri đề nghị, việc học trực tuyến chỉ duy trì được ở một số vùng thuận lợi. UBND tỉnh Kon Tum, Trung ương xem xét nên đầu tư vấn đề cơ sở vật chất và xây dựng khu cách ly y tế tập trung, giảm sử dụng các cơ sở trường học làm khu cách ly y tế và điều trị Covid-19. Không nên sử dụng các trường học nữa vì ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu.
Nhiều cử tri Lai Châu chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà ngành Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhóm vấn đề về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và dạy học trực tuyến để thích ứng với tình hình dịch bệnh có thể kéo dài mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra cũng cần tính đến yếu tố vùng miền và điều kiện học tập của học sinh vùng cao.
Cử tri Vũ Thị Quế, Giáo viên Trường Mầm non Sao Sáng, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu cho rằng: “Đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục là để hướng tới mục tiêu chất lượng thực chất, là mong muốn chung của người dân cả nước. Điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu về nhân lực trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần tính đến yếu tố chất lượng giáo dục vùng miền và tình hình dịch bệnh hiện nay”.
Với điều kiện học tập của học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã khó khăn, thua thiệt hơn vùng đồng bằng, thành phố. Và hiện nay dịch bệnh nên học sinh phải học online, không có phương tiện nên chất lượng không thể được đảm bảo.
Cử tri Nguyễn Thanh Hà, ngụ Quận 5, TP.HCM đặt vấn đề: “Chúng ta xoáy sâu vào vấn đề học trực tuyến vì đại dịch Covid-19 nên mọi người đều cảm thấy rằng cách đặt câu hỏi, cách trả lời của Bộ trưởng là phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, nếu đề cập sâu và cụ thể hơn về vấn đề giảm số năm học, giảm tuổi học sinh học tập, giảm chi phí học,… thì sẽ đầy đủ hơn”.
Giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động dân tộc thiểu số từ phía nam về tránh dịch
Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trước Quốc hội, cử tri Trần Như Tiếp, ở phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng rất đồng tình với phần trả lời của các Bộ trưởng. Cử tri Trần Như tiếp cho rằng, phần trả lời của các Bộ trưởng ngắn gọn và đi thẳng vào các vấn đề trọng tâm mà người dân quan tâm.
“Bản thân tôi rất tâm đắc, thấy các bộ trưởng trả lời đúng theo nguyện vọng của cử tri lo lắng chung cho xã hội. Tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể chuyển biến phức tạp khó lường. Trước hết, mong muốn làm thế nào phối hợp giữa các ngành có liên quan đó, như Y tế và Giáo dục, Lao động Thương binh và Xã hội giải quyết trước hết là 2 vấn đề lớn. Một là làm thế nào giải quyết lao động, hỗ trợ cho người ta phát triển làm ăn sinh sống ổn định. Thứ 2 là đối với giáo dục, làm thế nào để con cháu học hành, học trực tuyến cũng tốt nhưng rõ ràng không đạt hiệu quả bằng trực tiếp đâu” - cư tri Trần Như Tiếp nói.
Trong khi đó cử tri Rơ Chăm H’Yéo, ở phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cho rằng, Bộ trưởng đã thẳng thắn trong việc trả lời chất vấn của các đại biểu. Trong các nội dung Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu tại nghị trường Quốc hội sáng nay, bà Rơ Chăm H’Yéo đồng tình với các phương án giải quyết việc làm tại chỗ đới với lao động dịch chuyển từ các thành phố lớn về các địa phương mà Bộ trưởng đã nêu.
Riêng với các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có tỉnh Gia Lai, bà Rơ Chăm H’Yéo kiến nghị: “Trong dịch, đồng bào dân tộc ở trên địa bàn Gia Lai từ Sài Gòn về là hơn 13.000 người. Đồng bào dân tộc hiện nay đã có trình độ làm việc theo dây chuyền, theo yêu cầu của doanh nghiệp, các khu công nghiệp. cho nên, cũng mong sao là Chính phủ và tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ, để đồng bào tiếp tục lao động tại chỗ ở các khu công nghiệp, ví dụ trong ngành may mặc, chế biến ở Khu Công nghiệp Trà Đa chẳng hạn”.
Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện Covid-19
Theo cử tri Nguyễn Thị Hồng, ở thành phố Huế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời rõ ràng về các vấn đề các đại biểu chất vấn như học trực tuyến, học sinh thiếu thiết bị học tập; Vấn đề đổi mới chương trình theo Công văn 4040; Công tác an toàn trường học; Đào tạo các khối ngành liên quan đến sức khỏe và giáo dục; Dạy thêm, học thêm; Phát triển đào tạo qua internet;… Các giải pháp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đã đề cập rất cụ thể, giải tỏa được nhiều băn khoăn của đa số cử tri. Cử tri Nguyễn Thị Hồng quan tâm việc “Đảm bảo chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện Covid-19”.
“Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, việc Bộ chủ động chương trình vào học tập trực tuyến, giải quyết được vấn đề học tập của học sinh. Và như Bộ trưởng đã nói, học trực tuyến thì không thể đòi hỏi như là học trực tiếp được về mặt chất lượng. Ở đây, việc học trực tuyến là để duy trì việc học của học sinh, đảm bảo cho học sinh có hứng thú liên tục trong việc học của mình và giảm thiểu tối đa việc học sinh bỏ học. Tuy nhiên, Bộ cùng với các ban ngành cũng tạo điều kiện rất nhiều để giải quyết những vấn đề khó khăn về việc thiếu trang thiết bị học tập cho học sinh"- cử tri Nguyễn Thị Hồng nói.
Cử tri Đắk Lắk: Bộ trưởng giải đáp cả những vấn đề từ nhiệm kỳ trước
Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Y Khút Niê, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk khoá XIV nhận xét: Các đại biểu đã đặt các câu hỏi xác đáng, sát với tình hình hiện nay khi ngành giáo dục chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19.
Về phía Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đạo tạo, ông Y Khút cho rằng, Bộ trưởng đã giải đáp được các ý kiến đại biểu nêu tại kỳ họp và cả những nội dung còn tồn đọng từ kỳ họp trước và hy vọng Bộ trưởng sớm cùng ngành giáo dục vượt qua những khó lớn do dịch Covid-19.
“Thông qua phần chất vấn của các đại biểu, tôi cho rằng bộ trưởng mặc dù là mới nhận nhiệm vụ nhưng tiếp cận vấn đề hết sức sát sao, nắm chắc vấn đề và giải quyết được các vấn đề cơ bản. Tuy nhiên thời gian sắp tới vẫn có một vấn đề hết sức lớn lao và khó khăn cho bộ trưởng là cần phải tổ chức, sắp xếp lại thời gian học tập nhất là các cháu cấp 1. Đây là vấn đề cần phải được tính toán rõ ràng , cụ thể hơn" ./.