“Dân cần nhưng quan chưa vội”
Theo chuyên gia, người cán bộ, công chức hiện nay chưa vì dân, chưa lấy người dân làm trọng tâm để phục vụ.
Phát biểu của một số lãnh đạo cao cấp trong thời gian qua cho thấy các vị rất sốt ruột với việc chính quyền các cấp cứ “bình chân như vại” trước những bức xúc của doanh nghiệp, người dân.
Dự án cải tạo mương tại ngõ 139 phố Khương Thượng, Hà Nội bắt đầu từ năm 2008 nhưng đến giờ vẫn dang dở, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân tại đây (ảnh chụp ngày 5/6) - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Trong cuộc họp với chính quyền TP Hà Nội ngày 4/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ Hà Nội phải chấm dứt ngay tình trạng trì trệ trong nhận thức, hành xử của cán bộ, công chức.
Cách đây không lâu, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Hoàng Trung Hải thẳng thắn nêu rõ: Phải khắc phục bằng được tình trạng “Hà Nội không vội được đâu".
Không riêng Hà Nội, tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng liên tục đốc thúc cán bộ, công chức phải nhanh chóng xử lý ngay những vụ việc mà dân kêu suốt nhiều năm qua.
* TS Hoàng Ngọc Giao (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển):
Ảnh: Tuổi Trẻ |
Người dân có câu cửa miệng “Hà Nội không vội được đâu”. Hàm ý của nó phát sinh từ hiện tượng người dân, doanh nghiệp khi đến cửa công quyền bị “hành” bởi các thủ tục rất rườm rà.
Câu nói này phản ánh sự yếu kém, trì trệ, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu trong quan hệ giữa cơ quan công quyền với dân.
Tại sao lại vậy? Mọi cái đều xuất phát từ con người và thể chế. Về con người, trước hết phải nhìn vào thực tế tuyển dụng cán bộ, công chức của chúng ta.
Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập câu chuyện dư luận râm ran bốn yếu tố “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ” trong việc tuyển dụng, thăng tiến của đội ngũ cán bộ, công chức.
Về thể chế, bộ máy công quyền của chúng ta hiện nay về cơ bản là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Anh thực thi pháp luật nhưng dường như không có người giám sát, kiểm tra, hoặc có thì cũng rất hình thức.
Tôi lấy một ví dụ thôi, trong nhiệm kỳ vừa qua có nhiều văn bản trái luật, thậm chí là vi hiến, gây ra những hậu quả, hệ lụy xấu đối với xã hội nhưng có thấy ai bị kỷ luật, bị thải loại, có thấy ai từ chức đâu, cùng lắm chỉ bị phê bình.
Một bộ máy thiếu sự kiểm soát như vậy đương nhiên tạo cơ hội cho những người có chức, có quyền dễ bề tùy tiện trong thực thi công vụ.
Trong nhiều năm liên tục, ở nhiều cấp và nhiều hoàn cảnh khác nhau, những người lãnh đạo cứ hô hào tăng cường kỷ luật công vụ, xử lý nghiêm người đứng đầu, nhưng thử hỏi có bao nhiêu người đứng đầu bị xử lý?
Hệ thống pháp luật về công chức, công vụ của chúng ta có chương riêng nào quy định về xử lý, truy cứu trách nhiệm người đứng đầu không? Không có chương nào quy định cả.
Còn khi kỷ luật công vụ thiếu nghiêm minh, người ta có làm dở, làm chậm, thậm chí làm sai, lạm quyền cũng không bị làm sao cả thì cần gì phải vội.
“Không vội được đâu” không chỉ có ở Hà Nội. Việc Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng có những phát biểu mạnh mẽ, hối thúc cơ quan công quyền phải làm những vấn đề dân vốn bức xúc từ lâu là một bằng chứng cho thấy chuyện này có ở nhiều nơi.
Tôi mong rằng ông ấy sẽ có chương trình hành động cụ thể, bài bản, với chủ trương và phương pháp rõ ràng để người dân kiểm soát được bộ máy công quyền.
Đặc biệt, Bí thư nên thay thế, loại trừ các mắt xích yếu. Như vậy, từ người lãnh đạo đến nhân viên các cấp trong hệ thống chính quyền phải làm đúng chức phận của mình.
