“Dân không thông có nghĩa chủ trương của Đảng chưa đến dân”

(VOV) - TS Trần Văn Miều:“Tôi nghiệm ra một điều, việc gì dân hiểu, dân thông thì dù khó đến mấy dân cũng quyết tâm làm”

Tại Hội nghị Trung ương 7, một trong những vấn đề được Hội nghị quan tâm là tăng cường đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. Trả lời phỏng vấn VOV online, TS Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc trung tâm Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu nhi Trung ương, người có trên 30 năm gắn bó với công tác dân vận cho rằng, đặt vấn đề này trong tình hình hiện nay là rất đúng đắn, kịp thời và  phù hợp.

PV: Hội nghị Trung ương 7 vừa họp có đưa ra nhiều vấn đề quan trọng trong tình hình hiện nay. Ông quan tâm như thế nào về các vấn đề được đưa ra tại Hội nghị?

TS. Trần Văn Miều: Hội nghị Trung ương 7 đã đưa ra nhiều quan điểm, chủ trương quan trọng. Đây là các vấn đề mà bản thân tôi cũng như nhiều người dân rất quan tâm. Tôi kỳ vọng Ban Chấp hành Trung ương nhìn nhận những vấn đề đó như thế nào, thực trạng ra sao và đưa ra giải pháp gì, nhất là những giải pháp rất có tính đột phá đối với tình hình hiện nay.

Tôi cho rằng, cả 6 vấn đề Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, thông qua đều rất quan trọng và cấp bách. Những vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ với nhau, bổ sung cho  nhau, vấn đề này là tiền đề của vấn đề kia, kết quả của vấn đề này cũng là kết quả của vấn đề kia.

Tuy nhiên, Hội nghị đưa ra nhiều vấn đề trong cùng một thời điểm thì việc tiếp thu cũng như triển khai thực hiện sau này nếu không chỉ đạo chặt chẽ, dứt khoát, sát sao thì có những vấn đề không đến được với dân. Và như thế hiệu quả thực hiện Nghị quyết của Đảng sẽ không cao.

TS Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc trung tâm Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu nhi Trung ương (ảnh: Việt Đức)

Đặt vấn đề về dân vận trong tình hình hiện nay là rất đúng đắn

PV: Là một người có nhiều năm gắn bó với công tác thanh vận, ông đánh giá như thế nào khi Hội nghị đặt vấn đề phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình hiện nay?

TS. Trần Văn Miều: Trong 6 vấn đề Trung ương thảo luận, tôi quan tâm đến 4 vấn đề, đó là việc hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, sơ kết Nghị quyết Trung ương 4, công tác dân vận và vấn đề về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Nhưng với kinh nghiệm gắn bó với công tác dân vận trên 30 năm, tôi đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận.

Trong Hội nghị lần này có một nội dung phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. Tôi nghĩ cách đặt vấn đề như vậy là rất đúng, rất kịp thời. Bởi vì, thời kỳ hiện nay nước ta vẫn tiếp tục công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Bối cảnh trong nước và quốc tế đòi hỏi Đảng ta phải tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. Đây là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất quyết định đến sự thành công hay thất bại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng ta kiên trì chỉ đạo một cách quyết liệt toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về một số nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng Đảng. Tôi nhận thức vấn đề xây dựng Đảng là vấn đề đã được đề cập trong nhiều kỳ Đại hội của Đảng và nhiều nghị quyết của Ban Chấp hành, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Nhưng Nghị quyết 4 lần này với cách tư duy mới, cách tiếp cận mới và đặc biệt là cách giải quyết mới. Nên qua 1 năm thực hiện Nghị quyết, cũng đã thu được những kết quả tốt. BCH Trung ương cũng đã nhìn thấy được điều gì tốt, chưa tốt, điều gì còn tồn tại cũng như cách khắc phục tồn tại đó như thế nào. Do đó, việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là nhân tố quan trọng để thực hiện Nghị quyết về dân vận của Đảng.

