Đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý sửa đổi Hiến pháp
(VOV) -Các đại biểu đóng góp vào những vấn đề lớn: vai trò lãnh đạo của Đảng, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…
Sáng 13/3 tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm góp ý kiến vào bản dự thảo. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chủ trì hội nghị. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 13 và 14/3.
Sau hơn 2 tháng triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào dự thảo. Để tiếp tục nâng cao chất lượng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách được tổ chức lần này nhằm phát huy trí tuệ, tâm huyết và trọng trách của mỗi vị đại biểu Quốc hội – người thay mặt cho cử tri trong việc góp những ý kiến cụ thể, thiết thực vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho biết, trong những ngày qua, nhân dân các địa phương đã tích cực hưởng ứng đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đặc biệt, qua tổng hợp bước đầu, đa số ý kiến đều đồng tình và đánh giá cao nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đó là việc quy định rõ, đầy đủ hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan Nhà nước khác.
Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến vào những vấn đề lớn trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp như: Lời nói đầu, vai trò lãnh đạo của Đảng, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương…
Liên quan đến công văn của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khuyến khích nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho đến ngày 30/9/2013 trước khi dự thảo được trình Quốc hội thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: “Đây là thẩm quyền của Quốc hội được ghi rõ trong Nghị quyết 38. Đồng thời cũng là nguyện vọng của nhân dân, các địa phương. Nếu dừng lại ở mốc 31/3 sau đó mọi người không có quyền đóng góp vào dự thảo Hiến pháp thì không dân chủ và không tiếp thu được đầy đủ ý kiến của nhân dân. Trong công văn đó nói rằng, sau ngày 31/3, cơ quan, tổ chức vẫn có quyền gửi ý kiến tham gia vào bản dự thảo, không phải là thay đổi nội dung và quyết định gì của Quốc hội”.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến về tổ chức bộ máy Nhà nước, đặc biệt là về vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Nhiều ý kiến đề nghị, dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần có những quy định cụ thể nhằm nâng cao vai trò của các vị đại biểu Quốc hội, tăng số lượng và chất lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm phát huy vai trò là người đại biểu của nhân dân./.