Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang đã nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư
VOV.VN - Trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã 2 lần về thăm, làm việc tại tỉnh Tiền Giang. Cán bộ và nhân dân Tiền Giang luôn dành tình cảm đặc biệt cho ông và phấn đấu làm tốt những lời người căn dặn để xây dựng quê hương ngày càng vươn lên hòa nhập vào sự phát triển của đất nước.
Chuyến về Tiền Giang gần nhất là ngày 16/3/2016, ngay sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc với Đảng bộ tỉnh Tiền Giang.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tiền Giang đã nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, đạt kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Tiền Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích mặt mạnh, mặt còn hạn chế của tỉnh để có hướng khắc phục. Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ Tiền Giang tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, chủ động tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và đại hội Đảng toàn quốc. Tiền Giang phải làm tốt công tác phòng chống hạn mặn, nâng cao diện tích, sản lượng, chất lượng vườn cây ăn quả, phát triển công nghiệp dịch vụ, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: "Thế mạnh của Tiền Giang lâu nay là nông nghiệp là vườn cây ăn trái, chứ không phải là công nghiệp, tỉnh ta khác với tỉnh Long An. Thế nhưng Long An có gì đó ta cũng nên tham khảo chăng, để kịp thời xoay chuyển cho nó phù hợp, góc độ đó chúng ta suy nghĩ. Nếu tình trạng xâm nhập mặn như thế này làm nông nghiệp mãi có được không hay có thể nghĩ thêm các gì vào đây, làm dịch vụ mở mang ngành nghề, làm công nghiệp… các đồng chí phải chủ động tham mưu đề xuất. Từ chỗ đó mới nghĩ đến thay đổi cơ cấu kinh tế, có gì đó chống xâm nhập mặn không?”.
Thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư, những năm qua Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, chống lại đói nghèo lạc hậu. Trong 6 tháng đầu năm nay, mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 5,56% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng hàng khá trong khu vực, cả 3 khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu thực hiện được 2,9 tỷ USD, đạt 58% so kế hoạch năm, tăng 8,4% so cùng kỳ. Đến nay, Tiền Giang có có 138/138 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 51 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 6 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tiền Giang dẫn đầu khu vực ĐBSCL về công tác này, dự kiến năm 2025 ra mắt tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, diện tích cây ăn trái của tỉnh từ 75.000 ha vào năm 2016 nay đã tăng lên gần 83.000ha, sản lượng đạt trên 1,7 triệu tấn/năm, đứng đầu cả nước; trong đó cây sầu riêng có giá trị xuất khẩu cao nhất, nhà vườn có thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm.
Ông Dương Văn Đây, nhà vườn xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy là một trong số nông dân tiên phong trong mô hình trồng cây sầu riêng của tỉnh Tiền Giang cho biết, sinh thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có về thăm vườn sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp và người khen ngợi, động viên nông dân tiếp tục mở rộng mô hình, sản xuất theo hướng, hàng hóa, xuất khẩu: "Mấy ngày nay hay tin bác Nguyễn Phú Trọng mất, tôi và nhân dân ở đây hết sức buồn. Trước đây, bác cũng có quan tâm đến xã Ngũ Hiệp, bác về có xuống Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp. Nói chung từ cuộc sống đến phong cách lãnh đạo của bác Trọng đối với nhân dân rất quý mến. Bác mất đi rồi đối với dân như mất đi tài sản vô giá, bác đã làm con đường "Ý Đảng- lòng Dân" rồi. Bác ra đi nhân dân rất buồn, mong rằng TW và địa phương làm theo ý bác, làm theo ý Đảng- lòng Dân. Bác mất đi dù buồn nhưng đối với người dân phải phấn đấu sản xuất ra của cải nhiều hơn nữa để làm giàu cho đất nước".
Về công tác phòng chống hạn mặn, đến nay, tỉnh Tiền Giang đã làm rất tốt công tác này. Hệ thống cống đập ngăn mặn, trữ ngọt đã khép kín, nhất là đầu hơn 1.300 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương để xây dựng cơ bản hoàn thành 07 công trình ngăn mặn ven sông Tiền nhằm mục tiêu ngăn mặn, trữ ngọt; nhà máy BOT Đồng Tâm nâng cao năng lực, công suất cung cấp nước cho cả khu vực phía Đông của tỉnh, phục vụ kịp thời cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Năm qua, dù hạn mặn diễn biến khá khốc liệt nhưng Tiền Giang không bị thiệt hại về sản xuất, đời sống người dân ổn định.
Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 4 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp đi vào hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 110 nghìn lao động. Tỉnh Tiền Giang đang kêu gọi đầu tư nhiều khu, cụm công nghiệp tại các huyện Tân Phước, Gò Công Đông, Thị xã Gò Công.
Trong đó có 2 khu công nghiệp đang xúc tiến đầu tư là Khu vực công nghiệp Tân Phước (khoảng 10.000 ha) phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; khu vực công nghiệp Gò Công (khoảng 5.000 ha) phát triển mạnh các ngành kinh tế biển. Công tác chăm lo đời sống gia đình chính sách, thương bệnh binh, người có công với đất nước tiếp tục được quan tâm, đảm bảo ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của khu dân cư.
Ông Đoàn Văn Khanh, một cán bộ hưu trí, sống tại xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng là người có kiến thức rất rộng rãi sâu sắc. "Các việc Tổng Bí thư đã làm, nhất là chống tham nhũng rất nhiệt quyết. Tôi rất xúc động, buồn thương tiếc Tổng Bí thư. Về chỉ đạo của Tổng Bí thư riêng đối với tỉnh Tiền Giang thì tỉnh đã tiếp thu và từng bước đưa ra làm nhiều việc rất cơ bản. Đến giờ này Tiền Giang đã tương đối thực hiện tốt sự chỉ đạo của Tổng Bí thư. Đối với cựu chiến binh, cán bộ đảng viên và nhân dân ai cũng quí mến về đức độ, tài năng của Tổng Bí thư”.
Dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng những lời căn dặn của ông vẫn còn động mãi trong tâm trí của cán bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang (nói riêng) và cả nước (nói chung). Cán bộ, nhân dân tỉnh Tiền Giang sẽ biến đau thương thành hành động, ra sức thi đua trên tất cả các lĩnh vực: học tập, công tác, lao động sản xuất để làm giàu cho quê hương, đất nước như điều mà Tổng Bí thư mong muốn.