Để nâng cao uy tín của Đảng, một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất hiện nay là Đảng ta phải coi trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân, chăm lo đến quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, nhất là những người dân gặp khó khăn trong cuộc sống. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi công tác vận động, tập hợp và đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tức là Đảng ta luôn làm công tác nông vận, công vận, thanh vận, phụ vận, trí vận...

Thời kỳ hiện nay, hơn lúc nào hết, Đảng Cộng sản Việt Nam phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác vận động, tập hợp và đoàn kết các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết của Ban Chấp hành, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư về dân vận. Qua đó cho thấy, Đảng ta luôn luôn quan tâm đến công tác vận động, tập hợp và đoàn kết quần chúng nhân dân. Tức là làm cho dân biết, dân hiểu, dân thông đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách do Đảng đề ra. Tôi nghiệm ra một điều, việc gì dân hiểu, dân thông thì dù khó đến mấy dân cũng quyết tâm làm. Còn ngược lại, dân mà không hiểu, không thông thì dù dễ đến mấy cũng khó thực hiện.

Một lần nữa tôi cho rằng, Hội nghị Trung ương 7 đặt ra vấn đề tăng cường đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận là rất đúng đắn, kịp thời và  phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Giải pháp về công tác dân vận có tính đột phá

PV: Ông có ý kiến như thế nào về những giải pháp về công tác dân vận mà Hội nghị Trung ương 7 đã đề ra?

TS. Trần Văn Miều: Trong Nghị quyết về công tác dân vận, Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra 5 nhóm giải pháp. Năm nhóm giải pháp này có tính đồng bộ với nhau, giải pháp này liên quan đến giải pháp kia. Thực hiện được giải pháp này là tiền đề để thực hiện được các giải pháp khác. Ví dụ, việc thực hiện công tác tuyên truyền, hoặc là truyền thông để cho dân, cho cán bộ và đảng viên hiểu được vị trí và vai trò quan trọng của công tác dân vận trong thời kỳ hiện nay. Nói thế thì ai cũng nghĩ công tác đó đã rõ như ban ngày rồi, vậy thì việc gì phải làm truyền thông, việc gì phải làm giáo dục. Nhưng thực tế, cán bộ vẫn hiểu những vấn đề đó lơ mơ. Tôi nói như vậy vì nhiều khi cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta không coi trọng những vấn đề nâng cao nhận thức cho mình. Đặc biệt, từ những nhận thức đó để chuyển đổi thành thái độ và hành vi ứng xử đối với từng vấn đề mà Đảng đưa ra.

Tôi cho rằng, giải pháp truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức, xây dựng thái độ và hành vi tốt của cán bộ, đảng viên về vai trò của công tác dân vận cần phải quan tâm hơn nữa. Bởi vì, không chỉ ở các nước trên thế giới mà ngay ở Việt Nam cũng đã đúc rút kinh nghiệm, công tác truyền thông, công tác giáo dục phải là giải pháp hàng đầu, phải đi trước một bước. Cán bộ có thông, đảng viên có thông và dân có thông về vấn đề đó, thì họ mới tự giác làm.

Tôi rất tâm đắc với bài báo ngày 15/10/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh in trên báo Nhân dân. Đảng ta đã lấy bài báo đó làm đường lối, chủ trương, quan điểm và định hướng cho hoạt động công tác dân vận của mình. Đảng cũng quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm là ngày Dân vận Việt Nam. Tuy nhiên, tôi biết còn nhiều cán bộ, đảng viên chưa biết và chưa hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận. Ý Bác nói, tất cả cán bộ, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức của dân thì phải làm công tác dân vận, phụ trách công tác dân vận. Luận điểm rất quan trọng của Bác là: dân vận tốt, thì việc gì cũng xong, mà dân vận không tốt thì việc gì cũng hỏng. Theo tôi, những lời dạy của Bác hết sức quan trọng, cần làm cho cán bộ, đảng viên hiểu và làm theo.

