Hiến pháp sửa đổi: Phải đảm bảo chống được tham nhũng
(VOV)- Theo GS Hoàng Chí Bảo, phải làm sao để đây là bản Hiến pháp dân chủ và thực hành dân chủ, đảm bảo cơ sở pháp lý chống được tham nhũng...
“Trước đây ta thiên về phát triển theo chiều rộng, thì nay ta phát triển theo chiều sâu, lấy triết lý phát triển bền vững. Mà sâu xa của phát triển bền vững là con người, chất lượng sống, những điều kiện sống của con người, xã hội đảm bảo cho con người có cuộc sống ổn định, an toàn và có một tương lai tốt đẹp. Tôi cho rằng, tinh thần nhân văn ấy trong một văn bản luật cao nhất, văn bản gốc của Nhà nước ta đã từng bước được thể hiện”- Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhận xét khi góp ý về dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương |
Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho rằng, vấn đề cốt lõi của bản Hiến pháp mà ông nhận thức được là vấn đề chính thể, thể chế chính trị, các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại rất quan trọng, không thể thiếu được trong đời sống hoạt động của một xã hội có Nhà nước. Theo GS Hoàng Chí Bảo, “khi nói đến Hiến pháp, tức là nói đến tinh thần, nói đến “linh hồn” luật pháp của nó mà từ góc nhìn chính trị”.
Hiến pháp phải đảm bảo cơ sở pháp lý chống được tham nhũng
Hiện nay dư luận xã hội, kể cả trong nước và ngoài nước đang có rất nhiều ý kiến xung quanh những vấn đề về về vai trò của Đảng, về quyền lực Nhà nước, của nhân dân. GS Hoàng Chí Bảo nhận xét, Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện được vấn đề nhân dân là chủ thể cao nhất, không có sự phân chia, không có tam quyền phân lập, mà đây chỉ là một sự phân công phối hợp gắn với kiểm soát quyền lực, để đảm bảo quyền lực của dân.
“Những vấn đề như vậy hiện nay rất sôi động, rất nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận. Tôi nghĩ rằng ý kiến đóng góp càng cụ thể, càng phong phú bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu, để giúp cho cơ quan soạn thảo có được một văn bản tốt nhất có thể để trình các cấp thẩm quyền để có thể thông qua được. Đó là ý chí, là tiếng nói, là nguyện vọng của toàn dân” – GS Hoàng Chí Bảo nói.
Ông cũng cho rằng, toàn bộ từ lời nói đầu đến kết cấu 11 chương và 124 điều trong Dự thảo Hiến pháp, phải làm thế nào để có một điểm nhấn: Đây thực sự là một bản Hiến pháp của sự đổi mới, của phát triển, của hiện đại hóa. Cùng với đó, đây là một bản Hiến pháp dân chủ và thực hành dân chủ, đạt đến một “cuộc chiến” quyết liệt nhất mà có đảm bảo pháp lý là chống được tham nhũng.
Theo GS Hoàng Chí Bảo, “nếu không chống được tham nhũng, thì toàn bộ cơ đồ sự nghiệp của chúng ta sẽ tan ra mây khói. Tại sao lúc sinh thời Bác lại viết tác phẩm “Quốc lệnh” quan trọng đến như vậy. Mà trong đó, một người bao dung, nhân ái như Bác thì thưởng rất hậu hĩnh cho người có công, nhưng khi trừng phạt thì Người cũng rất nghiêm khắc. Trong Quốc lệnh, từ Điều 1 đến Điều 10, phần trừng phạt những kẻ phản quốc hại dân, tham nhũng, tham ô, lãng phí, hại dân hại nước… Bác đều ghi tử hình. Bởi vì nếu không trừng trị cái ác thì phương hại đến cái thiện”.
Ông cũng phấn khởi bởi gần đây, những nghiên cứu về tham nhũng đã đạt đến một nhận thức: Không chỉ nói đến tham nhũng về tài chính, kinh tế, mà đã đề cập đến tham nhũng nguy hiểm nhất hiện nay là tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách, tham nhũng chính trị. “Trên tinh thần ấy, tôi mong muốn bản dự thảo Hiến pháp đề cao dân chủ, thực hành dân chủ, xử lý nghiêm khắc những gì hại dân, hại nước, phản dân, phản nước. Hiện nay nổi lên là vấn đề tham nhũng. Vấn đề này liên quan đến các Điều khoản, mô hình có quyền lực, bản chất của Nhà nước, đảm bảo các quyền của nhân dân không bị tổn thương bằng chính sự kiểm soát của nhân dân”.
