Đa dạng hình thức tuyên truyền bầu cử cho đồng bào dân tộc thiểu số
VOV.VN - Là tỉnh vùng cao, đa phần các địa bàn dân cư không tập trung và trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, do đó, công tác tuyên truyền được Bắc Kạn dành ưu tiên đặc biệt.
Để chuẩn bị cho cuộc bầu đại biểu Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp, từ những ngày qua, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là với cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa.
Một trong những công việc hàng ngày của anh Ma Văn Hữu, cán bộ Văn hóa, thông tin, thể thao xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) là biên soạn nội dung và trực tiếp đọc trên loa truyền thanh xã những thông tin về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sắp tới.
Theo anh Hữu, dù hầu hết bà con đều có thể nghe được tiếng Kinh, nhưng việc dùng tiếng nói của đồng bào sẽ giúp người dân hiểu nội dung một cách sâu sắc và cảm thấy gần gũi hơn: "Chúng tôi hàng ngày chuẩn bị các bản tin bằng tiếng Tày, tiếng Mông soạn theo bản tin của huyện và bản tin bằng tiếng phổ thông. Các bản tin sẽ phát trên loa truyền thanh và loa tuyên truyền lưu động nữa".
Tại xã Nhạn Môn, một địa bàn vùng cao khác của huyện Pác Nặm, một số khu dân cư chưa được trang bị loa truyền thanh, Ban Bầu cử xã đã cho thu âm vào máy rồi cho cán bộ dùng xe gắn máy, chở loa di động đến từng bản để phát cho người dân nghe. Cuốn hỏi-đáp về bầu cử gồm hàng trăm câu hỏi-trả lời, nếu đọc hết thì quá dài lại khó hiểu. Họ phải biên tập lại những nội dung thông tin chính, ngắn gọn, diễn đạt dễ hiểu, dễ nhớ cho bà con nghe. Sau mỗi đoạn thông tin lại đan xen vài bài dân ca Mông, Dao... nên nghe rất nhẹ nhàng, hấp dẫn với bà con. Cách làm này tuy vất vả nhưng giúp cho mọi người từ ở nhà đến đi làm trên nương, dưới ruộng hay đi chợ đều nghe được.
"Một số đồng bào Mông, Dao chưa hiểu được tiếng phổ thông nhiều, nên chúng tôi chủ động dịch tài liệu ra 2 thứ tiếng này, sau đó dùng loa để tuyên truyền đến từng địa bàn, từng nhóm hộ" - ông Ma Xuân Cương, Chủ tịch UBND xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm nói.
Những ngày qua, Ban Bầu cử các địa phương đã chủ động xác định từng nhóm đối tượng theo khu vực sinh sống, dân tộc và tập quán sản xuất để có được hình thức tuyên truyền, vận động thích hợp nhất.
"Với các thôn, bản vùng cao do trình độ nhận thức của nhân dân còn hạn chế, chúng tôi phải cử thêm anh em trong tiểu ban tuyên truyền để xuống hỗ trợ cùng cán bộ thôn, bản để tuyên truyền thường xuyên. Đồng thời chuẩn bị thêm các tờ rơi, pa-nô, áp phích về bầu cử", ông Nguyễn Như Mai, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cho biết.
Với các thôn bản vùng cao, vùng sâu và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền được các địa phương giao nhiệm vụ đến từng cán bộ, đảng viên thôn, bản. Hệ thống loa truyền thanh cơ sở cũng tăng thời lượng phát sóng, tần suất các bản tin hàng ngày.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn Lưu Ngọc Trung, từ đầu tháng 4 đến trước ngày 23/5 sẽ là đợt cao điểm về tuyên truyền bầu cử: "Với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào có đạo, chúng tôi yêu cầu bên cạnh các hình thức tuyên truyền qua báo chí, cổng thông tin điện tử tỉnh, các sở ngành địa phương và trên mạng xã hội, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương phát huy lợi thế của hệ thống truyền thanh cơ sở, thành lập các đội tuyên truyền lưu động đến các thôn bản. Tuyên truyền thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ, mặt trận hoặc ở cả những phiên chợ của đồng bào vùng cao".
Để chuẩn bị cho bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bắc Kạn đã thành lập 2 Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội, 14 Ban Bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 60 Ban Bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 717 Ban Bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Hiện nay, địa phương này đã hoàn thành việc hiệp thương lần thứ 2 với sự nhất trí, ủng hộ cao của cử tri./.