Chúng ta đều biết, trong tất cả các giai đoạn cách mạng - cách mạng dân tộc dân chủ, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta luôn lấy dân làm động lực cách mạng, mọi cuộc cách mạng đều dựa vào dân. Từ năm 1930 đến năm 1975, Đảng ta luôn gắn bó mật thiết với dân, luôn đề cao vai trò của dân, luôn coi trọng công tác dân vận.

Nhưng những năm gần đây, quyền làm chủ của người dân, có mặt không được phát huy đầy đủ và có mặt bị vi phạm, có nơi bị vi phạm nghiêm trọng. Việc cán bộ, đảng viên vi phạm quyền làm chủ của dân đã dẫn tới niềm tin của dân vào Đảng và Nhà nước bị giảm sút. Tôi cho rằng, chính đảng viên của Đảng và cán bộ của Nhà nước đã làm xói mòn uy tín của Đảng và Nhà nước. Dân vẫn tin vào tổ chức Đảng và Nhà nước, nhưng dân không tin vào đảng viên này hay cán bộ kia. Phân tích  điều này để thấy rõ ai và nơi nào đã làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước trước dân.

Giải pháp thứ hai nói đến việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan Nhà nước làm công tác dân vận. Đây là giải pháp rất quan trọng và đúng đắn. Tôi phải nói đây là giải pháp có tính đột phá nhằm thực hiện Nghị quyết mới về dân vận của Đảng. Đảng ta lãnh đạo các chủ thể xã hội làm công tác dân vận, trong đó có tổ chức Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Tôi cho rằng, vai trò của Nhà nước và các cấp chính quyền làm công tác dân vận rất quan trọng. Vì Nhà nước và chính quyền là chủ thể phải thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng vào pháp luật và chính sách nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc ban hành và thực thi pháp luật và chính sách nghiêm minh sẽ là động lực giải phóng tinh thần của nhân dân, sẽ là giải pháp quan trọng để lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Chúng ta đều biết, trong các cơ quan của Nhà nước và chính quyền có đội ngũ cán bộ công chức và viên chức. Đội ngũ này hàng ngày phải tiếp cận và giải quyết những vấn đề của người dân. Nếu đội ngũ cán bộ này hiểu mình làm trong các cơ quan của dân, do dân và vì dân thì sẽ có thái độ ứng xử tốt với dân. Nếu đội ngũ cán bộ này hiểu mình thực sự là công bộc của dân, hết lòng hết sức vì dân thì họ sẽ không sách nhiễu dân. Việc cán bộ công chức, viên chức tiếp dân, làm việc với dân chính là họ đang làm công tác dân vân của Đảng. Phải xây dựng đội ngũ cán bộ của Nhà nước và chính quyền các cấp hiểu dân, gần dân, gắn bó với dân, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của dân là phẩm chất của người cán bộ. Đối với cán bộ chính quyền cấp cơ sở phải lấy phương châm: Gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ vơi dân.  

 Thứ ba xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh là giải pháp quan trong. Vì các tổ chức này được Đảng giao cho làm nhiệm vụ vận động, tập hợp và đoàn kết các  tầng lớp nhân dân; là cầu nối giữa Nhà nước và chính quyền các cấp với nhân dân; là trường học giáo dục nhân dân; là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Vấn đề chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân là giải pháp quan trọng nhất để nhân dân tự nguyện tham gia vào tổ chức quần chúng. Khi người dân tham gia và tích cực hoạt động trong tổ chức tức là tổ chức đã làm tốt công tác dân vận của Đảng.