Vai trò của Đảng không bao giờ suy chuyển
Về địa vị pháp lý của Đảng ta, GS Hoàng Chí Bảo cũng cho rằng, trong Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, đến Điều 4 của Hiến pháp lần này đã sửa đổi, bổ sung đã có những kiến định cụ thể hơn. Chúng ta khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo GS Hoàng Chí Bảo, điều này hiện nay giới nghiên cứu đang luận chứng trên 3 bình diện. Một là về mặt lý luận, hai là về mặt lịch sử, ba là về mặt hiện trạng. Phải có những luận cứ xuất phát từ 3 phương diện ấy để làm cho việc cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước của Đảng ta thực sự đạt được hai cái chuẩn: xứng đáng và chính đáng. Xứng đáng về mặt phẩm giá, phương diện đạo đức. Chính đáng về mặt trách nhiệm pháp lý và địa vị pháp lý của nó.
“Rõ ràng, chúng ta biết Đảng ra đời với tư cách là một đội tiên phong, không chỉ là tiên phong của giai cấp, mà tiên phong của toàn dân, tiên phong của dân tộc Việt, cho nên Đảng đảm nhận trọng trách để giải phóng dân tộc, và phát triển dân tộc mà lịch sử hơn 80 năm của Đảng ta, chỉ vì điều đó.
Hai là lý do tồn tại của Đảng, không có một lý do nào khác ngoài vì dân, ngoài phục vụ nhân dân. Thứ ba là Đảng chính là người thực hiện một đường lối chiến lược để từ thực hiện giải phóng đến độc lập tự do và đưa dân tộc phát triển tới đỉnh cao hiện đại và văn minh, tức là Chủ nghĩa Xã hội. Đây là một sự lựa chọn rất tất yếu của lịch sử. Nó được mở ra từ cách mạng Tháng 10, với học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lê nin và nó được tiếp nhận ở Việt Nam thông qua học thuyết sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc.
Cho nên từ khi Đảng đã giành được chính quyền, lãnh đạo cách mạng tháng Tám thành công và đứng ở địa vị Đảng cầm quyền thì từ đó đến nay, chúng ta đều thấy vai trò của Đảng không có một sự suy chuyển. Và trong thực tế, mô hình lãnh đạo của nước ta là một mô hình một Đảng, không đa nguyên, đa đảng, cho nên việc đảm bảo tính chính đáng, năng lực phẩm chất của Đảng cần phải được luận chứng rõ, như vậy mới tranh thủ được sự ủng hộ tối đa của nhân dân…”- GS Hoàng Chí Bảo nói.
Ông cũng cho rằng trong Hiến pháp sửa đổi lần này khẳng định rất rõ trách nhiệm của Đảng đối với xã hội, với nhân dân, với dân tộc và cũng là trách nhiệm xã hội của nhân dân đối với Đảng, Đảng chịu trách nhiệm về những quyết định của mình đối với dân thì dân cũng có quyền kiểm tra, giám sát và theo dõi, phản biện cho Đảng về những quyết định của Đảng.
Một vấn đề cũng được GS Hoàng Chí Bảo quan tâm nữa là về quyền lực Nhà nước là của dân: “Không có phân chia mà chỉ có phân công, phối hợp quyền lực. Điều đó cũng xuất phát từ mấy căn cứ: một là thể chế chính trị tư sản ở các nước tư bản phương Tây dựa trên nền tảng kinh tế của chế độ tư hữu, cho nên từ tất yếu kinh tế này mà dẫn đến việc phân chia, tranh giành quyền lực của các nhóm chính trị, nhóm lợi ích, còn ở nước ta không như vậy. Chủ thể gốc của quyền lực là dân, chủ thể này thống nhất và toàn vẹn, thống nhất từ trong mục đích, từ trong ý tưởng, trong quyền và nghĩa vụ chứ không có sự phân chia mà là một khối toàn vẹn của dân. Dân ủy quyền cho Nhà nước, cho những người đại diện của mình, thậm chí về mặt chính trị, dân ủy quyền cho cả Đảng, các tổ chức chính trị-xã hội, cho nên sự ủy quyền này dẫn đến quan hệ 2 chủ thể: Một là quan hệ với chủ thể gốc là dân, chủ thể đại diện là Đảng, các đoàn thể và các thiết chế. Các chủ thể đại diện này chỉ thực hiện những quyền mà dân giao phó”.
Theo GS Hoàng Chí Bảo, trong sửa đổi Hiến pháp lần này có điểm nhấn và điểm mới là sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực từ dân và kiểm soát quyền lực từ trong các tổ chức Nhà nước, nhất là áp lực của xã hội, dư luận cộng với công khai minh bạch thông tin, giải trình trách nhiệm, nó sẽ chống được sự tha hóa, thoái hóa của quyền lực./.