Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người lính và đồng bào Tây Bắc
VOV.VN - Với mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân Tây Bắc, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống mãi. Đó không chỉ là câu chuyện về vị Tổng tư lệnh kiệt xuất gắn với chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", mà còn là những khoảnh khắc gần gũi, sự quan tâm, yêu thương mà Đại tướng dành cho đồng bào nơi đây.
"Tôi vô cùng xúc động khi nghĩ tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội nhân dân, vị Tổng tư lệnh kiệt xuất của dân tộc ta. Bác Hồ và Đại tướng cùng với Trung ương Đảng đã có những quyết định sáng suốt, tạo nên cho toàn dân chúng ta chiến thắng huy hoàng, tạo ra thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ" - Đại tá Nguyễn Hữu Tài xúc động nói.
95 năm tuổi đời, 77 năm tuổi Đảng, 47 năm trong quân đội chiến đấu - Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Sư đoàn 312; nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu vẫn nhớ như in những ngày tháng chiến đấu quên mình trên chiến trường Điện Biên Phủ; đặc biệt là kỷ niệm, dấu ấn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã truyền lửa cho ông cũng như bao đồng chí, đồng đội ngày ấy.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài còn nhớ, khoảng đầu tháng 4/1954, lúc đó ông là Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209, được Đảng uỷ Trung đoàn phân công đến Tiểu đoàn 154 để cùng với chỉ huy lãnh đạo tiểu đoàn tổ chức phòng ngự ở đồi D1.
Trong lần cùng với đồng chí Hoàng Cầm, Trung đoàn trưởng về Sở chỉ huy họp Hội nghị sơ kết hai đợt chiến dịch, ông Tài rất ấn tượng với bài nói chuyện sâu sắc của Đại tướng, có biểu dương, có phân tích khó khăn và chỉ ra khuyết điểm... Nhưng điều ông nhớ nhất là hình ảnh Đại tướng chăm chú lắng nghe và hỏi kỹ các chi tiết về địa hình, đời sống của bộ đội...
"Đại tướng đặc biệt quan tâm đến tình hình ăn uống, sức khoẻ, nơi ăn nghỉ của bộ đội trong công sự ở trận địa phòng ngự đồi D1. Làm việc xong, Tổng Tư lệnh mời chúng tôi ở lại ăn cơm trưa. Bữa cơm thật tuyệt, có thịt lợn rang, có canh rau cải, và đặc biệt là không khí ân cần, cởi mở của Tổng tư lệnh với cán bộ ở chiến trường trở về. Đó là khoảnh khắc vui vẻ và ấn tượng không thể nào quên đối với chúng tôi trong một chiến dịch gian khổ và ác liệt" - Đại tá Nguyễn Hữu Tài nhớ lại.
Còn với cựu chiến binh Quàng Văn Khỏ, ở xã Mường É, huyện Thuận Châu, Sơn La - người cùng dân công, TNXP thầm lặng giúp bộ đội san lấp hố bom trên con đèo Pha Đin, khoảnh khắc được gặp Đại tướng là niềm vinh dự, tự hào cả đời ông không thể nào quên.
Ông Khỏ kể, sau chiến thắng Điện Biên phủ, ông nhập ngũ, là chiến sĩ Trung đoàn 148 đóng quân tại Điện Biên. Trong lần Đại tướng trở lại thăm Điện Biên năm 1955, ông Khỏ vinh dự được gặp, được nghe những lời động viên, dặn dò từ người "anh cả" của quân đội.
"Ông Giáp đến thăm, bắt tay từng người một, động viên các đồng chí cố gắng học tập, rèn luyện. Bây giờ giải phóng Điện Biên rồi, các đồng chí cố gắng bảo vệ đất nước, Tổ quốc ta. Khi ấy 5.000 người xếp hàng dọc cả sân Điện Biên để được gặp Đại tướng" - Cựu chiến binh Quàng Văn Khỏ kể.
Không chỉ với cán bộ, chiến sĩ, mà trong trái tim đồng bào các dân tộc vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, hình ảnh vị Đại tướng tài ba mà gần gũi, quan tâm, ấm áp... vẫn vẹn nguyên.
Dáng hình và câu chuyện về Đại tướng không chỉ gắn liền với đường hầm, lán ở, đài quan sát... tại Sở Chỉ huy chiến dịch năm ấy, mà còn hiện hữu trên những cánh đồng mênh mông, được cấp nước tưới từ Hồ thuỷ lợi Loọng Luông, hay còn gọi là "Hồ Đại tướng" - Công trình được đầu tư xây dựng nhờ bức thư mà Đại tướng viết gửi Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sau chuyến thăm lại Mường Phăng năm 2004.
Mỗi lần kể lại cuộc trò chuyện của Đại tướng với bà con trong chuyến về thăm Mường Phăng, ông Lò Văn Nụi đều mang trong mình nhiều cảm xúc: "Bác Giáp hỏi, bác đến đây 1 tuần Mường Phăng có nuôi được không? Chúng tôi trả lời có, nuôi được. Người dân Mường Phăng có đi học không? - Có đi học hết, không ai bỏ chữ. Dân Mường Phăng có đói không? - Không đói bác ạ. Xong mọi người vỗ tay và bác rời đi..."
Dẫu trái tim vĩ đại ấy đã yên nghỉ sau hơn một thế kỷ chắt chiu từng nhịp đập cho giang sơn đất nước và cho sông núi Điện Biên, nhưng những ký ức đẹp và thiêng liêng về người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn là tài sản vô giá với đồng bào các dân tộc, với các thế hệ hôm nay và mai sau.