Cần phải tăng thêm đội ngũ cán bộ cơ sở

PV: Hội nghị Trung ương 7 đã nhấn mạnh đến việc một bộ phận nhỏ cán bộ có chức, có quyền tham nhũng và sách nhiễu dân, nhất là cán bộ cơ sở. Ông có cho rằng, đây cũng là lời cảnh báo về công tác cán bộ hiện nay?

 TS. Trần Văn Miều: Tôi cho rằng, đánh giá này là chưa chính xác. Bởi vì, nhiều văn kiện cũng như một số đồng chí lãnh đạo Đảng đã nói, tham nhũng, tiêu cực hiện nay mang tính hệ thống. Như vậy, không thể nhận định là một bộ phận nhỏ được. Mà hệ thống ấy phải từ cấp trên cho đến cơ sở. Khi đã là hệ thống thì không thể nhận định là số nhỏ được. Còn cán bộ cấp nào tham nhũng nhiều nhất? Tôi nhận thấy, đúng là cán bộ cơ sở chiếm đông về số lượng, nhưng mức độ tham nhũng không phải là lớn. Dân họ cho rằng, càng làm cao thì tham nhũng càng lớn. Ví dụ, một cán bộ cơ sở liên quan đến cấp đất, cho thuê và bán đất chỉ có quyền đồng thuận, chứ không có quyền quyết định. Quyết định phải là những cán bộ cấp trên cơ sở. Do vậy, nếu có được chia chác thì cán bộ cơ sở chỉ được một phần nhỏ số tiền mà các tập thể và cá nhân chạy chọt để có đất. Mặt khác, xét trên mối quan hệ con người với con người thì cán bộ cơ sở khó thực hiện hành vi tham nhũng hơn. Bởi vì, ở cơ sở mối quan hệ giữa lãnh đạo với người dân là mối quan hệ trực tiếp thông qua mối quan hệ họ hàng, làng xóm, bạn bè, đồng môn, đồng tuế... Chính từ mối quan hệ trực tiếp đó mà cán bộ cơ sở khó thực hiện tham nhũng hơn. Ở cơ sở, nhất là cấp xã nhiều khi dư luận xã hội đã trở thành cái phanh hãm chắc chắn chống lại ý định tham nhũng của cán bộ. Còn ở cấp trên, người đi hối lộ và người nhận hối lộ có mối quan hệ xã hội lỏng lẻo. Họ chỉ biết nhau qua mối làm ăn trong từng vụ việc. Và quan trọng hơn hết, đó là dự luận xã hội không có tác dụng đối với đội ngũ cán bộ trên cấp cơ sở.

(ảnh: Việt Đức)

Tôi cũng cho rằng,  giải quyết tệ tham nhũng, quan liêu, xách nhiễu là vấn đề bức bách, rất quan trọng. Chính đây là nguyên nhân làm xói mòn uy tín của Đảng, xói mòn cả uy tín của Nhà nước. Hiệu lực quản lý của Nhà nước cũng không được dân tôn trọng. Trong những lần đi giảng bài cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận và công tác quản lý Nhà nước về thanh niên, chúng tôi phân tích một cách khách quan hiện tượng một số người dân có hành động đập phá bệnh viện, quây đánh bác sỹ. Hay một nhóm người chống người thi hành công vụ. Trước hết phải coi những người dân và nhóm người đó là vi phạm pháp luật, cần được luật pháp xử lý nghiêm minh. Nhưng mặt khác, chúng ta phải xem xét lại thái độ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đó như thế nào. Có phải chăng họ đã đẩy người dân đến chỗ bất bình, không chịu nổi.

Nhận định về tham những hiện nay, tôi cho là đã đến mức trầm trọng. Trầm trọng không chỉ ở mức độ thiệt hại, mà ở cả vấn đề về tâm lý xã hội. Lúc đầu, Đảng đưa ra chống tham nhũng, dân rất phấn khởi, tin tưởng là sẽ chống được. Một thời gian sau thì dân nhận thấy chống không được. Còn hiện nay, tôi xin báo động là: người dân từ chống tích cực, đến gần như là thừa nhận hiện tượng tham nhũng tồn tại trong xã hội. Bây giờ dân bảo: ai làm cũng vậy, mình làm cũng vậy. Người ta chạy chọt, đút lót để được việc thì mình cũng làm theo.

