Đại biểu Quốc hội đề nghị nới lỏng tiêu chuẩn xét danh hiệu “nhà giáo ưu tú”
VOV.VN - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 2, ngày 28/10 các đại biểu đã đưa ra các ý kiến thảo luận tại tổ.
Đại biểu Quốc hội Lào Cai cho ý kiến về Luật Thi đua khen thưởng
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan Anh, đoàn Lào Cai, Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi lần này đã khắc phục được bất cập của quy định hiện hành; phù hợp với thực tiễn trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bà cùng các thành viên trong Đoàn đều bày tỏ nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội đã trình bày trong sáng 28/10. Tuy nhiên, qua thảo luận, Tổ nhận thấy vẫn có một số nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Bà Lan Anh cho biết, do ở các tỉnh vùng cao, biên giới, hải đảo, các nhà giáo tiêu biểu, có phẩm chất đạo đức tốt, sau thời gian giảng dạy từ 5-7 năm trong ngành thường được cân nhắc bổ nhiệm và động viên giữ chức vụ quản lý để tiếp tục cống hiến cho ngành và địa phương. Vì vậy nếu tính số năm trực tiếp giảng dạy (không tính thời gian giữ chức vụ cán bộ quản lý trong ngành giáo dục) thì nhiều nhà giáo tiêu biểu không đủ điều kiện được công nhận danh hiệu “nhà giáo ưu tú”. Các nhà giáo (gồm cả nhà quản lý giáo dục) được công nhận “nhà giáo ưu tú” khi còn trẻ có cơ hội và nhiều động lực phấn đấu danh hiệu “nhà giáo nhân dân” khi trong độ tuổi công tác. Các cá nhân này sẽ tạo động lực cho các cá nhân khác phấn đấu.
Theo đó, tại điểm c, khoản 3 điều 62 quy định tiêu chuẩn để xét danh hiệu “nhà giáo ưu tú” cần nới lỏng quy định số năm trực tiếp giảng dạy của tiêu chuẩn này đối với nhà giáo công tác ở vùng cao, biên giới, hải đảo từ 15 năm xuống 10 năm và của cán bộ quản lý từ 10 năm xuống 7 năm. Tương tự như vậy cũng quy định nới lỏng theo hướng giảm số năm trực tiếp giảng dạy đối với “nhà giáo nhân dân” công tác ở vùng cao, biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó, đại biểu Lan Anh cho rằng, quy định hồ sơ khen thưởng còn rườm rà, phức tạp, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, ví dụ như báo cáo thành tích của cá nhân. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chỉ quy định báo cáo thành tích cá nhân đối với cá nhân được khen thưởng từ cấp Chính phủ trở lên, còn các cấp dưới chỉ cần tóm tắt thành tích cùng tờ trình và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là đủ điều kiện căn cứ xét khen thưởng cho cá nhân.
Đối với việc khen thưởng đại biểu Quốc hội chuyên trách, tại Khoản 3 Điều 82 quy định: “Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương”. Tuy nhiên, bà Lan Anh cho rằng, dự thảo luật lại không quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền trình khen thưởng cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương sẽ gây vướng mắc trong bình xét khen thưởng hằng năm dẫn tới không đảm bảo công bằng và không tạo động lực cho đại biểu Quốc hội chuyên trách cống hiến.
Ngoài ra, vị đại biểu này cũng cho rằng, Dự thảo luật có 98 điều nhưng có trên 30 điều (chiếm khoảng 35%) giao cho Chính phủ quy định là chưa phù hợp. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể ngay trong luật này, hạn chế đến mức tối đa việc giao cho Chính phủ quy định. Đồng thời cũng đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn chương dự thảo các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn để khắc phục tình trạng Luật có hiệu lực thi hành nhưng vẫn phải chờ văn bản dưới luật hướng dẫn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh
Tại An Giang, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, chiều 28/10, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Điều 24 về việc chọn lọc, phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị tại miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…có ý kiến cho rằng, hiện nay, việc đầu tư còn dàn trải. Đề nghị đầu tư ở khu vực này cần giới hạn các đối tượng, không nên đầu tư tất cả các xã.
Tại Điều 5 của dự án luật, Nhà nước đầu tư xây dựng trường quay hiện đại với công nghệ cao là rất cần thiết, tạo điều kiện cho các thành phần, doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan đến đến nghệ thuật Điện ảnh được bình đẳng cạnh tranh, tạo ra sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao, đủ sức thi đấu với các tác phẩm điện ảnh khu vực, thế giới.
Về quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, phát hành phim, đại biểu Phan Huỳnh Sơn, đoàn An Giang kiến nghị: “Trong kinh doanh dịch vụ, phổ biến phim phải cụ thể điều kiện cần và đủ, thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh, trình tự thủ tục để thực hiện. Còn về cấp giấy phép phân loại phim ở điều 26; tôi đề nghị quy định rõ thẩm quyền cấp giấy phép phân loại phim, giữa các ngành, các cấp; chẳng hạn như giữa Bộ VHTT&DL và UBND cấp tỉnh”./.