Cử tri miền núi kiến nghị đẩy mạnh nâng tầm sản phẩm OCOP
VOV.VN - Ngày 30/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tiếp xúc cử tri các huyện miền núi Ba Chẽ, Tiên Yên trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Ba Chẽ và Tiên Yên là 2 huyện miền núi thuộc khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, có lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp nhờ diện tích rừng lớn. Riêng huyện Tiên Yên giáp biển có thêm lợi thế lớn về ngư nghiệp, từng bước phát triển du lịch văn hóa gắn với bản sắc của các dân tộc bản địa.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Ba Chẽ và Tiên Yên có nhiều ý kiến, đề xuất tăng cường các chính sách đặc thù cho phát triển nông nghiệp, trồng rừng gỗ lớn; tiếp tục rà soát, có hỗ trợ cho các hộ sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề trong dịch Covid-19, đặc biệt là hộ kinh doanh nhỏ lẻ; nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối giữa huyện Ba Chẽ với TP Hạ Long; đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 18 qua địa bàn...
Anh Trần Văn Phong, Giám đốc một hợp tác xã nêu ý kiến, hiện nay Gà Tiên Yên đã là một sản phẩm thương hiệu OCOP chủ lực, có tiếng của tỉnh Quảng Ninh. Với quy mô hơn 800.000 con trên địa bàn huyện và tiếp tục mở rộng, anh mong muốn sẽ có thêm những chính sách đặc thù để tiến tới chế biến thương phẩm, đưa Gà Tiên Yên ra rộng khắp thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Ninh nhấn mạnh, các huyện miền Đông của Quảng Ninh đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới nhờ đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sắp hoàn thiện và vị trí liền kề Khu kinh tế Vân Đồn.
Tỉnh Quảng Ninh sẽ có những chính sách riêng để Ba Chẽ, Tiên Yên đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong ngành nông, lâm nghiệp để người dân vừa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, vừa đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ môi trường rừng. Với huyện Tiên Yên, ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, phát triển sản phẩm OCOP không tập trung vào số lượng, việc giữ vững chất lượng thương hiệu cần sự chung tay giữa cả chính quyền và người dân.
“Thương hiệu Gà Tiên Yên đã rất nổi tiếng rồi. Xây dựng các thương hiệu địa phương không cần nhiều, chỉ cần 2-3 sản phẩm thôi nhưng nếu chúng ta xây dựng được đúng sản phẩm có thương hiệu quốc gia, xuất khẩu được thì sẽ lan rộng cả địa bàn toàn huyện. Việc chế biến, tiêu thụ thì tỉnh, các sở ngành sẽ lo, còn khâu giống, chăn nuôi thì bà con lo, để làm sao chúng ta giữ được thương hiệu đảm bảo chất lượng. Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu”, ông Nguyễn Văn Thắng nói./.