Còn về công tác cán bộ, tôi cho rằng nếu không có bước đột phá về công tác quy hoạch, công tác đào tạo, đặc biệt là việc giám sát, đánh giá nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực làm việc và rèn luyện tác phong làm việc thì công tác này không đạt được hiệu quả. Tôi rất muốn cán bộ cơ sở thực hiện phong cách làm việc: gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với dân. Có như vậy, cán bộ mới nắm được diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vong và nhu cầu của người dân. Từ đó đưa ra những việc làm thiết thực cho dân, vì dân. Làm được như vậy, dân sẽ tin cán bộ và tin vào Đảng, Nhà nước.

Mặt khác, Nghị quyết Trung ương 7 lần này đề cập đến vấn đề tinh gọn biên chế, giảm bộ máy cồng kềnh. Việc này cũng đã nói từ lâu nhưng vẫn không thực hiện được. Vì sao chủ trương đưa ra rất đúng đắn mà vẫn không thực hiện được? Phải chăng, do công tác quy hoạch hệ thống tổ chức bộ máy và xây dựng chức danh, chức trách cán bộ còn thiếu tính khoa học. Đây là nguyên nhân quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Tôi nghĩ, còn có nguyên nhân khác thuộc về sự cả nể, né  tránh, cá nhân và cơ hội trong công tác tổ chức, cán bộ.

Đối với các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã có nhiều người đã đề cập đến. Tôi chỉ muốn nói đến công tác tổ chức và cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay. Hiện nay, chúng ta có 5 tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước cấp toàn bộ kinh phí cho hoạt động thường xuyên và gần 30 tổ chức thuộc loại đặc thù được cấp một phần kinh phí phục vụ hoạt động.

Để làm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tôi đề nghị thực hiện một giải pháp có tính đột phá về vấn đề này. Đó là, giảm dần việc cấp ngân sách Nhà nước cho các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức đặc thù. Việc giảm dần theo một lộ trình: đến năm 2020, giảm 25%; Năm 2025, giảm 60% và đến năm 2030, giảm 80%.

Để thực hiện được lộ trình đó, các đoàn thể nêu trên phải giảm mạnh biên chế ở cấp trung ương, cấp tỉnh/thành. Các cấp này nên tổ chức bộ máy gọn nhẹ và bố trí một đội ngũ chuyên gia giỏi chuyên làm tham mưu cho Đảng về công tác dân vận và cho Nhà nước về luật pháp, chính sách phục vụ nhân dân. Cùng với việc đó, tôi đề nghị tăng thêm đội ngũ cán bộ của các đoàn thể ở cấp cơ sở. Vì đó là những người gần dân, sát dân nhất, giải quyết vấn đề cấp thiết của dân. Họ là những người trực tiếp triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước và phong trào của các tổ chức quần chúng nhân dân.

 Để chống tham nhũng thành công cần có nhiều giải pháp động bộ. Tôi đề nghị, hai giải pháp theo tôi là quan trọng. Đó là, phải cải cách triệt để tiền lương, để cho người làm công ăn lương đảm bảo đời sống của mình. Hiện nay, lương của cán bộ chỉ đảm bảo 60% đời sống của họ. Phải cải cách tiền lương sát với thị trường. Tức là lương tối thiểu của cán bộ phải đảm bảo cho họ và nuôi được một người ăn theo. Và quan trọng hơn là phải bù đủ, kịp thời lương tối thiểu mỗi khi có trượt giá.

