Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi là tấm gương nhân cách văn hóa lớn
VOV.VN - Những cống hiến to lớn của Đại tướng mãi in đậm trong lòng nhân dân, mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc
Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/08/1911-25/08/2016), sáng 23/8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức Tọa đàm khoa học “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Cách mạng Việt Nam”.
Tọa đàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cách mạng Việt Nam |
Các đại biểu khẳng định, công lao và cống hiến xuất sắc, nổi bật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam thể hiện trên lĩnh vực quân sự, trở thành một trong những danh tướng tài năng nhất của thế kỷ 20.
Là người có tài tổ chức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng bước xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từ 34 người vào tháng 12/1944 thành một quân đội với hơn một triệu người năm 1975. Đồng thời, Võ Nguyên Giáp còn là nhà chiến lược quân sự thiên tài, đã hoạch định chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự, đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến thắng có ý nghĩa quốc tế của Quân đội nhân dân Việt Nam - chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Thị Hồng Hạnh, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Mục tiêu Điện Biên Phủ đầu tiên chưa xuất hiện. Tên Điện Biên Phủ hầu như chưa xuất hiện trong “Kế hoạch Nava” cũng như trong “Kế hoạch Đông Xuân 53-44 của phía Việt Nam. Vì sao lại chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược? Qua đây khẳng định quyết tâm và sự chỉ đạo rất linh hoạt và nhạy bén của Đảng và qua đó thấy được sự quyết đoán, táo bạo, chính xác kịp thời của vị Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp trong quá trình chỉ đạo thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Các đại biểu, nhà khoa học cũng khẳng định: Không chỉ là một vị tướng lừng lẫy của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử… Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Năm 1940 là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi lần đầu tiên trực tiếp gặp gỡ Nguyễn Ái Quốc. Đó là cuộc gặp gỡ của hai con người vĩ đại.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh nói: “Năm 1940, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng giao trách nhiệm sang Trung Quốc đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ đó 2 con người này gắn số mệnh của mình với vận mệnh phát triển của dân tộc. Như sau này Đại tướng kể lại: “Bắt đầu từ lần gặp đầu tiên, cái nhìn đầu tiên, cái bắt tay đầu tiên thì dường như giữa 2 con người có cái gần gũi, thân quen, mà cái gần gũi, thân quen đó bắt nguồn từ mạch nguồn văn hóa của dân tộc. Từ mạch nguồn đó tìm đến cái chung để từ đó cùng đứng trên một trận địa chung là giải phóng dân tộc và phát triển đất nước”.
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi là tấm gương của một nhân cách văn hóa lớn, liêm khiết, giản dị và khoan dung. 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, những cống hiến to lớn của Đại tướng mãi in đậm trong lòng nhân dân, là vị tướng của nhân dân, mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc./.