* Ông Diệp Văn Sơn (chuyên gia về cải cách hành chính):
Ảnh: Tuổi Trẻ |
Theo tôi, cần phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “dân cần, quan chưa vội” rồi mới bốc thuốc chữa bệnh được.
Các nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do cơ chế của nền hành chính khó quy trách nhiệm, thiếu trách nhiệm của người đứng đầu, quan trọng hơn hết đó là căn bệnh vô cảm của các cán bộ, công chức.
Điều đầu tiên nổi lên là người cán bộ, công chức chưa vì dân, chưa lấy người dân làm trọng tâm để phục vụ. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn mang nặng tư tưởng của nền hành chính quản lý, cai trị.
Cần nói thêm bộ máy hành chính hiện nay còn có sự chồng chéo, đối lập về thẩm quyền, mối quan hệ phức tạp, ngang dọc chưa có sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan với nhau...
Tất cả yếu tố này gây khó khăn nhiều trong việc xác định trách nhiệm, đồng thời dẫn tới thực trạng phải họp bàn nhiều lần mới thống nhất được cách giải quyết, dù đó là chuyện không lớn lắm.
Nguyên nhân thứ hai là thiếu vắng trách nhiệm người đứng đầu, người nhạc trưởng trong tất cả các sự việc cần phải giải quyết.
Phải nhìn nhận công chức nước ta trưởng thành trong một môi trường còn quá nhiều khiếm khuyết. Lớp sau đi đúng con đường của lớp trước, trong đó có cả chuyện xin - cho, chạy chức chạy quyền, nhũng nhiễu...
Cho nên nếu chỉ dừng lại ở mức độ hô hào, kêu gọi lương tâm chức nghiệp của công chức chưa đủ mà cần có những biện pháp thay đổi cơ chế quản lý, nhấn mạnh trách nhiệm, thưởng phạt công minh...
Tôi cho rằng muốn chuyển biến tình hình “dân cần, quan chưa vội” phải chuyển từ nền hành chính quản lý sang hành chính dịch vụ.
Cơ quan hành chính hướng về lợi ích của dân như là lợi ích của khách hàng thay vì đối xử với dân theo kiểu ban phát, quản lý. Khi đã xem người dân là khách hàng, chính quyền luôn hướng đến mục tiêu nâng cao mức độ hài lòng của người dân.
Nếu quán triệt tinh thần này, một tiếng kêu của người dân phải là niềm đau đáu của các cán bộ quản lý, chuyện dân đi “kêu” từ năm này qua năm khác sẽ được giải quyết./.
Tiến sĩ Lê Văn In (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM - nay là Học viện Cán bộ TP):
Người đứng đầu phải làm tốt vai trò của mình
Vai trò lãnh đạo của người đứng đầu là quan trọng nhất trong việc giải quyết tình trạng “dân cần nhưng quan chưa vội”.
Điều này thể hiện rất rõ trong việc lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo các vụ việc như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, chung cư Trần Hưng Đạo, dự án “treo” và bãi rác ô nhiễm ở Củ Chi, Hóc Môn...
Trước đây, người dân cả nước vẫn chưa quên hình ảnh, tính cách quyết liệt, chỉ đạo hợp lòng dân của cố bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.
Qua đó, thấy rõ người dân rất cần một lãnh đạo đi sâu sát, giải quyết được nhanh chóng các bức xúc của đời sống. Một lãnh đạo như thế thì nói gì người dân cũng nghe.
Người đứng đầu mà nêu gương về cả đạo đức và trách nhiệm trước dân trong công tác thì bộ máy thuộc quyền cũng sẽ làm tốt theo. Lãnh đạo cần công tâm, sáng suốt chọn người quản lý, cán bộ có phẩm chất liêm khiết, tận tụy trong công việc.
Ngoài ra, lãnh đạo cũng cần thông qua việc giám sát trực tiếp các vị trí đứng đầu trong bộ máy thuộc quyền để đánh giá phẩm chất, năng lực, đôn đốc công tác, loại bỏ kịp thời cán bộ thoái hóa, biến chất, làm việc kém hiệu quả.
Một đoàn tàu muốn chạy được thì đầu tàu phải mạnh. Người đứng đầu phải làm tốt vai trò của mình để kéo theo chuyển động tích cực của các vị trí khác trong bộ máy hành chính.