Cùng với đó, đối với cán bộ, phải công khai tất cả việc làm, thu nhập và tài sản của bản thân để dân biết. Tôi cho rằng, phải kiểm soát, phải minh bạch trong vấn đề thu nhập và tài sản của cán bộ thì mới kiểm soát, mới chặn được tham nhũng của  cán bộ.

Phải xem xét lại kiểu báo cáo “100% đạt”

PV: Theo ông, cần phải làm gì để những giải pháp về công tác dân vận được đưa ra thực hiện một cách hiệu quả?

 TS. Trần Văn Miều: Thứ nhất, thực hiện Nghị quyết dân vận thì phải triển khai đồng bộ, liên tục, không triển khai theo cách đánh trống bỏ dùi. Phải nói là tôi rất dị ứng với việc khi đọc những báo cáo của đoàn thể cấp này hay cấp khác nêu rằng, 100% đoàn viên, hội viên đã được học Nghị quyết về dân vận. Làm thế nào để có được con số 100% đó? Tôi cho đó vẫn là những còn số mang tính hình thức, chạy theo bệnh thành tích. Bệnh thành tích ấy hiện nay rất phổ biến trong các đoàn thể nhân dân. Tôi cho là trong thực tế không thể có con số tròn trịa đó, những con số đó là không khách quan và gây tác hại đến đánh giá, nhận định của cấp trên.

Từ đó tôi đề xuất, từ bây giờ Đảng hoặc Chính phủ ban hành một chính sách gì thì phải có cơ quan độc lập đánh giá tác động, Chỉ có đánh giá độc lập tác động của những chủ trương, chính sách thì Đảng và Nhà nước mới nắm được kết quả thực chất. Mặt khác, phải để dân biết, dân hiểu, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật và chính sách. Muốn làm được điều đó, cần đảm bảo quyền tiếp cận của người dân. Đó là: quyền tiếp cận thông tin có định hướng, thông tin kịp thời, chính xác; tiếp cận với pháp luật và chính sách mới được ban hành; tiếp cận với nguồn lực để phát triển; tiếp cận với các phong rào thi đua yêu nước...

Xây dựng và thực hiện chính sách là giải pháp quan trọng để Đảng và Nhà nước chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phải nói là chính sách đúng sẽ là động lực rất quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Tôi lấy thí dụ như trước kia, khoán 10, khoán 100 đã giải phóng tinh thần cho nông dân. Người nông dân được làm chủ ruộng đất, công cụ sản xuất nện họ đã chủ động đầu tư nhân lực và tài chính để nâng cao năng xuất cây trồng, vật nuôi. Từ đó, nước ta đang phải nhập khẩu gạo đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng nhất nhì trên thế giới. Thế mới thấy chính sách đúng quan trọng như thế nào. Mà muốn có chính sách đúng và đi vào cuộc sống thì phải làm từ dân. Hiện nay chúng ta đang làm ngược, xây dựng chính sách từ trên sau đó đưa xuống dân thực hiện. Tôi đề nghị phải huy động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện chính sách. Phải để các tầng lớp nhân dân tham gia vận động chính sách cho mình. Nhân dân tham gia ngay vào khâu xây dựng ý tưởng, xây dựng nội dung, vận đông người hoặc cơ quan soạn thảo và ban hành chính sách tốt cho mình. Tiếp đến, nhân dân là chủ thể tuyên truyền và phổ biến chính sách, thực hiện chính sách và kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

 “Muốn dân chủ trong công tác cán bộ phải có tranh cử”
“Muốn dân chủ trong công tác cán bộ phải có tranh cử”

(VOV)- Ông Vũ Mão: "Phải có tranh cử. Mỗi ứng cử viên phải có chương trình hành động và phải được cọ sát".

 “Muốn dân chủ trong công tác cán bộ phải có tranh cử”

“Muốn dân chủ trong công tác cán bộ phải có tranh cử”

(VOV)- Ông Vũ Mão: "Phải có tranh cử. Mỗi ứng cử viên phải có chương trình hành động và phải được cọ sát".